Đồng tiền châu Á nào hưởng lợi nhiều nhất nếu FED hạ lãi suất?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến giảm lãi suất trong năm nay có thể không phải là tin tốt cho USD nhưng một số đồng tiền châu Á được nhận định là sẽ hưởng lợi.
Lãi suất cao của Mỹ đã củng cố sức mạnh của đô la bằng thu hút đầu tư nước ngoài, làm tăng nhu cầu đồng bạc xanh. Đồng USD yếu nhìn chung sẽ tác động tích cực đối với tiền tệ ở các thị trường mới nổi. Và điều này thường xảy ra khi Fed hạ lãi suất , không dựa vào lý do khủng hoảng kinh tế.
FED đã có quan điểm ôn hòa hơn vào tháng 12/2023 nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản từ 5,25% đến 5,5% trong cuộc họp tháng 1/2024. Thị trường đang kỳ vọng động thái giảm lãi suất của Fed sẽ bắt đầu diễn ra từ mùa hè. Công cụ CME FedWatch dự báo đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đầu tiên xảy ra sớm nhất là vào tháng 6.
Trao đổi với hãng tin CNBC, các chuyên gia dự báo, các loại tiền tệ như nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, rupee của Ấn Độ và won của Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi rõ rệt từ chính sách tiền tệ nới lỏng của FED.
Nhân dân tệ đứt chuỗi giảm giá nếu FED hạ lãi suất
Năm 2023, hàng loạt tin tức và dữ liệu kinh tế gây thất vọng làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với nền kinh tế Trung Quốc nói chung và NDT nói riêng. Theo Arun Bharath - Giám đốc đầu tư của Bel Air Investment Advisors, trước đây Trung Quốc đã cố gắng ổn định tỉ giá NDT với USD và dự kiến tiếp tục làm như vậy. Điều đó giúp hạn chế sự bi quan đối với đồng tiền có vai trò quan trọng đối với thương mại toàn cầu như NDT.
"Trong khi tỉ giá suy yếu xuống mức 7 NDT đổi 1 đô la Mỹ đã phản ánh tình hình kinh tế yếu hơn ở Trung Quốc. Do vậy khó có khả năng NDT suy yếu hơn nữa khi các nhà hoạch định chính sách bắt đầu hành động tích cực trong nỗ lực kích thích tài khóa, tăng trưởng tín dụng và nâng cao giá trị bất động sản", Bharath nhận định.
Ông lưu ý rằng tỉ giá của đồng tiền Trung Quốc có thể sẽ dao động trong một biên độ hẹp xung quanh mức hiện tại là 7,1 NDT đổi 1 USD.
Không giống như các đồng tiền lớn khác như yen Nhật Bản hoặc USD có tỉ giá hối đoái tự do, Trung Quốc giữ kiểm soát nghiêm ngặt về đồng nhân dân tệ, bằng việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá trung tâm hàng ngày.
Nếu FED bắt đầu giảm lãi suất vào mùa hè, điều đó có thể sẽ thu hẹp chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và giải tỏa một số áp lực cho đồng NDT.
Đồng won giảm áp lực, có thể tăng giá sau quyết định lãi suất của FED
Đồng won của Hàn Quốc chịu áp lực trong 3 năm qua, nhưng triển vọng kinh tế trong nước cải thiện và chính sách nới lỏng dự kiến của FED sẽ giúp giảm bớt căng thẳng đó trong năm 2024.
Simon Harvey - Người đứng đầu bộ phận phân tích ngoại hối của Monex cho rằng: “Là một loại tiền tệ có lãi suất thấp và có tính chu kỳ cao, đồng won Hàn Quốc sẽ là một trong những đồng tiền được hưởng lợi chính từ chu kỳ nới lỏng tiền tệ của FED vào nửa cuối năm nay. Lãi suất thấp hơn của Mỹ sẽ không chỉ giảm áp lực lên đồng won thông qua kênh tỉ giá mà còn dẫn đến sự lạc quan trong triển vọng tăng trưởng toàn cầu”.
