Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chế độ làm việc của nhà giáo thế nào?

PV
15:33 - 15/05/2024

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chế độ làm việc của nhà giáo như thế nào, hãy cùng tìm hiểu.

Vì sao cần quy định chế độ làm việc của nhà giáo?

Theo dự thảo Luật, chế độ làm việc là hệ thống các quy định để nhà giáo hoàn thành các hoạt động giảng dạy, giáo dục phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng dẫn thực hành, tham gia học bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn, công tác kiêm nhiệm và các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao.

Chế độ làm việc của nhà giáo được xây dựng bảo đảm đúng quy định của Bộ Luật Lao động và phù hợp với hoạt động nghề nghiệp và quy đổi thành thời gian làm việc theo tuần, năm học và thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo.

Nhà giáo được quy định thời gian nghỉ trong năm được quy định cụ thể ra sao?

Thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm: 8 tuần nghỉ ngơi hàng năm và các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định của Bộ Luật Lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ Luật Lao động và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội. 

Việc bố trí 8 tuần nghỉ hàng năm do cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh (đối với giáo dục mầm non, phổ thông), cơ sở giáo dục (đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và giáo dục nghề nghiệp) quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm cho phù hợp điều kiện địa phương và cơ sở giáo dục.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục theo thẩm quyền có thể bố trí nhà giáo thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nhưng phải đảm bảo quy định về chế độ làm việc, phù hợp với năng lực của nhà giáo, đảm bảo công bằng giữa các nhà giáo trong cơ sở giáo dục và có sự đồng thuận của nhà giáo đó.

Chế độ làm việc của nhà giáo (bao gồm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) xác định cụ thể như sau:

a) Đối với giáo viên mầm non: Hoạt động giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em được tính theo số giờ làm việc/ngày được quy đổi để bảo đảm giờ làm việc/ngày theo quy định;

b) Đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, giáo dục thường xuyên: Hoạt động giảng dạy, giáo tính theo số tiết dạy/tuần hoặc số tiết dạy/năm học được quy đổi để bảo đảm giờ làm việc/ngày theo quy định;

c) Đối với giảng viên: Hoạt động giảng dạy tính theo giờ chuẩn/năm, hoạt động nghiên cứu khoa học tính theo giờ hành chính, các hoạt động khác tính thời gian thực tế tham gia theo giờ hành chính, được quy đổi để bảo đảm giờ làm việc/ngày theo quy định;

d) Đối với giáo viên giáo dục nghề nghiệp: Hoạt động giảng dạy, hướng dẫn thực hành tính theo giờ chuẩn/năm, các hoạt động khác tính thời gian thực tế tham gia theo giờ hành chính, được quy đổi để bảo đảm giờ làm việc/ngày theo quy định;

đ) Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thực hiện các nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý và giảng dạy, nghiên cứu khoa học, kiêm nhiệm (nếu có) theo chế độ tuần làm việc 40 giờ; thời gian tham gia trực tiếp giảng dạy theo quy định của cấp học, trình độ đào tạo được quy đổi như nhà giáo có cùng chuyên môn nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du...

Ngoài ra trong dự thảo Luật, tại điều 9 quy định về quyền của nhà giáo được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định.

Bên cạnh đó, nhà giáo (bao gồm cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) được chi trả chế độ làm thêm giờ khi thời gian làm việc thực tế vượt định mức thời giờ làm việc bình thường theo quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết chế độ làm việc đối với nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-thao-luat-nha-giao-quy-dinh-ve-che-do-lam-viec-cua-nha-giao-moi-the-nao-179240515153329707.htm