Đồng Nai: Liên kết đào tạo nghề hàng không cho dự án sân bay Long Thành
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ cần khoảng hàng chục ngàn nhân lực. Nắm bắt việc này, Trường Cao đẳng quốc tế Lilama 2 và Học viện Hàng không Vietjet đã ký kết đào tạo nhân lực tại chỗ để phục vụ sân bay đi vào hoạt động.
Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để giải quyết việc làm cho con em người dân phải di dời nhường đất để xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai.
Nhu cầu nhân lực ngành Hàng không rất lớn
Theo thiết kế, sau khi hoàn thành, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có 4 nhà ga rộng lớn và hiện đại, công suất tối đa 100 triệu hành khách/năm. Do đó, nhu cầu nhân lực cho dự án dự kiến là 13.769 người.
Trong đó, trung cấp và cao đẳng là 2,249 người; sơ cấp là 3.816 người, còn lại là trình độ khác (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và lao động phổ thông). Trong đó, dự kiến ít nhất khoảng 20% là con em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung được đào tạo có trình độ kỹ năng chuyên môn, tay nghề cao và ngoại ngữ nhằm góp phần cung cấp nhân lực đáp ứng nhu cầu của dự án sân bay Long Thành dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2030.
Từ vấn đề này, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (thuộc Bộ Xây dựng) đã sớm chủ động kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác đào tạo nghề trong lĩnh vực hàng không. Nhà trường đã chủ động làm việc với nhiều doanh nghiệp, đối tác nhằm tìm kiếm giải pháp đào tạo nghề cho con em tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là con em người dân nhường đất làm sân bay. Với nhiều nỗ lực, ngày 9/6/2023, Lilama 2 đã tiến hành ký kết hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) nhằm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không.
Cụ thể, hai bên ký kết đào tạo gồm: Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, khai thác bay, nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay. Chương trình đào tạo sẽ được Lilama 2 và VJAA điều chỉnh để bảo đảm chuẩn đầu ra của một số ngành nghề hiện có của Lilama 2 và bảo đảm được yêu cầu các ngành nghề của VJAA. Trong năm 2023, trường tuyển sinh các nghề như: Kỹ thuật bảo dưỡng máy bay (cơ điện tử), kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay (hàn), logistics trong lĩnh vực hàng không. Chỉ tiêu tuyển sinh 28 học viên/nghề và khai giảng khóa học đầu tiên vào tháng 9/2023.
Về thực hiện đào tạo gồm 2 giai đoạn. Trong đó, đào tạo kiến thức và kỹ năng cơ bản tại Lilama 2 và kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực hành không được đào tạo tại VJAA cũng như các nhà ga của Vietject. Sau khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng cao đẳng của Lilama 2 và văn bằng chứng chỉ của VJAA và có thể tham gia việc việc làm tại cảng hàng không. Tuy nhiên, tùy theo ngành nghề đặc thù thì người lao động sau khi được tuyển dụng sẽ tham gia kỳ thi sát sạch để cấp chứng chỉ năng định theo quy định của Cục hàng không Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi, khi biết điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Trần Văn Thanh (ngụ tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho biết, em có đăng ký vào một trường đại học trên Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên vừa qua em có tìm hiểu và được biết Trường Cao đẳng Công nghệ Liama 2 có đào tạo ngành kỹ thuật bảo dưỡng máy bay nên em quyết định chọn ngành học này. Em hi vọng sau này sẽ được vào làm việc trong sân bay… Đó cũng là mong muốn của hầu hết các học viên trẻ ở đây khi gia đình họ đều gặp khó khăn sau khi nhường đất cho dự án sân bay Long Thành.
Đào tạo giải quyết việc làm ngay tại chỗ
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Lilama 2 cho biết, hiện có nhiều học viên là con em trong vùng dự án sân bay Long Thành đang theo học. Tới đây, trường sẽ tăng cường hợp tác với ngành chức năng để đưa ra cơ chế hỗ trợ những người là con của các gia đình bị ảnh hưởng khi triển khai Dự án sân bay Long Thành vào học các ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không. Đồng thời kết nối, bàn bạc với các đơn vị liên quan để bảo đảm việc làm cho người học.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho hay, nhân sự phục vụ cho ngành hàng không là một nghề đặc thù có điều kiện về bảo đảm an ninh và an toàn. Đặc biệt, khi trường Liama 2 và VJAA ký kết trong việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực hàng không; bà tin tưởng chương trình hợp tác sẽ thành công đáp ứng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm ngay khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh kế hoạch làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các công ty sử dụng lao động để kết nối các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh với các hãng hàng không, các đơn vị có chức năng đào tạo chuyên ngành hàng không nhằm liên kết hoặc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Đồng Nai phục vụ cho sân bay Long Thành.
Còn ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tin tưởng sự hợp tác giữa Trường Lilama 2 và VJAA sẽ thành công, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Hàng nghìn người dân vùng dự án sân bay Long Thành đã chịu thiệt thòi khi nhường đất phục vụ dự án; ngành chức năng và cộng đồng xã hội luôn quan tâm, tạo điều kiện để người dân có việc làm ổn định. Hiện tỉnh Đồng Nai đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, điều chỉnh phương án đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân dự án sân bay Long Thành và hợp tác với các cơ sở giáo dục để đào tạo nghề cho người dân vùng dự án.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dong-nai-lien-ket-dao-tao-nghe-hang-khong-cho-du-an-san-bay-long-thanh-179230718140540639.htm