Giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam
Năm 2013 là năm đầu tiên Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (2012) có hiệu lực thi hành, cũng là năm đầu tiên, ngày 9/11 trở thành Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và được tổ chức thống nhất trên quy mô toàn quốc.
Sự cần thiết giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, là nhà đạo đức, nhà giáo dục mà còn là một nhà lập pháp. Nếu không có pháp luật thì không thể có pháp chế, không thể có tinh thần thượng tôn pháp luật. Có lẽ vì vậy mà từ rất sớm, Người đã rất quan tâm đến việc xây dựng pháp luật, kiến tạo nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng hành với nhiệm vụ quan trọng đó, trong suốt cuộc đời của mình, Bác là người luôn thể hiện được tinh thần thượng tôn pháp luật trong bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào. Cố Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng: Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn. Phong cách, tinh thần thượng tôn pháp luật của Người là một trong những giá trị cao quý ấy.
Tinh thần thượng tôn pháp luật của Bác được thể hiện một cách toàn diện ở hai khía cạnh, một là Người đã chú trọng xây dựng nền pháp chế của nước nhà; hai là Người đã thực thi nghiêm chỉnh pháp luật trong hành động và cư xử của mình. Với Người, dù là một Chủ tịch nước hay một công dân, pháp luật luôn luôn phải được thượng tôn. Chính vì thế, Người không đặt ra những biệt lệ cho cá nhân mình. Năm 1946, nước ta chuẩn bị cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên. Cũng giống như các ứng cử viên khác, Bác cũng được giới thiệu ra ứng cử tại Hà Nội. Thế nhưng, gần đến ngày bầu cử, cán bộ và nhân dân nơi Bác ra ứng cử đã gửi một bản đề nghị "yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà". Đồng bào ta ở nhiều nơi cũng viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, Nhân dân cả nước nhất trí cử Bác vào Quốc hội. Trước tình cảm đó, Bác đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và nêu rõ: Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định, tôi đã ra ứng cử ở Hà Nội nên tôi không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới [3, tr.136].
Cũng năm 1946, khi Bộ trưởng Bộ kinh tế trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến vi phạm pháp luật, Người đã thẳng thắn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội rằng: Trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban đều phải hết sức làm gương. Nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết. Hay vụ Người bác đơn xin ân xá của Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bớt xén phần cơm áo của bộ đội để sống trác táng…
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta học được nhiều điều và trong một xã hội pháp quyền, điều cần thiết là phải học tinh thần, phong cách thượng tôn pháp luật của Bác. Ai cũng thượng tôn pháp luật thì trật tự xã hội sẽ đảm bảo, cuộc sống sẽ tươi đẹp và điều đó cũng sẽ góp phần tạo nên diện mạo của xã hội xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng pháp luật là yêu cầu tất yếu của Nhà nước, chấp hành pháp luật là ý thức trách nhiệm của công dân. Việc thượng tôn pháp luật có vị trí, vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập hiện nay, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật làm cho mọi người chấp hành pháp luật không chỉ là yêu cầu mà còn là trách nhiệm của mọi người dân; tinh thần thượng tôn pháp luật thể hiện thước đo trình độ phản ánh ý thức chính trị của công dân.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, các bộ, ban ngành, các tổ chức quần chúng và nhân dân đã tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật và một số loại tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp; cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, công nghệ thông tin phát triển vượt trội, lợi dụng vấn đề này, một số đối tượng có hành vi phạm tội tinh vi, đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như: Khủng bố, rửa tiền, mua bán người, sử dụng công nghệ cao… Tội phạm liên quan trực tiếp đến sự suy thoái đạo đức gia đình, xã hội, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm sử dụng vũ khí chống lại lực lượng thi hành công vụ gia tăng.
Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý xã hội, tuyên truyền, giáo dục về pháp luật về đạo đức, lối sống, vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Khóa XIII chọn ngày 9/11 (Ngày ban hành Hiến pháp 1946) là Ngày pháp luật. Việc triển khai thực hiện Ngày pháp luật là khẳng định sự tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội và sự phát triển của quốc gia, đánh dấu bước phát triển của dân tộc; qua đó, làm cho ý thức thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào đời sống, vào hành vi, hoạt động của mọi công dân nói chung và sinh viên nói riêng.
