Dự kiến bổ sung ba nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

13:19 - 14/03/2023

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến, dự kiến có thêm ba nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (làm việc bán thời gian).

Dự kiến bổ sung ba nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến, dự kiến có thêm ba nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ảnh: Chinhphu.vn

Có nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng bị "bỏ sót"

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, ba nhóm đề xuất tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc kể trên luật hiện hành còn "bỏ sót" dù có nhu cầu và khả năng tham gia, nhưng chưa được luật hoá.

Hiện nay, cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp, trong đó có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế. Nhưng nhóm này chưa thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chỉ có rất ít chủ hộ kinh doanh cá tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, cả nước có khoảng 29.000 hợp tác xã hoạt động, thu hút gần 6 triệu người tham gia, trong đó có 970.000 lao động làm việc trong khu vực hợp tác xã.

Theo số liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì hiện nay mới có gần 7.000 hợp tác xã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho khoảng 40.000 người lao động.

Qua kết quả khảo sát tại một số địa phương cũng cho thấy, nhiều người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương có nguyện vọng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trên cơ sở đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian.

Sẽ phát sinh thêm chi phí nhưng đảm bảo nhiều chế độ cho người lao động

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định, nếu bổ sung thêm chủ hộ kinh doanh tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ có thêm khoảng 5,1 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mức đóng Bảo hiểm xã hội cụ thể theo lựa chọn của chủ hộ kinh doanh, trên cơ sở tiền lương (thu nhập) tính đóng Bảo hiểm xã hội được luật định từ 2-36 triệu đồng/tháng.

Với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương, khi quy định tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, hàng tháng sẽ phát sinh thêm chi phí đóng Bảo hiểm xã hội tương tự như với chủ hộ kinh doanh cá thể.

Với người làm việc không trọn thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động và chủ sử dụng sẽ đóng dựa trên mức thu nhập hằng tháng (tối thiểu 2 triệu đồng/tháng trở lên).

Trong đó, người lao động đóng 8% tính trên tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng cho người lao động 14% vào quỹ hưu trí tử tuất và 3% vào quỹ ốm đau thai sản.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá, quy định mới kể trên nếu được thông qua sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho người lao động, người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, bù lại chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp và hợp tác xã không hưởng lương, người làm việc theo giờ sẽ được bảo vệ khỏi những rủi ro, được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, mức hưởng theo mức đóng góp (như người lao động làm việc khu vực chính thức).

Tại Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về nguyên tắc khi tham gia bảo hiểm xã hội cụ thể như sau:

1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-kien-bo-sung-ba-nhom-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-179230314115042685.htm