Giải pháp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên nền tảng số ở tỉnh Thái Bình

7 giải pháp xây dựng xã hội học tập trên nền tảng số tỉnh Thái Bình không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là chiến lược lâu dài nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập Phạm Văn Nghiêm; Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình Vũ Mạnh Hiền và PGS.TS Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình chủ trì Hội thảo đề cương Đề án Chuyển đổi số trong hệ thống Hội Khuyến học các cấp tỉnh Thái Bình.
Thái Bình xác định chuyển đổi số là khâu then chốt trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Trong bối cảnh chuyển đổi số, giáo dục Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. Tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị thông minh và internet ngày càng tăng, góp phần thay đổi cách học tập, truyền đạt kiến thức và đào tạo nguồn nhân lực.
Đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, chuyển đổi số sẽ tăng cường tính minh bạch, tạo ra một hệ thống kết nối thông suốt, thu hút sự tham gia của cộng đồng, cải thiện khả năng tiếp cận và hỗ trợ đắc lực việc đánh giá, giám sát, báo cáo kết quả nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng; đồng thời tạo lập môi trường cho người dân học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển thời đại số.
Tỉnh Thái Bình có đa số dân cư sinh sống khu vực nông thôn đang đối mặt với những thách thức trong sự phát triển: tỷ lệ người dân tham gia học tập trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin còn thấp; cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến; nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục còn hạn chế; chưa đảm bảo tính đồng bộ trong chuyển đổi số; chưa huy động nguồn lực tài chính, nhân lực để tạo động lực học tập và sử dụng công nghệ cho người dân, nhất là người cao tuổi và người lao động phổ thông.

Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội Khuyến học Thành phố Hà Nội và Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam tổ chức buổi tọa đàm về “Đề án chuyển đổi số trong hệ thống tổ chức Hội Khuyến học các cấp”.
Một số giải pháp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên nền tảng số
Phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin
Hạ tầng công nghệ là yếu tố nền tảng để thực hiện chuyển đổi số trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đầu tư mạng lưới internet tốc độ cao: Đảm bảo các khu vực nông thôn, vùng xa được kết nối internet, giúp người học, người dân và cộng đồng dễ dàng tiếp cận tài nguyên học tập trực tuyến.
Trang bị thiết bị công nghệ cho trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng: Máy tính, bảng tương tác thông minh, phần mềm học tập ...
Ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data): Hỗ trợ quản lý hồ sơ người học theo dõi tiến trình học tập và đưa ra những giải pháp cá nhân hóa trong học tập.
Xây dựng các nền tảng học trực tuyến
Phát triển hệ thống e-learning: Thái Bình cần xây dựng một nền tảng học trực tuyến, tích hợp kho bài giảng đa dạng và các công cụ hỗ trợ giảng dạy, học tập.
Phổ biến các ứng dụng học tập: Hỗ trợ người học sử dụng các nền tảng AI, K12Online (nền tảng giáo dục trực tuyến đầu tiên thiết kế dựa trên các yêu cầu và đặc thù về mô hình quản lý giáo dục Việt Nam), Google Classroom (Công cụ dạy học online hiện nay), Microsoft Teams (nền tảng nhắn tin dành cho các nhóm) một cách hiệu quả.
Xây dựng thư viện số miễn phí: Tập hợp sách, tài liệu, bài giảng số hóa, hướng dẫn tự học, tự làm, ... để người học, người dân có nhu cầu học tập dễ dàng tiếp cận.
Nâng cao trình độ công nghệ thông tin, kĩ năng số và kỹ năng mềm cho cán bộ và nhân dân
Mở các khóa học, hội thảo về công nghệ thông tin, cách sử dụng phần mềm học tập để cán bộ, giáo viên, người dân tham gia áp dụng có hiệu quả trong tập huấn, truyền thông về giáo dục số.
Sử dụng Zalo, SMS hoặc hệ thống quản lý học tập trực tuyến; kết nối, đưa nội dung công nghệ và an toàn mạng vào chương trình học tập cộng đồng để rèn luyện kỹ năng số cho người học, người dân.
Người dân vùng nông thôn, vùng xa khó tiếp cận công nghệ cần hỗ trợ sử dụng thiết bị kỹ thuật số.
Liên kết với các cơ sở giáo dục chất lượng cao và doanh nghiệp: Mời chuyên gia, giáo viên hỗ trợ, tập huấn, hướng nghề nghiệp, hướng dẫn lập nghiệp và ứng dụng công nghệ số cho người dân.
Tổ chức hội thảo, tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số và học tập suốt đời.
Phát hiện và bồi dưỡng tài năng
Xây dựng môi trường học tập, lao động sáng tạo: Thành lập các câu lạc bộ khoa học kĩ thật, các trung tâm chuyển giao công nghệ và chuyển đổi số sáng tạo ... trong trường học, trong cộng đồng.
Tổ chức các cuộc thi tài năng số và sáng tạo khoa học công nghệ: lập trình, thiết kế đồ họa, Robocom ...
Xây dựng quỹ học bổng và phần thưởng hỗ trợ người học, người lao động có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ.
Xây dựng các chương trình liên kết phát triển đào tạo và hội nhập dành cho những người học, học viên, thực tập sinh ưu tú.
Xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ tuần hoàn... để người tài tham gia phát triển dự án.
Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập
Tổ chức các khóa học trực tuyến miễn phí hoặc chi phí thấp cho người dân ở mọi lứa tuổi để khuyến khích học tập suốt đời.
Cung cấp các khóa học kỹ năng sống, kỹ năng số, ngoại ngữ, khởi nghiệp và phát triển các trung tâm học tập cộng đồng trên nền tảng số.
Tận dụng sử dụng mạng xã hội Facebook, YouTube và các kênh trực tuyến để tuyên truyền lợi ích của học tập suốt đời.
Lan tỏa các mô hình học tập tiêu biểu
Lan toả các mô hình học tập Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Đơn vị học tập, Cộng đồng học tập; ghi nhận, tuyên dương các cá nhân và cộng đồng tiêu biểu trong phong trào khuyến học, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, nhà trường, gia đình, doanh nghiệp và hệ thống tổ chức hội khuyến học các cấp trong chuyển đổi số
Những giải pháp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên nền tảng số tỉnh Thái Bình không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là chiến lược lâu dài nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả, chắc chắn tỉnh Thái Bình sẽ xây dựng được một nền giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời đại số.