Động đất tại Myanmar ít có khả năng gây thiệt hại đối với Việt Nam

Trần Vũ
16:52 - 28/03/2025

Trận động đất xảy ra ở Myanmar có độ lớn của tâm chấn là 7,7, tuy nhiên, "hệ thống quan trắc của Việt Nam ghi nhận cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0, tức là ít có khả năng gây thiệt hại đối với Việt Nam" - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần cho biết.

BẢN ĐỒ CHẤN TÂM ĐỘNG ĐẤT

Động đất tại Myanmar xa Việt Nam nên cấp độ rủi ro thấp

Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: vào lúc 6 giờ 20 phút 57 giây ngày 28/3/2025 (giờ GMT) tức 13 giờ 20 phút 20 giây ngày 28/3/2025 (giờ Hà Nội), một trận động đất có độ lớn 7.3 xảy ra tại Myanmar có vị trí toạ độ: 21.71 độ vĩ Bắc - 96.02 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Động đất xảy ra tại khu vực Myanmar. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Lí giải với báo chí về thông tin từ Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ nêu độ lớn của động đất là 7.7; Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc (CENC) thông tin trận động đất xảy ra tại Myanmar có độ lớn 7,9; còn Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho là 7.3 - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần cho biết, việc này là bình thường, các cơ quan đánh giá phụ thuộc vào hệ thống đưa ra thông tin nhanh, sau đó có thể hiệu chỉnh cho phù hợp.

Thông thường nước sở tại sẽ có hệ thống quan trắc địa phương tốt nhất và sẽ đánh giá chính xác nhất.

Về dự báo động đất có độ lớn 7.3 tại Myanmar mà vẫn thuộc cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0 - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết, đây là thông tin cảnh báo cho Việt Nam, vì động đất ở xa Việt Nam nên rủi ro thấp, ở khu vực tâm chấn thì cấp độ rủi ro sẽ khác.

Bản đồ tâm chấn trận động đất.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. 

Cùng với đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh hiện tượng này, đồng thời, thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.

Hiện, Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh nhận định, theo quy luật, sau các trận động đất mạnh thường xảy ra liên tiếp các dư chấn.

Như Công dân và Khuyến học đã thông tin, trận động đất ở Myanmar khiến nhiều địa phương tại Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng trải qua một cơn rung lắc dữ dội vào khoảng trưa ngày 28/3/2025.

Theo đó, mặc dù cách tâm chấn động đất hơn 1.000 km, người dân sống tại chung cư cao tầng tại nhiều quận ở Hà Nội như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm ghi nhận đồ vật rung lắc trong hơn 10 giây.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân viên ở tòa nhà cao tầng cảm nhận rung lắc vào khoảng 13 giờ 30. Đèn trần, các vật dụng trong căn hộ cao tầng chao đảo, hồ bơi nước sóng sánh ra ngoài.

Nhân viên văn phòng và cư dân các toà nhà cao tầng tại 2 đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ngay lập tức cập nhật trên mạng xã hội tình hình rung lắc tại các toà nhà cao tầng. Nhiều người chạy khỏi các toà nhà, và cho biết cơn địa chấn kéo dài khoảng 1 phút.

Theo quy định về phân loại động đất, thì động đất có độ lớn từ 7.0-7.9 loại động đất lớn, gây hư hại nhiều hoặc tất cả các công trình xây dựng trên nhiều vùng. Một số công trình bị sụp đổ một phần hoặc sụp đổ hoàn toàn hoặc bị hư hại nghiêm trọng. Các công trình được thiết kế tốt cũng chắc chắn bị hư hại. Cảm nhận được động đất trên những vùng rất rộng lớn. Ngưỡng thiệt hại về người thường giữa 0 và 250 người.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dong-dat-tai-myanmar-it-co-kha-nang-gay-thiet-hai-doi-voi-viet-nam-179250328165234344.htm