Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thuyết phục nhiều khách đi tàu khó tính

11:10 - 28/12/2022

Chính phủ vừa quyết định bổ sung 911 tỷ đồng cho phần thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Có lẽ đây là một trong những khoản đầu tư xứng đáng, bởi sự thuyết phục của tuyến đường sắt này trong mắt khách hàng.

Một hành khách vào loại "khó tính" đã cảm thấy rất hài lòng khi lần đầu trải nghiệm tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Anh đã cho biết: "Chỉ mất khoảng 40.000đ gọi grab để ra ga và trở lại nhà ở Ngọc Thụy, Long Biên. Còn lại, tàu điện đã đưa tôi đi đến nơi, về đến chốn tới điểm cần đến ở Hà Đông. Trong khi, nếu đi thẳng từ Hà Đông về Ngọc Thụy thì tôi mất rất nhiều thời gian, và tiền xe ôm hay taxi cũng phải tầm 70.000đ - 150.000đ/chiều. Quan trọng là tàu chạy êm, sạch, văn minh, đúng giờ". 

"Quan trọng là tàu chạy êm, sạch, văn minh, đúng giờ" - Chia sẻ của FB QA.

Chị M.T. làm ở VIB Hà Đông trên đường Trần Phú, trước đây chị phải mất hàng giờ đồng hồ chạy xe máy trong khói bụi, tắc đường. Chưa kể nguy hiểm luôn rình rập sau tay lái, vì tuyến đường luôn đông đúc và có quá nhiều thành phần "vội vàng" tham gia giao thông. Từ khi có đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chị chỉ mất 15p đi từ ga chính Cát Linh tới ga Văn Quán, Hà Đông để xuống và đi bộ thêm khoảng hơn 100m tới sảnh Ngân hàng. Quần áo luôn thơm tho, sạch sẽ, diện mạo luôn tươi tắn vì có thời gian dùng bữa sáng tại nhà, cùng với không khí sạch sẽ trên tàu đã giúp chị còn có thời gian đọc tin nhắn, xem tin tức, nói chuyện với bạn bè. 

Cũng tương tự như chị T, bạn P.T nhà ở Hà Đông, rất hào hứng khi có được phương tiện mơ ước là đi tàu điện: "Chẳng kém gì các nước phương Tây, ở trên tàu mọi người rất văn minh, sạch sẽ. Mình chỉ mất 12.000đ để đón tuyến Hà Đông đến ga Thái Hà đi làm mỗi sáng. Giờ giấc của tàu thì không bao giờ sai. Mình đến cơ quan thoải mái "check-in" và còn được thảnh thơi ăn sáng, uống cà phê. Điều mà trước đó lúc còn phải tự chạy xe máy mình không bao giờ dám nghĩ tới!". 

Chị D. H. ở Khâm Thiên, Hà Nội cũng hào hứng chia sẻ câu chuyện của mình: "Được ngày rỗi rãi, tôi dẫn đầu một đoàn từ quê (là cái ổ chuột trong ngõ nhỏ nhà tôi) đi ra thăm "tỉnh" - đi tàu điện trên cao trọn tuyến Cát Linh - Yên Nghĩa. 

Mua vé tại bến Cát Linh, hai cụ chắt được cô bán vé ưu tiên bán cho 1 vé thay vì phải mua 2 vé; cô bán vé tốt bụng còn giới thiệu làm cho cụ thẻ xe buýt miễn phí. Thật tuyệt vì chúng tôi gặp được nhiều bạn bè cũng đi trải nghiệm như chúng tôi. Vào tới Yên Nghĩa, cả đoàn lại đón tàu quay ra, nhưng tất cả đều thích thú vì được ngắm thành phố từ trên cao. Nhìn các bến tàu sạch sẽ, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, chuẩn xác, chúng tôi cảm thấy rất tự hào! Tàu sạch sẽ, đi nhanh, an toàn, tôi còn nhìn thấy có những cây nước để cho khách uống miễn phí. Mẹ tôi từ lâu đã ước đi tàu trên cao xem ra sao, nay được thỏa lòng mong đợi rồi! Cảm ơn đường sắt Cát Linh - Hà Đông!"

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thuyết phục nhiều khách hàng khó tính! - Ảnh 2.

Hai cụ cháu được trải nghiệm tàu điện Cát Linh - Hà Đông đầy hào hứng. Ảnh: DH.

Được biết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1608/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, Chính phủ quyết định điều chỉnh tăng 911 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm 223 tỷ đồng vốn trong nước và 687,9 tỷ đồng vốn nước ngoài, cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (phần thực hiện dự án) của Bộ Giao thông vận tải.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương được điều chỉnh ở trên thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến ngày 6/11/2023.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thuyết phục nhiều khách hàng khó tính! - Ảnh 3.

Một "sự kiện đi tàu" được tổ chức theo hình thức đoàn diễu hành từ ga Cát Linh tới bến Thượng Đình rất thú vị. Ảnh: FB BKKH.

Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được bàn giao, đưa vào khai thác giai đoạn đầu từ ngày 6/11/2021 nhưng tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan vẫn phải tiếp tục thực hiện các nội dung, công việc còn lại của dự án theo quy định của hợp đồng đã ký, bao gồm: mua sắm vật tư linh kiện dự phòng, mua phương tiện chuyên ngành khu depot, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống đối với hạng mục tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác, hoàn thành các nội dung theo thông báo số 107 ngày 5/11/2021 của Hội đồng Kiểm tra nhà nước.

Trong khi chờ đợi các kế hoạch giải ngân được tăng cường cho tuyến đường sắt đô thị, nhiều người dân đều đang cảm thấy rất hài lòng khi được hưởng các dịch vụ, tiện ích vượt trội của loại hình tàu điện trên cao. Một loại hình đã rất phát triển ở các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, rất nhiều người đồng tình với việc phát triển thêm các tuyến giao thông công cộng tương tự, để bà con có thể tiện đi lại, sinh sống, góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông, tai nạn, tắc đường, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị. 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Đây là một trong 5 tuyến đường sắt đô thị đội vốn trên toàn quốc.

Cuối năm 2021, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại. Số liệu thống kê cuối tháng 11 năm 2022, đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông đã phục vụ khoảng 7,3 triệu lượt khách, trong đó hơn 10.000 người dùng vé tháng sau hơn một năm vận hành chính thức.

Ngày bình thường có hơn 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 26.000 - 28.000 lượt khách.

Từ khi đi vào hoạt động, đã có trên 66.580 lượt tàu chạy, đem về doanh thu khoảng 53 tỷ đồng, tăng trưởng 20% mỗi tháng.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-thuyet-phuc-nhieu-khach-di-tau-kho-tinh-179221228083927242.htm