Dự thảo đấu giá biển số ô tô đẹp: Khởi điểm từ 20 - 40 triệu đồng
Ngày 23/6/2022, Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long có công văn số 2182/ BCA-C08 gửi Bộ Tư pháp đề nghị thấm định hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Trước đó, tháng 3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết thí điểm của Quốc hội về cơ chế thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá theo đúng quy định của pháp luật.
Thí điểm đấu giá biển số xe từ năm 1993
Trong nhiều năm qua, theo sở thích cá nhân, rất nhiều người có nhu cầu sở hữu "biển số đẹp". Chính vì xuất phát từ nhu cầu của người dân, Bộ Công an đã hai lần phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn.
Năm 1993, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an thành phố Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn. Sau 2 tháng triển khai thực hiện đã có 94 trường hợp tự chọn biển số trên tổng số 198 xe đăng ký (đạt 47%). Bộ Công an đã tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm và có công văn số 697/BNV-C26 ngày 18/11/1993 báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai việc thu phí biển số xe tự chọn trên toàn quốc; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 88-TT/LB ngày 29/10/1994 quy định chế độ thu, quản lý sử dụng lệ phí đăng ký biên số.
Tuy nhiên, khi chuẩn bị triển khai thực hiện Thông tư số 88-TT/LB thì báo chí và dư luận xã hội còn nhiều ý kiến trái chiều nên Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không thực hiện việc thu lệ phí cấp biển số xe tự chọn.
Năm 2008, Công an các tỉnh Bình Dương, Nghệ An, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La và Hà Nội đã báo cáo Bộ Công an xin ý kiến về việc đấu giá biển số xe. Sau khi trao đổi thống nhất với các bộ: Tư pháp, Tài chính và Giao thông vận tải, Bộ Công an đã có công văn số 1820/BCA-C11 ngày 25/8/2008 báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá biển số xe, các đơn vị chức năng đã dự thảo Thông tư liên Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp hướng dẫn việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe, lấy ý kiến tham gia nhiều lần của các Bộ, ngành và địa phương nhưng không được ban hành do vướng mắc về cơ sở pháp lý.
Đến ngày 12/10/2010, Bộ Công an ban hành Thông tư số 36/2010/TT-BCA quy định về đăng ký xe; trong đó quy định biển số xe 5 số thay thế loại biển 4 số và có dấu chấm ở hàng số thứ 3 nên cũng đã làm thay đổi quan niệm về số đẹp, dãy số đẹp. Ngày 30/9/2011, Bộ Tài Chính có công văn số 13025/BTC-CST báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tạm dừng việc đấu giá biển số.
Kinh nghiệm đấu giá biển số xe tại một số nước
Theo Bộ Công an, hiện một số nước đã thực hiện cấp biển số bằng hình thức cho người dân tự chọn trong danh sách các biển số theo sở thích đã được liệt kê và phải trả một khoản phí cao hơn lệ phí đã quy định (Mỹ, Nhật Bản, Myanmar) hoặc tổ chức đấu giá (Thái Lan, Malaysia, Singapore). Việc quy định quản lý biển sổ sau đấu giá cũng không giống nhau: Singapore, Thái Lan cho phép biển số đấu giá được chuyển nhượng cho người khác hoặc đổi sang xe khác; Malaysia quy định biển số trúng đấu giá không được bán cho người khác nhưng được phép đổi sang xe khác. Cơ quan có thấm quyền đăng ký cấp biển số là cơ quan tổ chức thực hiện đấu giá biển số thông qua hệ thống phần mềm quản lý biển số và bán đấu giá trên mạng internet...
Ở Singapore: Tổ chức đấu giá mỗi tuần một lần, người tham gia đấu giá chọn trên Website biển số muốn đấu giá trong danh sách các biển số chưa cấp và nộp ngay số tiền đấu giá (tối thiểu 1.000USD). Hết thời gian đấu giá, cơ quan nhà nước sẽ quyết định người trúng đấu giá và thông báo cho người đó biết để đi đăng ký, không công bố số người tham gia; những người không trúng sẽ không được thông báo hoặc nhận lại số tiền đã nộp. Biển số trúng đấu giá được phép chuyển nhượng (cho, tặng, mua bán) hoặc đổi sang xe khác nhưng phải nộp phí từ 100 đến 1.000USD.
Ở Malaysia: Tổ chức đấu giá 1-2 tháng/lần, người tham gia đấu giá phải đăng ký và nộp ngay số tiền dự kiến đấu giá. Cơ quan đấu giá không thông báo số người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất (biển số đã đấu giá cao nhất khoảng 6 tỉ đồng). Người không trúng đấu giá được trả lại tiền. Biển số trúng đấu giá không được bán cho người khác nhưng được phép đổi sang xe khác. Một số trường hợp muốn bán lại biển số trúng đấu giá nên đã đăng ký biển số đó cho xe rẻ tiền rồi bán xe cho người có nhu cầu mua biển số, sau đó người mua đổi biển số đấu giá sang một xe mới đắt tiền.
