Giáo dục đại học cần theo hướng đào tạo nhân lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu

PV
18:10 - 08/08/2022

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đưa ra kiến nghị giáo dục đại học cần phát triển theo hướng tập trung đào tao nhân lực có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, có tư duy đổi mới sáng tạo và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Ngày 8/8, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã công bố Báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020.

Tại hội thảo công bố Báo cáo, Giáo sư Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đưa ra số liệu cơ sở giáo dục đại học (gồm cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng - trừ cao đẳng nghề, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) tăng mạnh sau năm 2005.

Giáo dục đại học cần theo hướng đào tạo nhân lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu - Ảnh 1.

Theo Báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020, Việt Nam bị bỏ xa so với các nước trong khu vực về xếp hạng các trường đại học. Ảnh: Nhật Nam

Theo đó, từ sau năm 2010, quy mô đào tạo chỉ tăng nhẹ và giảm ở giai đoạn từ năm 2014-2019. Cụ thể, so với năm 2010, chỉ số phát triển quy mô đào tạo đại học là 105,3%. Tỉ lệ này ở năm 2015 là 53,7% và ở năm 2019 là 52,7%.

Ông Lê Anh Vinh giải thích lý do số liệu năm 2015 sụt mạnh so với năm 2014 là do các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng về hệ thống giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Tương tự, so với năm 2010, quy mô sinh viên cũng tăng trưởng mạnh hơn vào năm 2014 (bằng 109,3%). Chỉ số này giảm nhẹ vào năm 2018 (70,2%) và lại tiếp tục nhích lên vào năm 2019 (79%).

Một chỉ số khác cho thấy, năm 2018 có 108.527 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, bằng 3,6% tổng số sinh viên Việt Nam. Bình luận của nhóm nghiên cứu cho rằng chỉ số này cho thấy Việt Nam đã bắt kịp xu thế và đạt mức trung bình trong số các nước có tỉ lệ nhập học thô tương đương.

Báo cáo cho biết tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học tăng mạnh ở những năm 2015-2016 và giảm nhẹ ở năm 2019.

Đáng chú ý là ở một số ngành nghề, trình độ của sinh viên tốt nghiệp của những cơ sở như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội… đã tiếp cận trình độ sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học trong khu vực.

Báo cáo cung cấp số liệu năm 2018, tỉ lệ sinh viên của 181 cơ sở đại học và 40 trường cao đẳng có việc làm sau khi tốt nghiệp là 65,5%. Nhưng tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng cao hơn ở trình độ trung cấp.

Các chỉ số về nghiên cứu khoa học, xếp hạng trường đại học tại báo cáo trên cho thấy Việt Nam bị bỏ xa so với nhiều nước trong khu vực. Theo bảng xếp hạng Times Higher Education gần đây, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lọt vào top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới.

Nhưng theo bảng tổng hợp vị trí các cơ sở đại học trong một số bảng xếp hạng top 1.000, Việt Nam vẫn ở vị trí cuối cùng. Cụ thể, Việt Nam chỉ có 2 trường trong top 1.000 trường đại học bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) và 2 trường lọt vào top 1.000 trường đại học bảng xếp hạng THE (xếp hạng Times Higher Education).

Trong khi đó, con số này của Trung Quốc lần lượt là 40 và 63, Vương quốc Anh là 76 và 92, Đức là 45 và 47, Nhật Bản là 44 và 51, Hàn Quốc là 30 và 24, Malaysia là 13 và 9. 

Nhận định của nhóm nghiên cứu cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học của trường đại học Việt Nam có sự cải thiện đáng kể trong một thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cho rằng nguồn tài chính công dành cho giáo dục đại học của Việt Nam chưa tương xứng với mục tiêu phát triển quốc gia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Theo bảng số liệu trong báo cáo, tổng GDP quốc gia là 5.006 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho giáo dục (không bao gồm học phí) là 247.000 tỷ đồng (riêng chi cho giáo dục đại học là 17.000 tỷ đồng).

Một số liệu tại báo cáo cho biết từ năm 2008-2018 (10 năm), đóng góp từ các hộ gia đình cho giáo dục đại học tăng gấp đôi.

Báo cáo cũng cho rằng, trường đại học và viện nghiên cứu vẫn hoạt động độc lập, việc giảng dạy tách khỏi nghiên cứu công lập. Nguồn nhân lực và tài chính bị phân tán nên không thể hình thành sự xuất sắc trong nghiên cứu và giảng dạy.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần phát triển giáo dục đại học theo hướng tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, có tư duy đổi mới sáng tạo và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-duc-dai-hoc-can-theo-huong-dao-tao-nhan-luc-co-kha-nang-canh-tranh-tren-thi-truong-toan-cau-179220808173528474.htm