Giáo dục cần hướng đến "học thật, thi thật, nhân tài thật"

17:14 - 21/01/2023

"Tôi mong thời gian tới ngành giáo dục sẽ xóa bỏ được "bệnh thành tích" để dạy thật, học thật, thi thật, có nhân tài thật. Xã hội, phụ huynh học sinh tiếp tục đồng hành cùng các nhà trường trong đổi mới giáo dục", Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền bày tỏ.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm hiện là cơ sở giáo dục tư thục có tiếng ở Hà Nội, với thế mạnh về chất lượng đào tạo, giáo dục toàn diện. Sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, dù đã ở tuổi hơn 70, nhưng Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền vẫn từng ngày sống với niềm đam mê đã chọn là vì sự nghiệp trồng người.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền đã chia sẻ về những chuyển biến trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời gửi gắm mong muốn đến ngành giáo dục thời gian tới sẽ xóa bỏ được "bệnh thành tích" để dạy thật, học thật, thi thật và có nhân tài thật.

Ngành giáo dục thời gian tới cần hướng đến "học thật, thi thật, nhân tài thật" - Ảnh 1.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Ngọc Ánh

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 vẫn tác động ít nhiều đến ngành giáo dục hiện nay, song, hệ thống giáo dục phổ thông đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhìn lại giáo dục phổ thông trong năm qua, bà muốn nói đến điều gì?

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền: Năm qua, ngành Giáo dục đã phải tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đổi mới sách giáo khoa. Đây là hoạt động nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

2 vấn đề lớn này có ảnh hưởng, tác động lớn đến mục tiêu, phương pháp giáo dục, chất lượng dạy học của thầy và trò, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông.

Chương trình mới, sách giáo khoa mới lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo; coi trọng việc gắn liền kiến thức giảng dạy với thực tiễn cuộc sống.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiệm cận nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và đó là tín hiệu tích cực, đáng mừng.

Nếu không thay đổi, giáo dục Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu. Dạy học sinh theo cách cũ, chương trình cũ thì rất khó có được những công dân toàn cầu.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề nào cần phải chú trọng để tạo chuyển biến tích cực, thưa bà?

Chính đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, từ đó quyết định thành công của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo.

Vì vậy, những nhà quản lý, những người thầy phải nhận thức được tinh thần đổi mới, chủ động tự học, tự bồi dưỡng để bắt kịp với những thay đổi.

Ở mỗi đơn vị nhà trường, cần phải quan tâm đến việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sao cho họ có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.

Vấn đề tập huấn, bồi dưỡng phải được triển khai sớm, song song với chọn sách giáo khoa. Thực tế, việc triển khai chương trình mới đối với lớp 3, 7, 10 thời gian vừa qua vẫn chưa đồng bộ. Chương trình khung có từ năm 2018, sách giáo khoa xuất bản dành cho giáo viên nghiên cứu lựa chọn còn gấp gáp.

Bên cạnh đó, các trường sư phạm cũng cần chủ động hơn trong việc đào tạo sinh viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Có ý kiến cho rằng, hệ thống giáo dục ngoài công lập hiện vẫn chưa thực sự được xem trọng đúng mức, đôi khi chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh kinh doanh giáo dục như bao lĩnh vực kinh tế khác, bà nghĩ sao về ý kiến này?

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền: Tôi không phản đối những ý kiến cho rằng, trường ngoài công lập đang kinh doanh giáo dục.

Hiện, trường ngoài công lập có chất lượng đào tạo tốt đếm trên đầu ngón tay, bởi hàng năm, số trường "bung" ra rất nhiều nhưng chủ yếu là được xây dựng, quản lý bởi các nhà đầu tư, rất ít trường hợp các nhà giáo dục thành lập trường ngoài công lập.

Tôi đang kinh doanh giáo dục mặc dù tôi là nhà giáo. Tôi vay tiền của ngân hàng, của cổ đông. Tôi phải có trách nhiệm tạo ra lợi nhuận để trả số tiền vay đó. Khi tạo ra lợi nhuận, tức là tôi đang kinh doanh.

Nhưng có một điều tối quan trọng mà những nhà kinh doanh giáo dục phải hiểu đó là, sản phẩm họ tạo ra là con người.

Một nhà kinh doanh cốc chén làm hỏng một mẻ cốc, họ chỉ tốn tiền, nhưng người làm kinh doanh giáo dục không được phép để mẻ sản phẩm nào của họ bị hỏng bởi đó là con người.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền

Vì vậy, nhà kinh doanh giáo dục phải luôn suy nghĩ, phải làm thế nào để sản phẩm của mình tốt lên, không bao giờ được phép hỏng.

Tôi làm kinh doanh giáo dục nhưng không chạy theo lợi nhuận tối đa. Tôi chỉ nghĩ làm sao mang lại những trải nghiệm học tập tốt nhất cho học sinh, giúp đời sống giáo viên ổn định và cuối cùng mới tính đến lợi ích của cổ đông.

Nếu đảo ngược trật tự đó, người làm kinh doanh giáo dục sẽ thất bại và hậu quả để lại là rất lớn.

Thực tế hiện nay, nhìn theo mặt bằng chung, hệ thống giáo dục ngoài công lập vẫn chưa thực sự được xem trọng đúng mức do sự phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp chưa thể đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho trường ngoài công lập...

Bên cạnh đó, cơ chế, thủ tục cấp đất xây dựng trường vẫn còn nhiều vướng mắc. Thuế suất thu nhập doanh nghiệp của các trường ngoài công lập đang là 10%. Mức thuế này nếu giảm được sẽ khuyến khích được nhiều hơn sự đầu tư của doanh nghiệp, tư nhân vào giáo dục, nhưng nếu không giảm thì cũng không nên tăng.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Xin bà đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường, mở rộng và phát triển các trường ngoài công lập?

Việc tăng cường, mở rộng các trường ngoài công lập thì không cần bàn đến giải pháp bởi hệ thống ngoài công lập hiện nay phát triển tương đối mạnh. Vấn đề cần chú ý đó là phát triển những trường có chất lượng.

Có nhiều người xin đất làm trường nhưng xây lên để cho thuê lấy lời, cũng có những người làm thật thì không được cấp đất. Vì vậy, phát triển phải kèm theo chất lượng, không nên mở trường ồ ạt, làm ảnh hưởng đến uy tín của các trường ngoài công lập.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Năm Quý Mão 2023 đang đến gần, bà có gửi gắm điều gì với ngành giáo dục, thông qua Tạp chí Công dân và Khuyến học?

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền: Tôi mong thời gian tới ngành giáo dục sẽ xóa bỏ được "bệnh thành tích" để dạy thật, học thật, thi thật và có nhân tài thật.

Tiếp nữa là hệ thống giáo dục phổ thông nói chung và các trường nói riêng cần tăng cường dạy kỹ năng cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh gắn với định hướng nghề nghiệp.

Tôi cũng hy vọng xã hội, phụ huynh học sinh chia sẻ, đồng hành cùng các nhà trường trong hành trình đổi mới giáo dục.

Xin trân trọng cảm ơn Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền!

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giao-duc-can-huong-den-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-179230120152308929.htm