Giải pháp nào để chặn đứng bạo lực học đường?
Vụ việc 2 cô giáo bạo hành bé trai 17 tháng tuổi dẫn đến tử vong tại huyện Thường Tín, Hà Nội không chỉ là bài học trong công tác quản lý giáo dục mà còn là bài học cho các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn cơ sở giáo dục cho con em mình.
Đây là nhận định của Tiến sĩ Đặng Văn Cường-Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em.
Vụ việc gây phẫn nộ
Liên quan đến vụ việc bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành dẫn tới chấn thương sọ não và tử vong, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành để điều tra về hành vi giết người theo quy định tại Bộ Luật Hình sự.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, 2 cô giáo trẻ này đã có gia đình và cùng có con nhỏ. Họ mở lớp giữ trẻ chui, không có sự cho phép của cơ quan chức năng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng còn vi phạm. Theo nội dung khai nhận với cơ quan điều tra thì hành vi của hai nữ giáo viên này là vô cùng tàn nhẫn, phải nói là "mất tính người" khi ném cháu bé xuống dưới sàn nhà rồi đạp chân lên người, lên đầu cháu bé dẫn đến nạn nhân bất tỉnh, phải đi cấp cứu.
Kết quả khám nghiệm xác định cháu Đ. tử vong vì chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não.
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, hai cô giáo này là người đã trưởng thành, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoàn toàn nhận thức được rằng với cháu bé 17 tháng tuổi nếu bị ném cháu xuống đất sẽ bị thương tích nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, họ vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, hành vi này thỏa mãn dấu hiệu của tội giết người.
Vụ việc này không chỉ là bài học trong công tác quản lý giáo dục mà còn là bài học cho các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn cơ sở giáo dục, quản lý giám sát con em mình để tránh những điều tương tự có thể xảy ra.
"Giáo viên" thiếu bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm, đạo đức
Đây không phải là vụ án hình sự đầu tiên bị can là giáo viên và nạn nhân chính là học sinh của bị can. Trước đó đã nhiều trường hợp giáo viên hành hạ, đánh đập học sinh dẫn đến các em tử vong. Mặc dù đã rất nhiều giáo viên bị xử lý hình sự, thậm chí phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc nhưng hành vi bạo hành học sinh dẫn đến thương tích nghiêm trọng, tử vong ở các cơ sở giáo dục vẫn diễn ra.
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, thực tế cho thấy, có một số giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non không có năng lực trình độ phù hợp, không có bằng cấp chứng chỉ theo quy định. Khi tham gia hoạt động giáo dục trong tình trạng thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm, thiếu đạo đức, không làm chủ cảm xúc hành vi của mình dẫn đến dễ dàng thực hiện hành vi bạo lực trong quá trình làm việc.
Những con người có hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em thì giáo viên đó thường là người bị "lỗi" trong quá trình giáo dục, không đủ phẩm chất đạo đức để tham gia hoạt động nghề nghiệp giáo dục. Những con người đó thường có bản tính tham lam, ích kỷ, coi trọng giá trị lợi ích của mình mà xem nhẹ quyền lợi của người khác. Cái tính xấu đó hằng ngày được che lấp bởi vỏ bọc của người thầy. Nhưng tính ích kỷ, tham lam, bần tiện đó sẽ được bộc lộ khi mất bình tĩnh, khi thiếu sự giám sát của bên thứ ba.
Không phải ngẫu nhiên mà những người đó tự dưng nóng giận vô cớ rồi thực hiện hành vi đánh đập dẫn đến học sinh tử vong mà cái suy nghĩ, cái ác đã có "mầm mống", được hình thành và nuôi dưỡng từ trong quá khứ. Nó luôn tiềm ẩn trong con người đó, đến khi điều kiện thuận lợi thì bộc lộ ra bên ngoài trở thành những hành vi tàn ác. Nếu là con người tốt, tử tế, có đạo đức phải biết yêu thương đồng loại thì chăm sóc trẻ chưa tốt cũng cảm thấy áy náy lương tâm, chứ không thể có hành vi nhẫn tâm đến mức sát hại học sinh của mình như vậy.
Ngoài ra, họ thiếu kỹ năng sống, thiếu kỹ năng giáo dục, không làm chủ cảm xúc bản thân. Hai người phụ nữ này đều đã ở độ tuổi 30, đã kết hôn và đều đã có hai con. Những người này đã trải qua rất nhiều cảm xúc của cuộc sống, đã từng nuôi dạy con, sống trong nhiều mối quan hệ gia đình, xã hội phức tạp, đan xen. Với tuổi tác và sự từng trải như vậy, thêm vào đó là được đào tạo trong môi trường giáo dục thì đáng lẽ ra những giáo viên này phải đang ở độ tuổi chững chạc, chín chắn, biết làm chủ cảm xúc và hành vi của mình.
