Giá xăng giảm lần thứ 3 liên tiếp

15:25 - 21/07/2022

Giá xăng, dầu về được điều chỉnh giảm đồng loạt. Trong đó, xăng RON 95 giảm mạnh nhất ở mức 3.600 đồng, về 26.070 đồng/lít.

Sau phiên điều chỉnh mới nhất, giá xăng giảm còn Ảnh: VGP

Sau phiên điều chỉnh mới nhất, giá xăng giảm còn Ảnh: VGP

Theo chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương vừa công bố giá xăng, dầu mới. Theo đó, mức giá mới sẽ áp dụng từ 15 giờ ngày 21/7. 

Cụ thể, giá xăng, dầu đều được điều chỉnh giảm mạnh từ 1.000 - 3.600 đồng mỗi lít hoặc kg.  Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng, còn 25.070 đồng/lít, giá xăng RON 95 giảm mạnh nhất ở mức 3.600 đồng, về mức 26.070 đồng/lít.

Giá dầu diesel giảm 1.740 đồng, còn 24.850 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.100 đồng/lít, còn 25.240 đồng. Giá dầu mazut giảm 2.380 đồng, về mức 16.540 đồng/kg.

Tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm. Lần giảm giá mạnh nhất là 3.600 đồng/lít ở kỳ điều hành ngày lần này và lần tăng mạnh nhất gần 3.000 đồng/lít.

So với cuối tháng 6, mỗi lít xăng RON 95-III rẻ hơn 6.800 đồng; xăng E5 RON 92 hạ 6.230 đồng; dầu diesel rẻ hơn 5.160 đồng.

Ở kỳ điều hành lần này, cơ quan quản lý tiếp tục ngừng chi Quỹ bình ổn giá với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Mức trích vào quỹ vẫn như cách đây 10 ngày. Cụ thể, mức trích Quỹ với E5 RON 92 và RON 95-III là 950 đồng/lít; dầu diesel là 550 đồng/lít, dầu hoả 700 đồng/lít và mazut là 950 đồng/kg.

Đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng 

Bộ Tài chính đã hoàn thiện và có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%, thay cho phương án gửi xin ý kiến từ 20% xuống 12% trước đó. 

Việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN theo phương án này vẫn bảo đảm có được dư địa để đàm phán các FTA mới trong tương lai và bảo đảm không phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế. 

Đối với mặt hàng xăng động cơ, có pha chì, hiện nay gần như không có kim ngạch nhập khẩu và trong nước cũng không còn được phép sản xuất, sử dụng mặt hàng này nên đề nghị giữ như mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN như hiện hành. 

Đối với mặt hàng dầu, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ của Chính phủ trong cam kết GGU với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. 

Hiện hành, mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể. Về thời hạn áp dụng chính sách, Bộ Tài chính trình Chính phủ không quy định thời hạn áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng theo phương án nêu trên. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/gia-xang-giam-lan-thu-3-lien-tiep-179220720224657994.htm