Giá trị thị trường của vũ trụ ảo có thể đạt trên 30.000 tỉ USD trong 15 năm tới
Metaverse (vũ trụ ảo) có nghĩa là thực tế mở rộng do máy tính tạo ra, hoặc XR, bao gồm tất cả các khía cạnh của thực tế tăng cường, thực tế hỗn hợp và thực tế ảo. Hiện tại, vũ trụ ảo mới được tạo thành từ các không gian nơi con người và các thực thể tự động tương tác.
Vũ trụ ảo thu hút ngày càng mạnh sự quan tâm và đầu tư của con người
Ông Jérémy Denisty, Đối tác quản lý MENA tại Scopernia, cho biết vũ trụ ảo đang thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều của con người, bởi nó cho phép những người tham gia sở hữu mọi thứ, chẳng hạn, từ việc tạo ra một chiếc áo rồi bán lại chiếc áo đó cho người khác.
Theo các nhà nghiên cứu, khoảng 25% người dân trên thế giới sẽ dành ít nhất 1 giờ/ngày trong vũ trụ ảo vì mục đích công việc, mua sắm, giáo dục, xã hội và giải trí đến năm 2026.
Theo một Báo cáo "Tạo giá trị trong metaverse" của Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, metaverse có thể trị giá 5.000 tỉ USD vào năm 2030. Trong đó, thương mại điện tử là khu vực lớn nhất (2.600 tỉ USD), tiếp đến là học tập ảo (270 tỉ USD), quảng cáo (206 tỉ USD), chơi game (125 tỉ USD)...
Báo cáo "Tạo giá trị trong metaverse" cũng xem xét các tác động lớn, toàn cầu của metaverse trên các lĩnh vực và doanh nghiệp chính. Dựa trên các xu hướng hiện tại và thông tin từ 2 cuộc khảo sát ở nhiều quốc gia (gồm 3.104 người tiêu dùng ở 11 quốc gia và các giám đốc điều hành từ 448 công ty thuộc 15 ngành công nghiệp ở 10 quốc gia khác nhau), McKinsey dự đoán rằng tương lai của hành vi người tiêu dùng trong metaverse rất có thể sẽ được chia thành 5 hoạt động chính: chơi game, giao lưu, thể dục, thương mại và học tập từ xa.
Báo cáo cho biết thêm rằng có 25% tổng số giám đốc điều hành cho biết họ kỳ vọng metaverse sẽ giúp gia tăng 15% tổng tăng trưởng lợi nhuận của công ty mình trong 5 năm tới và gần một phần ba trong số họ tin rằng sự chênh lệch này có thể mang lại những thay đổi đáng kể trong cách hoạt động của ngành công nghiệp mà họ đang tham gia.
Trong 15 năm tới, ước tính, giá trị của thị trường vũ trụ ảo trên toàn cầu có thể dao động từ 10.040 tỉ USD đến trên 30.000 tỉ USD.
"Metaverse, giống như internet, là nền tảng tiếp theo mà chúng ta có thể làm việc, sống, kết nối và cộng tác". Eric Hazan, đối tác cấp cao của McKinsey & Company cho biết: “metaverse đại diện cho một bước ngoặt chiến lược cho các công ty và ảnh hưởng đáng kể đến cách chúng ta sống, kết nối, học hỏi, đổi mới và cộng tác”
Theo bà Briar Prestidge, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Tập đoàn Prestidge, việc mô tả vũ trụ ảo thời nay giống như mô tả internet vào những năm 1990. Bà cho rằng Web3 và vũ trụ ảo chỉ là sự tiếp nối tiếp theo của internet. Vì vậy, mọi công ty, theo ý kiến của bà, sẽ trở thành công ty Web3. Web 3.0 là phiên bản thứ ba của internet, là sự cải tiến so với internet Web 2.0 hiện tại. Web 3.0 là web tương tác đọc - ghi (được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo) nơi mọi người có thể đọc, viết và tương tác với nội dung, bao gồm cả đồ họa 3D, trên các trang web và ứng dụng.
Dubai hướng tới dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực vũ trụ ảo
Thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang có kế hoạch dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực vũ trụ ảo. Mới đây, thành phố Dubai đã cho ra mắt Chiến lược Vũ trụ ảo nhằm tăng sự đóng góp của vũ trụ ảo cho nền kinh tế của thành phố lên mức gần 4 tỉ USD vào năm 2030.
Từ chỗ tạo ra nhiều việc làm nhằm gia tăng các xu hướng công nghệ và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, Chiến lược Vũ trụ ảo của Dubai đặt ra mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế. Chiến lược này đang tìm cách triển khai các công nghệ vũ trụ ảo vốn có thể giúp cải thiện hiệu suất của các bác sĩ phẫu thuật nội trú lên 230% và tăng năng suất của các kỹ sư lên 30%, ngoài việc tạo ra 42.000 việc làm trong thế giới thực tế ảo.
Đầu năm nay, Cơ quan quản lý tài sản ảo của Dubai đã trở thành cơ quan quản lý đầu tiên trên thế giới cung cấp khuôn khổ cho các tổ chức tài chính hoạt động trong vũ trụ ảo. Điều đó cho thấy nỗ lực dẫn đầu của Dubai trong lĩnh vực vũ trụ ảo.
Báo cáo về chỉ số thanh toán kỹ thuật số hằng năm của MasterCard cho thấy người tiêu dùng đang dần thích nghi với sự thay đổi theo thời gian. Tổng Giám đốc Mastercard khu vực Trung Đông và Bắc Phi J.K. Khalil cho hay các giao dịch kỹ thuật số đã tăng 67%.
Tuy nhiên, cùng với những cơ hội mà metaverse hứa hẹn sẽ mang lại, các công ty cũng cần phải sẵn sàng đối mặt với những thách thức và có kế hoạch triển khai nghiêm túc. Chẳng hạn như đào tạo lại một bộ phận lực lượng lao động, đặc biệt là xây dựng một lộ trình trải nghiệm metaverse bảo đảm yêu cầu về đạo đức, độ an toàn và tính toàn diện.
Prabhu Ram, Trưởng nhóm công nghiệp thông tin tại hãng nghiên cứu và tư vấn CyberMedia Research nhận định, người dùng dễ dàng trở thành nạn nhân của các kỹ thuật deepfake (giả dạng bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo) và hình đại diện bị hack trong thế giới ảo metaverse. “Do các đường nét và tiềm năng của metaverse vẫn chưa được nhận diện đầy đủ nên mối quan tâm công khai về các vấn đề như quyền riêng tư và an ninh trong thế giới này vẫn chỉ giới hạn ở một số công ty có hiểu biết về công nghệ”.
Việc người dùng trong vũ trụ ảo để lại dấu vết dữ liệu ở khắp nơi sẽ dẫn tới vấn đề tương tự như ngoài thế giới thực, khi quyền riêng tư của mọi người bị các công ty công nghệ vi phạm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/gia-tri-thi-truong-cua-vu-tru-ao-co-the-dat-tren-30000-ti-usd-trong-15-nam-toi-17922091308525842.htm