Tuy nhiên, hai người này lại có những hành động nóng nảy, cục súc, không có tình người và thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của trẻ em nên đã có hành vi sát hại cháu bé. Hành vi này không chỉ cho thấy đạo đức của hai con người này có vấn đề, đạo đức này hình thành trong suốt quá trình giáo dục, hình thành nhân cách, đồng thời còn cho thấy thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc, quản trị cảm xúc của bản thân.
Nóng giận là "bản năng" và tham lam, bần tiện, ích kỷ là bản năng, là phần "con" trong một chỉnh thể "con người". Cái bản năng đó chỉ có thể được kiểm soát, được loại bỏ bởi giáo dục. Nếu giáo dục không hiệu quả hoặc giáo dục nhân cách thất bại thì cái bản năng đó có thể sẽ bị che giấu bởi vỏ bọc bên ngoài, nó sẽ có thể bùng phát bất kỳ lúc nào khi điều kiện. Bởi vậy chỉ có thể sử dụng khoa học tâm lý, tâm lý học tội phạm thì mới giải thích được diễn biến tâm trạng, hành vi của hai nữ giáo viên này.
Lỗ hổng trong công tác quản lý giáo dục
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, để xảy ra những vụ việc học sinh bị sát hại tại cơ sở giáo dục, bạo lực học đường thì không thể không nhắc đến trách nhiệm, vai trò của cơ quan chức năng trong công tác quản lý giáo dục. Qua nghiên cứu về tình hình tội phạm xâm phạm đến tính mạng của trẻ em, đặc biệt là đối với học sinh cho thấy phần lớn các vụ việc giáo viên hành hạ, đánh đập, sát hại học sinh xảy ra ở bậc mầm non, tiểu học.
Đa số những vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, bởi nơi đây phần lớn là thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng. Các cơ sở giáo dục hoạt động không phép sẽ kèm theo là việc tuyển dụng thiếu khát khe, người được tuyển dụng không có trình độ chuyên môn phù hợp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có nguyên nhân về cơ chế, chính sách; nguyên nhân từ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; nguyên nhân từ việc tổ chức thực hiện pháp luật. Có những nguyên nhân từ chất lượng trình độ, năng lực của giáo viên; có nguyên nhân về công tác quản lý giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục...
Để ngăn chặn bạo lực học đường cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước
Để giảm thiểu những vụ án mạng đau lòng xảy ra trong môi trường học đường mà đối tượng gây án là giáo viên, nạn nhân là học sinh thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, tiểu học để tạo ra một môi trường thực sự trong sạch, lành mạnh, để cho người thực hiện hoạt động nghề nghiệp giáo viên có điều kiện làm việc tốt nhất, có đầy đủ phẩm chất đạo đức làm thầy và có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước;
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Giáo dục, Luật Trẻ em, Luật Hình sự, các chế tài hành chính, chế tài kỷ luật trong môi trường giáo dục để các thầy cô giáo nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục. Họ phải là những người gương mẫu giữ gìn những chuẩn mực đạo đức xã hội, là những tấm gương cho các học sinh noi theo và là cơ sở để xây dựng tư cách là người thầy;
Làm tốt công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên sao cho những người làm nghề giáo không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phải là người có đạo đức tốt, biết yêu thương đồng loại, yêu thương quý trọng học sinh dù đó là những học sinh cá biệt. Cần phải có những tiêu chí để phân loại, đánh giá về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và các kỹ năng mềm của giáo viên để kịp thời phát hiện, loại bỏ những giáo viên không đủ năng lực phẩm chất ra khỏi bộ máy giáo dục;
Tăng cường cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục tư thục ở hệ mầm non, tiểu học. Cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những hoạt động giáo dục chui, không đảm bảo điều kiện về vật chất kĩ thuật, về con người cho hoạt động giáo dục. Cần ứng dụng khoa học kĩ thuật vào công tác giáo dục, đặc biệt là với học sinh mầm non, tiểu học thì bắt buộc phải gắn camera giám sát để cơ quan quản lý giáo dục và các phụ huynh có thể quan sát được hoạt động giáo dục và biết được tình trạng học tập, sức khỏe của con mình;
Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh những hành vi sử dụng bạo lực trong giáo dục, kịp thời chấn chỉnh, xử lý kỷ luật, loại thải hoặc xử lý hình sự các trường hợp giáo viên, cán bộ giáo dục xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của học sinh. Có thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp từ cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp về tài chính, giải pháp về kĩ thuật và giải pháp về con người một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả thì mới giảm thiểu được những vụ án đau lòng như thế này.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/giai-phap-nao-de-chan-dung-bao-luc-hoc-duong-179230307181041607.htm