GDP bình quân Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

11:15 - 04/04/2023

Trong giai đoạn 2000-2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 7 lần. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng bậc nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

GDP bình quân đầu người Việt Nam tăng trưởng khoảng hơn 7 lần trong hơn 20 năm

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người Việt Nam từ vị trí thứ 173 lên thứ 124, nhảy 49 bậc trong bảng xếp hạng GDP bình quân đầu người thế giới giai đoạn 2000 - 2021. Theo đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 7 lần trong giai đoạn 2000 - 2021. 

GDP bình quân Việt Nam tăng trưởng ấn tượng  - Ảnh 1.

Theo nhận định của Forbes (tạp chí kinh doanh, truyền thông nổi tiếng nước Mỹ), GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng trưởng vô cùng ấn tượng nhất trong số tất cả các quốc gia trên thế giới. Xu hướng này phản ánh tính năng động của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong những năm qua.

Theo số liệu báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV/2022 mới đây cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm 2021. Các chuyên gia ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. 

Theo đó, GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021, xếp thứ 117 trên thế giới. Với con số này, GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2022 ước tính sẽ nhảy lên 7 bậc so với năm 2021 và 56 bậc so với năm 2000 trên quy mô thế giới.

Xếp hạng của Việt Nam đứng thứ 6 khu vực

GDP bình quân Việt Nam tăng trưởng ấn tượng  - Ảnh 1.

GDP bình quân đầu người Việt Nam qua các năm đến 2021. Ảnh minh họa: IT.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người giảm 42.000 đồng/tháng so với năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng cơ cấu thu nhập với các khoản thu từ tiền công, tiền lương có xu hướng tăng. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho biết, về quy mô năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 đạt 8.083 USD một lao động, tăng 622 USD so với năm trước.

So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng. Với số liệu tăng trưởng theo báo cáo, hiện tại GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang được IMF xếp thứ 6 trong khu vực, xếp trên Phlippines, Lào, Đông Timor, Campuchia và Myanmar.

Được biết, năm 2022, Singapore là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất trong khu vực, đạt khoảng 79.426,14 USD, xếp thứ 6 trên thế giới. Brunei có GDP bình quân đầu người đạt khoảng 42.939,4 USD, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới.

Cùng với đó, Malaysia có GDP bình quân đầu người đạt khoảng 13.108 USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 65 trên thế giới. Thái Lan có GDP bình quân đầu người xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 86 trên thế giới, đạt khoảng 7.631 USD vào năm 2022.

GDP bình quân đầu người của Indonesia đạt khoảng 4.691,24 USD, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 113 trên thế giới.

Phlippines, Lào, Đông Timor, Campuchia và Myanmar có GDP bình quân đầu người đạt lần lượt là 3.597 USD; 2.172,15 USD; 1.792,71 USD ; 1.771,38 USD và 1.104,75USD trong năm 2022. (CafeF).

Thu nhập bình quân của người lao động đều tăng

Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927.000 đồng so với năm trước và tăng 759.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong năm 2022, thu nhập ở hầu hết các ngành kinh tế đều tăng.

GDP bình quân Việt Nam tăng trưởng ấn tượng  - Ảnh 3.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế giai đoạn 2019-2022. Đơn vị: Triệu đồng

Năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng, tăng 950.000 đồng so với năm trước và tăng 830.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng, tăng 914.000 đồng so với năm trước và tăng 709.000 đồng so với cùng năm 2019.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng ở hầu hết các ngành kinh tế, kéo theo thu nhập của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế so với năm 2021, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập cao nhất.

Thu nhập của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất, tăng 17,6% tương ứng tăng 1,1 triệu đồng/người/tháng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ tăng 15,4% tương ứng tăng 1 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,8% tương ứng tăng 448.000 đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%. Trong đó, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD). Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Một số ngành kinh tế có tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động tăng trưởng khá nổi bật trong năm 2022 như lao động làm việc trong ngành vận tải kho bãi có tốc độ tăng thu nhập bình quân là 21,2% tương ứng tăng 1,6 triệu đồng; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 21% tương ứng tăng 1,1 triệu đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,2% tương ứng tăng 1,1 triệu đồng; thu nhập của lao động ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy tăng 17,2% tương ứng tăng 1,1 triệu đồng/người/tháng.

Lao động làm công hưởng lương năm 2022 có mức thu nhập bình quân năm 2022 là 7,5 triệu đồng, tăng 15,1% so với năm trước, tương ứng tăng 992.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2019, khi COVID-19 chưa xuất hiện, thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng 12,7% tương ứng tăng khoảng 847.000 đồng. Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn 1,23 lần thu nhập bình quân của lao động làm việc ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,4 triệu đồng so với 6,9 triệu đồng.


Nguồn: TTXVN

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/gdp-binh-quan-viet-nam-tang-truong-an-tuong-179230404111326101.htm