Tuy nhiên mức tăng giá của đồng won sẽ được xác định dựa vào mức độ cắt giảm lãi suất của FED. Simon Harvay dự đoán đồng won có thể tăng giá từ 5-10% nếu FED tiến hành chu kỳ nới lỏng dài hơn, nhưng chỉ tăng 3% nếu chu kỳ này ngắn.
Triển vọng kinh tế của Hàn Quốc cũng được kỳ vọng cải thiện trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á tăng trưởng 2,3% trong năm 2024 và 2025, cao hơn mức tăng trưởng 1,4% của năm ngoái.
FED hạ lãi suất, yen Nhật sẽ thoát cảnh rớt giá
USD giảm 0,19% so với yen hôm 19/2, đưa tỉ giá về mức 149,94 yen đổi 1 USD. Do Nhật Bản duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo, từ đầu năm đến nay, đồng bạc xanh vẫn tăng hơn khoảng 6% so với yen. Điều này tạo ra khoảng cách lớn giữa lãi suất trái phiếu của hai nước, làm tăng sức hấp dẫn của USD.
Dữ liệu hàng tuần mới nhất từ cơ quan quản lý thị trường Mỹ cho biết các nhà đầu cơ lại tăng bán ròng yen, với quy mô 9,2 tỉ USD, mức cao nhất trong hơn hai tháng qua, làm dấy lên suy đoán chính quyền Nhật Bản sẽ can thiệp để tăng giá nội tệ.
Takeshi Minami - Kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, dự kiến xu hướng tiền tệ sẽ đổi hướng vào một thời điểm nào đó vào cuối năm nay khi FED tiến tới cắt giảm lãi suất và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất. "Tôi không mong đợi yen sẽ giảm nhiều kể từ đây", Minami trao đổi với Bloomberg.
Rupee Ấn Độ có thể mạnh lên sau khi FED hạ lãi suất
Đồng rupee của Ấn Độ có thể được hưởng lợi từ giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ (carry trade) trong năm nay. Carry trade là chiến lược giao dịch trong đó, nhà đầu tư bán hoặc vay các đồng tiền có lợi suất thấp để thu lợi nhuận bằng cách mua vào các đồng tiền có lợi suất cao hơn.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức hơn 4%, trong khi đó lợi suất của loại trái phiếu tương đương của Ấn Độ có lợi suất hơn 7%. Vì vậy, khi FED bắt đầu giảm lãi suất, nhà đầu tư có khả năng sẽ tăng cường vay đô la để mua vào đồng rupee.
Anindya Banerjee - Phó Chủ tịch nghiên cứu tiền tệ và phái sinh tại Kotak Securities cho biết: "Nhiều giao dịch chênh lệch lợi suất giữa USD và các loại tiền tệ khác như đồng yen hoặc đồng euro. Nếu lãi suất giảm ở Mỹ, chênh lệch lợi suất tăng lên tạo thuận lợi cho các giao dịch như vậy. Điều đó sẽ tác động tích cực đối với đồng tiền của Ấn Độ”.
Đồng rupee cũng có thể mạnh lên trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) dự kiến nới lỏng chính sách tiền tệ chậm hơn so với các ngân hàng trung ương khác. Banerjee nhận định, do không gặp vấn đề lạm phát giống như châu Âu hay Mỹ. tốc độ cắt giảm lãi suất của RBI sẽ chậm hơn nhiều so với FED.
Rupee đã mạnh lên mức 82,82 đổi một USD trong 3 tháng qua. Năm ngoái, nội tệ Ấn Độ giảm 0,6% so với USD, nhỏ hơn nhiều so với mức giảm 11% hồi 2022.
Biên bản cuộc họp cuối của FED dự kiến diễn ra vào thứ tư (21/2) có thể là thông tin chính được các nhà đầu tư quan tâm trong tuần này. Thị trường đang kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 90 điểm cơ bản trong năm nay.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dong-tien-chau-a-nao-huong-loi-nhieu-nhat-neu-fed-ha-lai-suat-179240220113645724.htm