Ở Thái Lan: Tổ chức đấu giá biển số ô tô thông qua hệ thống phần mềm quản lý biển số và đấu giá biển số trên mạng internet. Người trúng đấu giá biển số sẽ được trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng biển số. Biển số trúng đấu giá có thể chuyển nhượng cho người khác.
Như vậy, nhiều quốc gia xung quanh Việt Nam cũng đã tổ chức đấu giá biển số nhưng cách quản lý biển số các nước không giống nhau.
Biển số xe được đưa ra đấu giá
Bộ Công an cho rằng, biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đãng ký mà Cơ quan Công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá có thể tùy chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.
Cơ quan Công an sẽ đăng công khai kho số đấu giá tại nơi đăng ký trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến và trên Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông. Trường hợp các biển số qua kỳ đấu giá không thành thì hệ thống sẽ tự động chuyển về kho số không đấu giá để cấp theo hình thức ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe cho người dân.
Không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe được mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe
Được sử dụng biển số trúng đấu giá; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu. Được chuyển nhượng (bán, cho tặng, thừa kế) biển số trúng đấu giá theo xe nhưng người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.
Nghĩa vụ của người trúng đấu giá: Không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng biển số trúng đấu giá theo xe).
Dự kiến giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá
Vùng 1 (gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh): 40.000.000 đồng;
Vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20.000.000 đồng.
Sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số xe
Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Để đảm bảo vừa khai thác hiệu quả tài sản công là kho số của biển số ô tô, nhưng cũng đảm bảo việc khai thác tài sản công đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Công an đề xuất "thí điểm" đối với kho biển số ô tô. Hết thời gian thí điểm (3 năm), Bộ sẽ có báo cáo tổng kết và sẽ đề xuất đấu giá đối với cả kho biển số ô tô và kho biển số xe máy.
Vùng 1 (gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh):
40.000.000 đồng;
Vùng 2 (gồm các địa phương còn lại):
20.000.000 đồng.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, quan điểm của Bộ Công an là không có biển số xấu, biển số đẹp mà chỉ có biển số theo nhu cầu, giá của biển số sẽ do thị trường định giá.
Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá được dự thảo Nghị quyết quy định theo vùng. Theo Đại tá Bình, mức giá khởi điểm từ 20 – 40 triệu này chiếm khoảng 3-4% giá trị của xe.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, liên quan đến giá khởi điểm cần tiếp tục nghiên cứu thêm vì đây có thể là nội dung được tranh luận nhiều tại Quốc hội, thậm chí việc xác định giá khởi điểm có thể gây cứng nhắc trong thực tiễn triển khai hay việc chỉ đấu giá một lần đối với biển số được nhiều người quan tâm cũng cần hết sức cân nhắc, rồi tỷ lệ phân bổ nguồn thu cho địa phương là căn cứ vào đâu…
Người dân luôn quan tâm đến biển số xe đẹp - xấu
Trong vai một người đi tìm mua biển số đẹp, phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có mặt tại Cơ sở đăng ký xe số 4 có địa chỉ tại số 2, Nguyễn Khuyến, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội.
Vợ chồng anh T (trú tại Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) hôm nay đi bấm biển cho chiếc xe bán tải mới mua. Anh rất hồ hởi khi bấm vào được biển không có số nào "khắc" với mình.
Anh T chia sẻ: Hai vợ chồng đã đi hỏi thầy phong thủy và nói nên tránh bốc biển vào số 3 số 7. Lúc vào bốc, anh có hơi run nhưng rất may khi ấn ra biển số không có hai số đấy. Vợ chồng anh đều thấy nhẹ nhõm và phấn phởi. Nói chung, biển nào thì biển, cái quan trọng là do may mắn mỗi người.
Chị Phương (trú tại Hà Đông, Hà Nội) đi bấm biển cùng em gái cho biết: hiện nay, tôi thấy có rất nhiều quan niệm về cách tính biển đẹp. Ví dụ như quan tâm vấn đề biển số xe có mấy nút. Người ta tính nút bằng cách tính tổng các con số lại với nhau và lấy nút là các con số cuối cùng. Theo đó, số nút càng cao sẽ càng được cho là đẹp.
Chị Phương cho biết thêm, cách tính số nút này nếu từ 7 nút trở lên được xem là đẹp (sức mạnh diệu kỳ), 8 nút là phát tài, phát lộc, 9 nút được cho là đẹp nhất vì mang ý nghĩa trường tồn, đem lại hạnh phúc và an lành.
Một cán bộ có thâm niên trong ngành đăng ký xe tại Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: "Người dân rất quan tâm đến biển số xe đẹp - xấu, ý nghĩa của biển số. Vì dân quan niệm rằng chiếc xe sẽ đi cùng mình trong nhiều công việc, nên việc bốc phải biển số đẹp hay xấu sẽ định đoạt số mệnh cuộc đời".
Một cán bộ công an tại nơi Đăng ký xe Quận Thanh Xuân cho biết, việc bốc biển đẹp hay xấu cũng giống như việc đi quay xổ số, nó phụ thuộc vào sự may rủi mỗi người.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-thao-dau-gia-bien-so-o-to-dep-khoi-diem-tu-20-40-trieu-dong-179220706110943957.htm