EVN báo lỗ đậm nửa đầu năm, giá điện đứng trước áp lực tăng

12:24 - 19/09/2022

Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bán vẫn giữ nguyên là một trong những lý do chủ yếu khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu lỗ nặng và nguy cơ tăng giá điện vẫn còn bỏ ngỏ.

Bất ngờ EVN thông báo lỗ đậm 

EVN báo lỗ đậm nửa đầu năm, giá điện đứng trước áp lực tăng - Ảnh 1.

EVN lỗ sau thuế 16.586 tỉ đồng. Nguồn: EVN

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ lũy kế 6 tháng đầu năm là 221.231 tỉ đồng, tăng so với mức doanh thu cùng kỳ năm 2021 là 211.631 tỉ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng của doanh nghiệp này lại tăng hơn 225.440 tỉ đồng, khiến lỗ gộp từ bán hàng, dịch vụ hơn 4.200 tỉ đồng. Trừ đi các loại chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý, EVN ghi nhận lỗ 12.767 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế 16.586 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính của công ty mẹ của EVN cũng ghi nhận doanh thu 189.194 tỉ đồng, trong đó lỗ gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là 13.398 tỉ đồng và lỗ sau thuế là 22.215 tỉ đồng.

Kết quả thực sự đã gây bất ngờ, bởi 5 năm trở lại đây, EVN chưa từng thua lỗ, thậm chí lợi nhuận còn liên tục tăng.

Về doanh thu, báo cáo của EVN cũng cho thấy doanh thu các năm này cũng tăng đều đặn từ mức 295 nghìn tỉ đồng năm 2017 lên 426 nghìn tỉ đồng năm 2021.

Giá điện đứng trước áp lực phải... tăng

Có thể thấy, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bán vẫn giữ nguyên là lý do chủ yếu dẫn đến khoản lỗ nặng của EVN.

Trong báo cáo tình hình hoạt động tháng 7 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác tháng 8/2022, EVN cho biết, từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (than, dầu, khí) tăng cao đột biến nên tình hình tài chính của tập đoàn gặp khó khăn. Cụ thể như bình quân giá than trộn của TKV, Tổng công ty Đông Bắc đã tăng 63%; giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD một tấn; giá dầu thô Brent cũng tăng lên 104,4 USD một thùng, gấp gần 2,5 lần.

Điều này cho thấy giá điện đang đứng trước áp lực lớn phải tăng khi giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt. 

Theo tính toán của EVN, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 đã lên mức 1.915,59 đồng một kWh, tương đương cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019 là 1.844,64 đồng một kWh.

Tuy nhiên, EVN đã khẳng định chưa đề xuất tăng giá điện và tái khẳng định tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục. Vào tháng 4, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, từng cam kết với Chính phủ không tăng giá điện trong năm nay, dù lợi nhuận có bằng 0, nhằm đảm bảo đủ điện cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. 

Nếu năm sau, tình hình giá nhiên liệu vẫn tiếp tục như hiện nay, chi phí sản xuất vẫn tăng, EVN sẽ khó có thể cân đối được. Đây có thể là lý do khiến tập đoàn bỏ ngỏ liệu có nguy cơ tăng giá điện vào năm sau hay không.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá cũng lưu ý về giá điện, trước mắt xem xét chưa điều chỉnh tăng. Tuy nhiên trước áp lực tăng giá của các nguyên liệu đầu vào, cần tiết kiệm chi phí, kiểm soát, tính toán để giữ ổn định giá điện.

Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/evn-bao-lo-dam-nua-dau-nam-gia-dien-dung-truoc-ap-luc-tang-179220919112736604.htm