Gần 200 tài liệu lưu trữ về những ngày tiếp quản Thủ đô được triển lãm vào ngày 2/10
Triển lãm “Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản” dự kiến khai mạc vào ngày 2/10, tại Nhà triển lãm 61 Tràng Tiền, Hà Nội, giới thiệu gần 200 tài liệu lưu trữ về những ngày tiếp quản Thủ đô 70 năm trước.
Gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ gốc về những ngày tiếp quản Thủ đô vừa được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục văn thư và lưu trữ nhà nước) tổ chức giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia về tiếp quản Thủ đô, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Các tài liệu, hình ảnh này sẽ tiếp tục được trưng bày tại triển lãm “Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản” dự kiến khai mạc vào ngày 2/10, tại Nhà triển lãm 61 Tràng Tiền, Hà Nội, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp với Trung tâm Thông tin, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.
Gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ gốc đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, như: Quốc hội, Phủ Thủ tướng, Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông Lâm, Bộ Giao thông Công chính, Bộ Canh nông; phông nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, nhà sưu tầm ảnh Đặng Tích, Giáo sư Hoàng Minh Giám, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Huy Du…
Một số tài liệu được giới thiệu như: Chương trình, kế hoạch và nhân sự cho việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội, trong đó có tài liệu về việc thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội; Công văn số 236-TTg ngày 27/7/1954 của Phủ Thủ tướng về kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo phục hồi các thị xã và thành phố cũ; Công văn số 1678 ZYO/3 ngày 20/8/1954 của Bộ Y tế về việc cử thanh niên xung phong đi tiếp quản; Kế hoạch của Bộ Tài chính về tiếp quản Hà Nội năm 1954…
Ngoài ra còn có một số báo cáo, hình ảnh tiêu biểu như: Báo cáo về cuộc đón tiếp bộ đội, chính quyền ta vào ngày 10/10/1954; bộ đội về tiếp quản Cột cờ Hà Nội, phụ nữ Thủ đô rạng ngời đón đoàn quân giải phóng, lễ chào cờ thiêng liêng vào chiều ngày 10/10/1954…
Ban Tổ chức còn giới thiệu những tài liệu của các nhạc sĩ có hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III như: Văn Cao, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn với những ca khúc về Hà Nội: “Tiến về Hà Nội”, “Sẽ về Thủ đô”, “Hà Nội, trái tim hồng”… Qua đó, để người xem có thể thấy một Hà Nội vừa nên thơ, vừa hào hùng.
Những tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III được giới thiệu chứa đựng những thông tin tin cậy về quá trình quân dân ta giải phóng, tiếp quản Thủ đô, khẳng định sự chỉ đạo sâu sát, bám sát nhân dân, dựa vào nhân dân để hoạt động và tinh thần kiên cường, bất khuất của quân dân Hà Nội.
16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô.
Ngày 10/10 đã trở thành biểu tượng của Thủ đô “ca khúc khải hoàn.” Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt và vẻ vang của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/gan-200-tai-lieu-luu-tru-ve-nhung-ngay-tiep-quan-thu-do-duoc-trien-lam-vao-ngay-2-10-17924092523053852.htm