Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu là 15 năm

19:00 - 02/11/2023

Chiều 2/11, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu là 15 năm - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu là 15 năm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, dự thảo luật điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Về vấn đề giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu, Bộ trưởng cho biết, theo nguyên lý bảo hiểm xã hội và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là phải đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.

Do vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo VGP, dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như: quy định cụ thể 2 hành vi: chậm đóng bảo hiểm xã hội và trốn đóng bảo hiểm xã hội; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng; cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu là 15 năm - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Theo Tờ trình của Chính phủ, để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như: giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.

Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật đề xuất Quốc hội cho ý kiến đối với 2 phương án sau:

- Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau, gồm:

+ Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu là 15 năm - Ảnh 4.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

+ Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp như đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).

- Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Dự liệu các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội phải phản ánh được tính lịch sử phát triển chính sách bảo hiểm xã hội, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. 

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu là 15 năm - Ảnh 5.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Các chính sách và tác động chính sách phải hướng đến thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã xác định, phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội như yêu cầu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, cần phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách, dự liệu những tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chính sách từ người lao động và người sử dụng lao động; đẩy mạnh công tác tham vấn công chúng, thông tin kịp thời, đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao, củng cố niềm tin và tăng mức độ tuân thủ, sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội.

Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể, đầy đủ về mối quan hệ giữa Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có điều chỉnh về các chính sách về bảo hiểm xã hội (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Người cao tuổi…).

Bên cạnh đó, Cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách để bảo đảm tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới trong dự thảo Luật, đồng thời nghiên cứu quy định mang tính nguyên tắc, nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách bảo hiểm xã hội đặc thù.

Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, chưa có giải trình, thuyết minh, thông tin dữ liệu đầy đủ liên quan đến các chính sách, nhất là quy định mới phát sinh so với đề xuất xây dựng dự án Luật như: quy định trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoản 6 Điều 3); quy định thêm hành vi chậm đóng (Điều 36); bổ sung quy định quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội (Điều 37); bỏ quy định sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế đối với người lao động tiếp tục bảo lưu thời gian đóng sau một năm nghỉ việc...

Về việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, Ủy ban Xã hội nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo Đánh giá kỹ các tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, việc đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này và đối với chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, trong đó xác định rõ nội dung chi trả bảo hiểm y tế; Nghiên cứu bổ sung quy định linh hoạt việc huy động các nguồn lực xã hội đối với vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội: Chính sách bảo hiểm còn kẽ hở, người lao động chưa được bảo vệ quyền lợi đúng mức

Trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, phát biểu góp ý về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk chỉ ra rằng, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn nhiều kẽ hở, người lao động vẫn chưa được bảo vệ về quyền lợi...

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt phân tích, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn hướng đến mục tiêu là chăm lo cho con người, vì sự phát triển của con người. Việc thực hiện các chính sách và thụ hưởng từ các chính sách này đã được pháp luật quy định khá rõ ràng đối với người sử dụng lao động và người lao động.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, tình trạng người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí cố tình trốn tránh trách nhiệm trong việc trích đóng bảo hiểm xã hội trong khi người lao động đã nộp bảo hiểm xã hội qua khấu trừ hàng tháng trong bảng lương không phải là con số nhỏ nhưng khi phát sinh quyền lợi thì người lao động bị từ chối thanh toán. Ở đây có thể thấy rằng, “lỗi không phải của người lao động nhưng người lao động lại gánh hậu quả”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam một mặt tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm.

Mặt khác cần có giải pháp bảo đảm quyền lợi liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cũng như các rủi ro khi xảy ra tai nạn lao động, đau ốm, thôi việc, nghỉ việc, chuyển việc khi có đủ cơ sở xác định người lao động đã tham gia đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời xem đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp, giải quyết và ưu tiên bảo vệ người lao động bằng các quy định của pháp luật, không để cho người lao động phải loay hoay, tự mình đi đòi quyền lợi hết sức chính đáng. Đây cũng là giải pháp để giữ chân, gắn trách nhiệm cũng như tạo niềm tin của người lao động với chính sách bảo hiểm xã hội ngay tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi mình đang làm việc.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/du-an-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-thoi-gian-dong-bao-hiem-xa-hoi-toi-thieu-de-huong-luong-huu-la-15-nam-179231102174338451.htm