Du lịch Tây Tạng mùa xuân 2024: Các tour hướng tới núi thiêng Kailash "hot" trở lại
Mùa xuân ở Tây Tạng có nhiệt độ từ 5-15 độ C được cho là thời điểm lý tưởng để du khách khám phá vô số điều kỳ diệu. Khu tự trị Tây Tạng chào đón du khách bằng phong cảnh rực rỡ muôn sắc màu, cùng những trải nghiệm nền văn hóa độc đáo và chiều sâu tâm linh của "nóc nhà thế giới".
Tây Tạng - một trong những kỳ quan mới của thế giới du lịch hiện đại
Nằm trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng (Thanh Tạng) có độ cao trung bình hơn 4,500m và giữa những ngọn núi cao chót vót, khu tự trị Tây Tạng (Tibet) của Trung Quốc là một trong những kỳ quan mới của thế giới du lịch hiện đại.
Tây Tạng được mệnh danh là "nóc nhà thế giới" với vô số đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa vươn lên trời cao, bao gồm cả đỉnh Everest cao nhất thế giới. Tây Tạng còn mê hoặc du khách với hơn 1.000 hồ trên núi (trong đó có 4 hồ thiêng) như những viên ngọc xanh khổng lồ lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời; cùng cung điện Potala kỳ vĩ "tỏa sáng như mặt trời, mặt trăng" suốt hàng trăm năm qua; các tu viện, sông băng, di tích lịch sử bí ẩn cùng thiên đường động vật hoang dã và tình cảm nồng ấm, thân thiện của người dân.
Hầu hết du khách chọn đến Tây Tạng vào mùa hè (từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9) vì không khí có hàm lượng oxy cao hơn các mùa khác, với nhiệt độ dao động ở mức từ 10-23 độ C. Nhưng nếu du khách muốn tránh sự đông đúc của cao điểm du lịch mùa hè, thì mùa xuân (từ tháng 4 đến tháng 6) là thời điểm tốt nhất để tránh đám đông và có thể ghé thăm nhiều nơi trên khắp Tây Tạng.
Mùa xuân cũng là thời điểm có nhiều lễ kỷ niệm, cuốn hút du khách tham gia vào các lễ hội địa phương với đặc trưng là những đám rước đầy màu sắc, âm nhạc và các màn nhảy múa truyền thống. Đặc biệt Saga Dawa Festival thể hiện 3 giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời Đức Phật, diễn ra vào ngày rằm tháng Tư theo lịch Tây Tạng (23/5 theo dương lịch), cùng Tsurphu Cham Dance Festival (được tổ chức vào ngày 10 tháng Tư theo lịch Tây Tạng, giúp du khách hiểu biết sâu hơn về văn hóa và tôn giáo Tây Tạng.
Trong khi các đỉnh núi cao nổi tiếng bao gồm cả đỉnh Everest từ lâu đã trở thành thách thức hấp dẫn để nhiều người chinh phục, thì vẫn có những ngọn núi kỳ bí dường như con người không thể đặt chân lên.
Một trong số đó là núi thiêng Kailash tuyết phủ quanh năm, cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng khoảng 1.000km về phía Tây. Núi thiêng Kailash được thế giới mệnh danh là "vũ trụ tâm linh" và được Kinh Tạng Phật giáo gọi là núi Tu Di, với rất nhiều điều bí ẩn bao quanh, bao gồm cả sự giống nhau kỳ lạ giữa các hồ nước ngoạn mục với mặt trăng và mặt trời.
Núi thiêng Kailash góp phần tăng thêm sự bí ẩn của "nóc nhà thế giới" Tây Tạng
Núi thiêng Kailash từng được nền tảng du lịch Tripadvisor mô tả: "Tây Tạng là xứ sở thần tiên về địa chất và núi Kailash càng làm tăng thêm sự kỳ diệu và bí ẩn của "nóc nhà thế giới' này".
Kailash được cho là một ngọn núi lửa cao 6.714m trên nền đá granite khổng lồ, cách xa dãy núi Himalaya chính về phía Nam và cách thủ phủ Lhasa một con đường kín. Du khách cũng có thể đi qua Nepal để băng qua dãy núi Himalaya tới núi thiêng Kailash.
Tờ Daily Mail của Anh ngày 9/4 vừa đăng bài viết với tiêu đề "Ngọn núi ở Tây Tạng được hàng tỷ người biết đến mà chưa có ai từng leo lên. Đây là lý do vì sao". Trong đó tác giả Jessica Hamilton nhấn mạnh: Núi Kailash là một trong những ngọn núi linh thiêng nhất thế giới… Người theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo) tin rằng đây là quê hương của Thần Shiva. Những người theo đạo Phật gọi đó là núi Meru huyền thoại - trục trung tâm của vũ trụ. Theo báo Times of India của Ấn Độ, việc leo lên đỉnh "người khổng lồ" này bị cấm (một cách tự nhiên), vì lo ngại rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của núi thiêng Kailash.
Từ hàng nghìn năm qua, núi Kailash là địa điểm hành hương linh thiêng của những người theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo), đạo Phật, đạo Jain (Kỳ Na giáo) cũng của Ấn Độ, đạo Bon (tôn giáo bản địa của người Tây Tạng ở cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng Cổ đại) và nhiều du khách.
Mỗi năm có hàng nghìn người hành hương và du khách đổ tới khu vực này, thực hiện hành trình đi bộ 52km trong 3 ngày đến núi thiêng Kailash. Hành trình này được gọi là Kora (hành thiền) - là hành hương theo truyền thống Tây Tạng bằng cách vừa đi bộ vừa niệm thần chú xung quanh một thánh địa hoặc đền thiêng… nhiều lần theo chiều kim đồng hồ.
Một trong các tour đang rất hút khách hướng tới núi thiêng Kailash dịp mùa xuân 2024, là tour Lễ hội Saga Dawa núi Kailash từ Nepal (Mount Kailash Saga Dawa Festival tour from Nepal) của Himalayanasiatreks. Điểm nhấn của tour này du khách sẽ được chứng kiến Lễ hội Saga Dawa với nghi thức Tarboche đặc biệt. Đó là khi các Lạt ma/tu sĩ của tu viện Gyangdrak hạ cột cờ khổng lồ xuống để thay đổi các lá cờ cầu nguyện, sau đó họ cùng nhiều người khác dựng cây cột thẳng đứng trở lại.
Theo các số liệu thống kê mới nhất, trong 3 quý đầu năm 2023 Tây Tạng đã đón 49,67 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế - tăng 67,4% so với cùng kỳ năm trước; với doanh thu khoảng 59,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8,1 tỷ USD). Tây Tạng đang có kế hoạch đón 61 triệu lượt du khách với doanh thu hàng năm 64 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8,8 tỷ USD) vào năm 2025.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-lich-tay-tang-mua-xuan-2024-cac-tour-huong-toi-nui-thieng-kailash-hot-tro-lai-179240411224200331.htm