Dự báo nguồn nhân lực ngành giáo dục luôn là việc khó của các địa phương

06:03 - 19/03/2023

Dự báo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục luôn là việc khó đối với các địa phương, hệ lụy của việc dự báo sai có thể kéo dài đến hàng chục năm sau.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 và bắt đầu áp dụng cho sinh viên trúng tuyển từ năm học 2021 – 2022.

Ngoài việc được miễn hoàn toàn học phí trong suốt quá trình học tập tại trường đại học, cao đẳng thì sinh viên sư phạm còn được hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt trong suốt khóa học.

Tuy nhiên, để được hưởng những chính sách ưu đãi trên (học phí và sinh hoạt phí), sinh viên ngành sư phạm phải là những người được đào tạo theo nhu cầu của địa phương thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Cụ thể, hằng năm các địa phương phải tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo giáo viên từng cấp học, môn học tại địa phương mình, từ đó đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm với cơ sở đào tạo.

Việc tính toán, xác định nhu cầu cần tuyển dụng giáo viên các cấp học là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nếu tính toán có sự sai lệch nhiều, không dự báo được nguồn cung cầu trong tương lai dễ dẫn đến tình trạng hoặc là thừa giáo viên quá nhiều hai là thiếu giáo viên trầm trọng.

Cả 2 trường hợp này đều ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của nhà giáo, chất lượng giáo dục ở các cơ sở đào tạo và các địa phương. 

Dự báo nguồn nhân lực ngành giáo dục luôn là việc khó của các địa phương - Ảnh 3.

Nhiều địa phương hàng chục năm qua luôn phải đối mặt với tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ - theo cách này hay cách khác. Ảnh: Truyền hình Thanh Hóa.

Dự trù nguồn nhân lực chưa chính xác

Chuyện đặt hàng cho cơ sở đào tạo giáo viên không là chuyện mới vì gần 30 năm trở lại đây, nhiều địa phương đã thực hiện việc đặt hàng đào tạo giáo viên.

Trước đây, bậc trung học phổ thông có địa phương thiếu giáo viên trầm trọng. Để giải quyết bài toán nhân sự trước mắt, các địa phương có 2 cách: ồ ạt mở các lớp cấp tốc sư phạm cấp III bằng cách xét tuyển học bạ. Hoặc tổ chức chiêu sinh những học sinh thi đại học đạt điểm từ 17 trở lên có nguyện vọng làm giáo viên để gửi vào trường nhờ đào tạo riêng. 

Học sinh phải cam kết ra trường về tỉnh nhà công tác ít nhất 5 năm, nếu không phải đền trả học phí đào tạo trong 4 năm là khoảng 80 triệu đồng.

Trong khi đó, học sinh muốn đỗ vào Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ phải đạt từ 24 điểm trở lên đối với một số môn toán, lý, hoá.

Ồ ạt tuyển sinh dẫn đến giáo viên dôi dư quá nhiều

Trong nhiều năm, vừa mở các lớp đào tạo cấp tốc, vừa đặt hàng trường đại học đào tạo giáo viên nên số lượng nhà giáo bậc trung học phổ thông đã ổn định trong vài năm sau đó.

Khoảng 10 năm trở lại đây, các địa phương đủ giáo viên không còn nhu cầu tuyển giáo viên bậc trung học phổ thông. Lúc này, điều thiệt thòi lớn nhất cho ngành giáo dục địa phương là không thể tuyển được giáo viên giỏi trong khi lượng giáo viên cũ (tuyển học bạ và điểm thi đại học ồ ạt) lại khá non yếu về tay nghề.

Dù không tuyển giáo viên trung học nữa nhưng mỗi năm lượng giáo viên bậc trung học vẫn dôi dư khá nhiều do thời gian đầu mở lớp một cách ồ ạt. Các tuyển như vậy có môn dôi dư nhiều nhưng vẫn có nhiều môn thiếu trầm trọng dẫn đến giáo viên thừa thiếu cục bộ.

Có những thầy cô giáo mỗi tuần chỉ được phân công giảng dạy một vài tiết rồi phải đi làm các công việc khác. Trong khi, có những thầy cô lại dạy tối mày tối mặt vẫn không kịp vì môn học ấy không còn giáo viên dạy thay thế. Không hiếm cảnh giáo viên lên trường để ngồi chơi, ngồi chờ ai đó nghỉ thì vào dạy thay một vài tiết. 

Ngành giáo dục địa phương buộc phải chọn giải pháp tinh giản biên chế và thực hiện việc luân chuyển giáo viên xuống bậc học khác hoặc điều giáo viên đi biệt phái ở những trường học khác trong tỉnh.

Điều này đã dẫn đến nảy sinh những tiêu cực. Đã có những cuộc "chạy đua" để được ở lại trường ngấm ngầm diễn ra. Rồi mâu thuẫn nội bộ, ganh tỵ, hiềm khích, thậm chí "đấu tố" đồng nghiệp để bảo vệ mình.

Những việc ấy đã làm xáo trộn cuộc sống của nhiều thầy cô giáo. Bởi, gần như các thầy cô đều đã có gia đình, nhà cửa, đã gắn bó với công tác giảng dạy nhiều năm nay bỗng dưng mất việc hoặc phải chuyển đến một nơi giảng dạy mới quá xa nhà quả không hề đơn giản.

Đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm phải dự báo nguồn nhân lực đến hàng chục năm sau

Đặt hàng đào tạo giáo viên sẽ có ưu điểm địa phương sẽ chọn được cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng, đồng thời cũng chọn được những sinh viên giỏi, có năng lực.

Thế nhưng sẽ rất bất cập khi việc dự báo nguồn nhân lực không chính xác. Cái nhìn ngắn hạn sẽ chỉ giải quyết vấn đề của một vài năm sau đó, còn về lâu dài, nhiều bất cập không thể khắc phục. 

Dự báo chính xác sẽ không đặt hàng đào tạo một cách ồ ạt, dẫn đến việc dư thừa giáo viên hoặc thừa thiếu một cách cục bộ như nhiều địa phương hiện nay, không chỉ lãng phí ngân sách còn mang lại nhiều hệ lụy buồn như nhiều giáo viên bị thất nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác ảnh hưởng lớn đến bản thân và cuộc sống của gia đình các thầy cô giáo.

Ngược lại, tính toán được nhu cầu đào tạo sát với thực tế thì ngành giáo dục địa phương sẽ có được một đội ngũ giáo viên ổn định và vững tay nghề. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-bao-nguon-nhan-luc-nganh-giao-duc-luon-la-viec-kho-cua-cac-dia-phuong-179230318180542773.htm