Du Xuân tại "Vương quốc trên mây" Bhutan, trải nghiệm các lễ hội sôi động, rực rỡ, kỳ lạ
Nằm ở độ cao trung bình khoảng 3.300m, Bhutan được mệnh danh là "Vương quốc trên mây" - điểm đến du lịch nổi tiếng với nhiều lễ hội sôi động, rực rỡ, kỳ lạ cùng các phong tục truyền thống vẫn được duy trì trong xã hội mẫu hệ.
Xã hội Bhutan với truyền thống mẫu hệ thú vị
Bhutan là quốc gia nội lục ở Nam Á, nằm ở phía đông dãy núi Himalaya. Quốc Vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck có hiệu là Druk Gyalpo (nghĩa là Vua Rồng sấm), đem lại cho Bhutan danh hiệu "Vương quốc Rồng sấm".
Bhutan nổi tiếng là "Điểm đến Xanh" hàng đầu thế giới, đồng thời được ca ngợi là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Bhutan cũng là điểm đến du lịch tâm linh cuốn hút, nền văn hóa truyền thống đa dạng, cảnh quan phong phú…
Truyền thống của người dân Bhutan bắt nguồn sâu xa từ di sản Phật giáo, thể hiện rất rõ trong các hoạt động văn hóa, nhất là qua những vũ điệu mặt nạ, kịch múa trên nền âm nhạc truyền thống tại các festival (lễ hội).
Ngoài ra theo truyền thống, Bhutan là xã hội mẫu hệ, chú rể sau khi cưới chuyển đến nhà cô dâu ở rể. Tuy nhiên ngày nay hầu hết các cặp vợ chồng chọn ra ở riêng. Bên cạnh đó Bhutan là quốc gia Nam Á hiếm hoi không áp dụng dowry system (của hồi môn). Con gái út được thừa kế tài sản của cha mẹ. Phụ nữ không bắt buộc phải mang họ cha hoặc chồng, do đó cả chế độ đa thê và đa phu đều không phải là hiếm. Tương tự như vậy, ly hôn cũng không phải ít xảy ra và không bị coi như điều cấm kỵ.
Một trong những "đặc sản" nổi tiếng của nền văn hóa truyền thống và tâm linh của Bhutan là lễ hội - những sự kiện sôi động đầy màu sắc, thu hút nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới tới tìm hiểu và trải nghiệm.
Tsechu (hay Tshechu) là lễ hội tôn giáo quan trong nhất của Bhutan, theo tiếng Bhutan có nghĩa là "ngày thứ mười". Chuỗi Tsechu này được tổ chức vào ngày thứ mười của những tháng khác nhau theo âm lịch của Bhutan.
Địa điểm diễn ra chuỗi Tsechu là tại nhiều ngôi đền và Dzong (lối kiến trúc kiểu pháo đài tu viện đặc thù của những quốc gia vùng Himalaya, tiêu biểu nhất là ở Bhutan) trên khắp đất nước, nhằm tôn vinh Đạo sư Guru Rinpoche - người đã đưa Phật giáo Kim cương thừa đến Tây Tạng và Bhutan từ thế kỷ thứ Tám.
Đối với người Bhutan, tham dự Tsechu là một dấu hiệu thể hiện lòng thành và sự tận tâm với Phật giáo. Qua đó họ tích đức để tiến gần hơn đến sự giác ngộ.
Các lễ hội độc đáo có sức cuốn hút kỳ lạ với du khách
Ngoài ra còn có những lễ hội nổi tiếng khác, với những nghi thức truyền thống độc lạ rất cuốn hút du khách.
Paro Tsechu là lễ hội mùa Xuân nổi tiếng, với các vũ điệu mặt nạ mô tả những câu chuyện khác nhau, một số về cuộc đời của Đạo sư Guru Rinpoche. Paro Tsechu diễn ra trong 5 ngày vào tháng Tư, tại Rinpung Dzong ở thị trấn Paro.
Thimphu Tsechu là một trong những lễ hội lớn nhất Bhutan, thu hút hàng nghìn người tham dự, Thimphu Tsechu được tổ chức trong ba ngày vào tháng Chín, tại Tashichho Dzong ở Thủ đô Thimphu, nhằm kỷ niệm ngày sinh của Đạo sư Guru Rinpoche.
Vài ngày trước đó diễn ra lễ cầu nguyện và các nghi thức cầu khấn thần linh. Đám đông sau đó được giải trí bằng các màn trình diễn, bao gồm cả của các Atsara (phiên bản chú hề của người Bhutan). Dẫn đầu là một Atsara đeo mặt nạ đỏ, gắn mô hình phallus (cơ quan sinh dục nam) trên đầu. Các Atsara nhảy múa trình diễn những tiểu phẩm hài hước, nhằm xua đuổi tà ma và mang thông điệp nâng cao nhận thức xã hội.
Jambay Lhakhang Drup: Là một trong những lễ hội chính của Bhutan, Jambay Lhakhang Drup được tổ chức trong khoảng 5 ngày từ 28/10 đến 1/11, tại Jambay Lhakhang (đền Jambay) ở huyện Bumthang. Lễ hội nhằm kỷ niệm ngày thành lập Jambay Lhakhang (từ thế kỷ thứ Bảy) và tôn vinh Đạo sư Guru Rinpoche.
Điểm nhấn nổi bật của Jambay Lhakhang Drup là vũ điệu khỏa thân được gọi là Tercham (Dance of Treasure - Vũ điệu Kho báu), với 16 vũ công nam đeo mặt nạ, khỏa thân nhảy múa. Tercham được thực hiện theo một truyền thuyết, nhằm mê hoặc để đánh lạc hướng ma quỷ quấy nhiễu cản trở việc xây dựng đền thờ. Tercham được đánh giá cao, với niềm tin của người dân Bhutan rằng cơ quan sinh dục nam là một trong những báu vật quý giá nhất, vì tất cả chúng sinh đều được sinh ra từ bộ phận cơ thể này.
Một điểm nhấn quan trọng nữa là vũ điệu Lửa Mewang (Ngọn lửa ban phước lành), là nghi lễ đốt lửa mang tính biểu tượng để cầu phúc cho các phụ nữ hiếm muộn có thể sinh con.
Sau hơn hai năm đóng cửa biên giới, "Vương quốc Rồng sấm" Bhutan mở cửa trở lại ngày 23/9/2022. Kể từ đó đến ngày 12/10/2022, Bhutan đã đón 5.790 du khách quốc tế với số khách đến tiếp tục gia tăng từng tháng (con số thống kê theo Hội đồng Du lịch Bhutan).
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-xuan-tai-vuong-quoc-tren-may-bhutan-trai-nghiem-cac-le-hoi-soi-dong-ruc-ro-ky-la-179230115230858935.htm