Ngày 9/11 - Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật), đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Năm 2013 là năm đầu tiên Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (2012) có hiệu lực thi hành, cũng là năm đầu tiên, ngày 9/11 trở thành Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và được tổ chức thống nhất trên quy mô toàn quốc. Đây là năm đánh dấu một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi), bản Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Chính vì thế, Ngày Pháp luật càng có ý nghĩa đặc biệt, vừa là sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, vừa tăng cường, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của sinh viên.
Đến nay, Ngày Pháp luật đã được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực hưởng ứng với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, đổi mới, góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức pháp luật, giáo dục lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật trong sinh viên.
Giải pháp giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam hiện nay
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật vào trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng
Chỉ có thể thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật khi pháp luật được hiện thực hóa thông qua hành vi của mọi chủ thể trong xã hội - mọi chủ thể luôn tôn trọng, tự thực hiện pháp luật một cách đầy đủ và chính xác. Điều đó chỉ có thể có được khi có hệ thống pháp luật hoàn thiện, khả thi.
Một hệ thống pháp luật hoàn thiện, khả thi không chỉ giúp cho các cơ quan nhà nước dễ dàng triển khai thực hiện, khắc phục tình trạng "lách luật" mà còn tạo niềm tin của người dân vào pháp luật, từ đó, tôn trọng và tự giác thực hiện. Trong khi đó, ở Việt Nam, "chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp", "hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn". Vì vậy, cần "kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng"; "Đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới".
Phải có chương trình, giáo trình cụ thể tương ứng với các cấp học khác nhau. Nên lồng ghép chương trình giáo dục ý thức pháp luật vào môn học lý luận với việc phổ cập những kiến thức phổ thông nhất, mục đích chủ yếu để hình thành trong các em thái độ, tình cảm và ý thức tôn trọng pháp luật. Ở bậc đại học và cao đẳng, đưa vào chương trình giáo dục ý thức pháp luật những kiến thức đại cương về Nhà nước và pháp luật, những kiến thức cơ bản về ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhưng đối với những ngành học khác ngành luật thì chương trình giáo dục ý thức pháp luật đưa vào học cần giảm nhẹ hơn.
Quan tâm tới việc đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, từng bước bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho họ. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân hầu như chưa được đào tạo cơ bản về pháp luật, chủ yếu là kiêm nhiệm do đó kiến thức pháp luật rất hạn chế, chỉ nói những gì đã in trong sách giáo khoa, nên khó có thể nói tới những hứng thú của học sinh khi học môn này. Ngoài việc sử dụng các biện pháp giảng dạy hiện đại với chương trình giáo dục ý thức pháp luật chính khóa, cần phối hợp những biện pháp ngoại khóa vào các trường học (như thi tìm hiểu pháp luật, câu lạc bộ pháp luật…) nhằm thu hút và tạo sự hấp dẫn của môn học với học sinh, sinh viên.
Hai là, nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng
Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho sinh viên, đồng thời nâng cao trách nhiệm thực thi pháp luật của họ. Chỉ khi họ hiểu một cách đầy đủ, chính xác pháp luật thì họ mới biết được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của mình trong các mối quan hệ để ứng xử phù hợp với chuẩn mực mà pháp luật quy định. Sự hiểu biết pháp luật còn giúp họ có khả năng thể hiện vai trò chủ thể của quyền lực nhà nước, nâng cao năng lực tham gia quản lý nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng với yêu cầu "ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật". Để thực hiện mục tiêu này, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện một cách thường xuyên, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung phải chính xác, thiết thực với hình thức và phương pháp đa dạng, phong phú, hấp dẫn và hiệu quả.
Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật của sinh viên
Tinh thần thượng tôn pháp luật phải được thực thi từ hai nhóm chủ thể: những người nắm quyền lực nhà nước và người dân. Vì vậy, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm được thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng nhóm chủ thể.
Cần tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm ngăn ngừa và kịp thời phát hiện sự lộng quyền, lạm quyền, thiếu trách nhiệm trong hoạt động thực tế, giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với xã hội, bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi trong giới hạn pháp luật. Kiểm soát còn là biện pháp quan trọng để quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, ngăn ngừa hiện tượng tham nhũng trong quản lý, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong thời gian tới, cần "tăng cường phối hợp giữa giám sát, kiểm tra của Đảng với giám sát, thanh tra của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả" và "Thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu". "Kiên quyết, kiên trì, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành dộng mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn… không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, thực hiện nguyên tắc hiến định "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật", "tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội".