Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng của Bác

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Những lời dạy của Người, là cơ sở lý luận và thực tiễn để chúng ta vạch ra chiến lược giáo dục - đào tạo trong thế kỷ XXI.

Phát huy giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng của Bác - Ảnh 1.

Thanh niên nước ta hiện nay là một lực lượng xã hội to lớn. Ảnh minh họa: IT

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2022 ở nước ta là 51,6 triệu người và đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ là nguồn nhân lực chủ yếu, nguồn đào tạo nhân tài cho đất nước, lực lượng chính đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

Thanh niên nước ta còn là lực lượng đang trực tiếp tiếp bước, kế thừa truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ cha anh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa cách mạng nước ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Để làm tròn sứ mệnh cao cả đó, đòi hỏi mỗi thanh viên không những phải có đầy đủ trình độ tri thức khoa học, tri thức chuyên ngành, có phẩm chất, lối sống trong sáng, đúng mực, tư cách đạo đức nghề nghiệp, có lý tưởng chính trị xã hội chủ nghĩa đồng thời phải biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức đó vào giải quyết vấn đề hiệu quả trong học tập và trong cuộc sống, phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện để vững vàng về tư duy khoa học, phát triển tư duy cá nhân của bản thân. 

Chính vì vậy, giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên Việt Nam hiện nay là vấn đề mang tính cấp thiết.

Bác dạy luôn phải coi trọng việc giáo dục

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng: tương lai của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc và sự thành công của cách mạng phần lớn phụ thuộc vào lực lượng thanh niên. Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục, đào tạo thanh niên, trong đó giáo dục đạo đức cách mạng có vị trí quan trọng đặc biệt. 

"Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".
Hồ Chí Minh

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục đạo đức cách mạng là cơ sở, điểm xuất phát cho các giáo dục khác. Đạo đức cách mạng là nền tảng vững chắc của thanh niên, nhờ đó mà mỗi thanh niên có thể tự phấn đấu hoàn thiện mình, hình thành năng lực thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên - Ảnh 1.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức cách mạng là cơ sở, điểm xuất phát cho các giáo dục khác. Ảnh tư liệu

Giáo dục đạo đức là quan trọng nhất

Người cho rằng: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức... thì còn làm nổi việc gì" [6, tr.292]. 

Người cũng khẳng định, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong bài "Thư gửi các bạn thanh niên", Hồ Chí Minh khẳng định: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên" [6, tr.216].

Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh nổi lên một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, giáo dục lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và hiếu với nhân dân

Tư tưởng quán xuyến của Người là Tổ quốc luôn gắn liền với nhân dân, yêu nước hay trung thành với Tổ quốc. 

Trung thành với Đảng, theo Người là phải giáo dục cho thanh niên có được những đức tính trung thực, ngay thẳng, không làm gì hại cho Tổ quốc và nhân dân. Lúc được giao việc thì bất kể to hay nhỏ đều ra sức làm cẩn thận, có hiệu quả và phải biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng. 

Hiếu với nhân dân, là phải giáo dục thanh niên biết yêu mến nhân dân, quý trọng nhân dân, học tập, chiến đấu vì nhân dân, làm cho nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Phải chăm lo và bảo vệ lợi ích của nhân dân, tích cực giúp đỡ nhân dân vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Đồng thời, dám đấu tranh chống lại mọi biểu hiện sách nhiễu nhân dân, và luôn dựa vào nhân dân để phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên phải giáo dục những phẩm chất cao quý như: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; những tác phong đẹp đẽ như khiêm tốn, giản dị; tích cực, siêng năng, làm hết sức mình, gan dạ, táo bạo và sáng tạo; giáo dục đức tính trung thực, thật thà, dũng cảm trong việc công cũng như việc tư. 

Trong bài nói chuyện với các học viên ở Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19/1/1955, Người nhắc nhở, thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình; chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc; chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay; chống lười biếng, xa xỉ; chống cách sinh hoạt ủy mị; chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang... vì đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của thanh niên. 

Người còn căn dặn thanh niên phải: "Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ" [5, tr.376].

Thứ ba, phải giáo dục thanh niên có nhận thức đúng và tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân

Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo của tập thể và của nhân dân thì thanh niên không thể trưởng thành được. Từ đó, phải làm cho thanh niên tìm ra được sức mạnh trong tập thể nhỏ bé của mình cũng như trong nhân dân, có sự đồng cảm và chia sẻ những công việc nặng nhọc với nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân. 

Hồ Chí Minh nói: "Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng" [6, tr.609]. Phải giáo dục thanh niên có tình thương và trách nhiệm với mọi người, chống chủ nghĩa cá nhân. 

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Người chỉ rõ: "Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. "Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy". Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v.. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội" [6, tr.90].

Người kết luận "Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân". "Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội" [6, tr.611].

Thứ tư, đồng thời, với việc chỉ ra nội dung giáo dục, Hồ Chí Minh còn chỉ ra phương pháp giáo dục

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải nói những điều dễ hiểu, không nên nói những điều cao xa, chung chung về đạo đức và cũng không đồng ý cách giáo dục đóng khung trong sự tu tâm, dưỡng tính để tìm thấy sự yên ổn, thanh khiết của cá nhân. Đạo đức cách mạng phải được thể hiện bằng hành động cách mạng, chỉ có hành động cách mạng cho dân, cho nước, thanh niên mới thể hiện giá trị đạo đức của mình. 

Trong quá trình giáo dục Người còn chỉ rõ: "Trẻ em trong như tấm gương, cái tốt dễ tiếp thu, cái xấu cũng dễ tiếp thu. Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt. Cho nên muốn giáo dục các cháu thành người tốt, nhà trường, đoàn thể, gia đình, xã hội đều phải kết hợp chặt chẽ với nhau" [6, tr.331].

Để thực hiện tốt sứ mệnh cao cả đó, trong nhà trường đòi hỏi các thầy cô phải gương mẫu đi đầu trong việc rèn đức, luyện tài, phải có chuyên môn giỏi, có tình yêu và sự tâm huyết với nghề. Nói về công tác huấn luyện và học tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. 

Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lênin khuyên chúng ta: "Học, học nữa, học mãi". Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất" [6, tr.356].

Người phê phán phương pháp giáo dục nhồi sọ của đế quốc và phong kiến. Người yêu cầu "Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là "cá đối bằng đầu"" [6, tr.266]. Đây là mối quan hệ tốt đẹp của thầy và trò trong xã hội dân chủ, đó là sự kế thừa những giá trị đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên - Ảnh 2.

Thanh niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ảnh minh họa

Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên Việt Nam

Thanh niên là một lực lượng năng động, sáng tạo giàu nghị lực có lý tưởng cao đẹp, có thể đảm trách và hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn, nặng nề khi cách mạng giao phó. Chính vì vậy, từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn ghi nhận, đề cao vai trò của thanh niên, đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ.

Ngày 9/2/1991, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW Về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên; Ngày 14/1/1993, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng (khoá VII) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về công tác thanh niên trong thời kỳ mới.

Nghị quyết xác định "Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng" [1].

Tiếp tục khẳng định vai trò to lớn và quan trọng của thanh niên đối với tương lai của dân tộc và tiền đồ của cách mạng Việt Nam, ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) đã ra Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 

Nghị quyết nêu rõ: "Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển, thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước" [2].

Kế thừa những quan điểm trên, Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thảm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước" [3, tr.168-169].

Trước tình hình mới, đối với thanh niên, vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được các trường đại học ngày một chú trọng hơn, thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, đoàn kết học tập và rèn luyện, phong trào học vì ngày mai lập nghiệp, tham gia nghiên cứu khoa học và sáng tạo đấu tranh chống tiêu cực và các hoạt động xã hội. 

Tuy nhiên, trước sự phát triển của tình hình mới, yêu cầu mới, vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn gặp nhiều khó khăn, chịu sức ép của quá trình đổi mới xã hội mà chưa thích ứng theo kịp. Bên cạnh đó, một số những tiêu cực, tệ nạn xã hội đang len lỏi vào không ít thanh niên thiếu rèn luyện đạo đức, có lối sống tự do, buông thả, không có bản lĩnh rõ ràng gây trở ngại cho môi trường và quá trình tiến bộ xã hội, sự phát triển của thanh niên.

Làm gì để phát huy hiệu quả công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên?

Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải duy trì và mở rộng các hoạt động nêu gương, biểu dương các điển hình tiên tiến. Phấn đấu để hình thành trong thanh niên có đạo đức và lối sống "mình vì mọi người, mọi người vì mình" sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật. Mặt khác, cần phải đổi mới quan niệm về nhân cách thanh niên trên cơ sở những thay đổi của điều kiện lịch sử và thời đại, nhất là thực tiễn sinh động hiện nay. Theo đó cần phải:

Một là, tăng cường giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên

Mục tiêu giáo dục lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là trang bị thế giới quan và phương pháp luận duy vật, củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững và kiên định con đường lập trường quan điểm cách mạng, nâng cao sự hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng, từ đó thanh niên làm tốt được mọi công việc được giao.

Xây dựng con người có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Dũng. Nói như Hồ Chí Minh là con người có đức, có tài. Trong việc giáo dục đạo đức cho thanh niên phải quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại theo cách hướng: Kế thừa, phát huy và "hiện đại hóa" các giá trị truyền thống đạo đức tốt đẹp. Cần khắc phục những mặt tiêu cực lạc hậu của truyền thống không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, thậm chí còn tạo sức cảm cho sự phát triển của xã hội hiện đại. Đặc biệt là phải giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho thanh niên noi theo tấm gương sáng ngời của Người. Đó là, giáo dục các chuẩn mực: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư; phải học tập, rèn luyện theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để đáp ứng cho công cuộc cách mạng hiện nay.

Hai là, phải tăng cường giáo dục các chuẩn mực đạo đức cho thanh niên

Lý tưởng là trạng thái hoàn hảo nhất mà người ta mong muốn đạt tới. Thực tế hiện nay nhiều thanh niên chưa đạt được lý tưởng. Cuộc sống chỉ cao quý khi chúng ta sống có lý tưởng và để thực hiện lý tưởng cần có sự xả thân vì sự nghiệp. 

Giáo dục lý tưởng đạo đức là giáo dục tình cảm yêu nước, giáo dục các giá trị đạo đức, trước hết là lòng nhân ái, vị tha, giáo dục ý thức cộng đồng. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay, giáo dục niềm tin đạo đức là rất cần thiết bởi niềm tin đạo đức quyết định khuynh hướng, mục đích và hiệu quả hoạt động của con người. Như vậy, ngoài việc giáo dục Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng thì việc giáo dục các phạm trù đạo đức như: Lẽ sống, trách nhiệm, nghĩa vụ, lương tâm là rất cần thiết cho thế hệ thanh niên hiện hay.

Ba là, tăng cường giáo dục pháp luật tạo môi trường thuận lợi để giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức trong thanh niên

Cũng như đạo đức, pháp luật là một phương thức điều chỉnh hành vi của con người. Việc giáo dục đạo đức cho mọi từng lớp nhất là thanh niên không thể không gắn với giáo dục pháp luật. Là phương thức điều chỉnh hành vi con người, thông qua các quy phạm do nhà nước ban hành, pháp luật điều tiết hành vi con người một cách cưỡng chế để bảo đảm cho sự ổn định của xã hội. Vì vậy, người ta gọi pháp luật là đạo đức tối thiểu, còn chuẩn mực đạo đức điều chỉnh hành vi con người một cách tự nguyện, tự giác thông qua lương tâm là pháp luật tối đa. Vì vậy, pháp luật là một biện pháp khẳng định một chuẩn mực đạo đức nào đó.

Việc giáo duc đạo đức phải gắn liền với giáo dục pháp luật bởi mục đích cơ bản của giáo dục pháp luật là trang bị, cung cấp, bồi dưỡng và nâng cao tri thức pháp luật cho mọi người, hình thành ở họ lòng tin vào pháp luật và từ đó tạo cho họ có thói quen ứng xử theo những đòi hỏi của pháp luật. Qua đó những nguyên tắc, tình cảm nghĩa vụ và đạo đức ở mỗi con người sẽ được củng cố, vì pháp luật là một trong những phương thức củng cố đạo đức.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, việc giáo dục ý thức pháp luật cho thanh niên là rất quan trọng, làm cho họ nắm được những kiến thức cơ bản của pháp luật tránh được những hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với các môn khoa học đạo đức, thì pháp luật phải xem là nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo bậc đại học.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay 

Những lời dạy của Người, là cơ sở lý luận và thực tiễn để chúng ta vạch ra chiến lược giáo dục - đào tạo trong thế kỷ XXI. Vận dụng những lời dạy thiết thực của Người, chắc chắn chúng ta sẽ bổ sung những điểm thích hợp vào mô hình người thanh niên mới xã hội chủ nghĩa. 

Đặc biệt, chúng ta sẽ khắc phục được những điểm bất cập trong giáo dục thanh niên hiện nay, nhằm xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát huy cao nhất năng lực nội sinh của mình, để phục vụ có hiệu quả trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tài liệu tham khảo

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, Số 04-NQ/HNTW, ngày 14/1/1993.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Số 25 - NQ/TW, ngày 25/7/2008.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Trần Thị Điểu (2020), "Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Tạp chí Cộng sản Online, ngày 1/10/2020. Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn.

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, 6, 9, 11,13,15 (2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[6] Ngô Thị Thu Ngà (2019), Sách chuyên khảo: Phát huy giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà Nội.

 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-duc-dao-duc-cach-mang-cho-thanh-nien-theo-tu-tuong-cua-bac-179221107111107351.htm