Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Số người chết tiếp tục tăng, người sống sót phải vật lộn để duy trì cuộc sống
Lực lượng cứu hộ đã đưa thêm nhiều người sống sót ra khỏi đống đổ nát của trận động đất thế kỷ ngày 6/2 tàn phá nhiều vùng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, bất chấp cơ hội tìm kiếm người sống sót sau trận động đất đang nhanh chóng khép lại. Trong khi đó, những người còn sống vẫn đang phải vật lộn để duy trì cuộc sống.
Số người chết bởi động đất tiếp tục tăng
Theo hãng tin AP, Cơ quan quản lý thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ đã cập nhật số người chết trong trận động đất mạnh ngày 6/2 tại đây lên 38.044 người, nâng tổng số người thiệt mạng do trận động đất này ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lên 41.732 người.
Trong khi đó, hãng tin Reuters lại cho biết, tính đến ngày 17/2, thảm họa động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 43.000 người, khiến hàng triệu người mất nhà cửa và cần có một nỗ lực cứu trợ khổng lồ.
Số người chết chắc chắn sẽ tăng thêm khi các đội tìm kiếm đưa được nhiều thi thể nạn nhân hơn ra khỏi các đống đổ nát sau trận động đất thế kỷ.
Trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã trở thành thảm họa chết chóc nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử hiện đại. Ngân hàng JPMorgan của Mỹ ước tính thiệt hại về cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng 25 tỷ USD, tương đương 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Thêm nhiều người sống sót được cứu
Theo AP, hơn 10 ngày sau khi trận động đất mạnh xảy ra, lực lượng cứu hộ trong đêm đã kéo được một đứa trẻ, một phụ nữ và hai người đàn ông còn sống ra khỏi đống đổ nát.
Các cuộc giải cứu mới nhất diễn ra khi các đội cứu hộ cứu nạn bắt đầu dọn dẹp các mảnh vỡ ở các thành phố bị tàn phá bởi trận động đất.
Hãng thông tấn tư nhân DHA đưa tin vào cuối ngày 16/2: Neslihan Kilic, bà mẹ hai con 29 tuổi đã được đưa ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ kỳ sau khi bị mắc kẹt trong 258 giờ sau trận động đất.
Tại Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ, đội cứu hộ của cảnh sát cũng đã tìm thấy Osman, 12 tuổi còn sống sau khi đưa 17 thi thể ra khỏi một tòa nhà bị sập.
Những người mất nhà cửa trong trận động đất kinh hoàng xếp hàng để nhận đồ cứu trợ tại một trại tạm, ở thành phố Iskenderun, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/2. Hàng trăm nghìn người đang tìm nơi trú ẩn sau trận động đất thế kỷ ngày 6/2. Ảnh: AP
Vật lộn để duy trì cuộc sống sau thảm họa
Gần 2 tuần sau trận động đất lớn san bằng hàng chục nghìn tòa nhà và khiến hàng triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria phải sơ tán, nhiều người vẫn đang phải vật lộn để duy trì những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Trong khi đó, một số người sống sót sau trận động đất đang phải ngủ trong lều, nhà máy, các toa tàu và nhà kính. Nhiều nơi không có nước nóng trong khi thời tiết lạnh giá khắc nghiệt bao trùm vùng thảm họa.
Tại các ngôi làng miền núi của tỉnh Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, người dân địa phương đang phải vật lộn để giữ ấm cơ thể trong những đêm lạnh giá.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và hàng chục nhóm viện trợ đã phát động một nỗ lực cứu trợ lớn. Hơn 5.400 container vận chuyển hàng hóa đã được triển khai làm nơi trú ẩn và hơn 200.000 lều được đưa đến cho người dân.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải đối mặt với một thảm họa lớn. Chính phủ nước này cho biết: Ít nhất 56.000 tòa nhà, bao gồm hơn 225.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc không thể sử dụng được bởi trận động đất ngày 6/2.
Chưa có con số chính thức về số người phải di dời ở Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực xảy ra thảm họa - vốn là nơi sinh sống của khoảng 14 triệu người, tương đương 16% dân số cả nước.
Cần tăng gấp 3 lần số tiền cứu trợ
Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ước tính cần tới khoảng 702 triệu USD để hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng trong trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Con số này tăng gấp 3 lần so với ước tính mà 2 cơ quan này đưa ra vào tuần trước.
Trong chuyến thị sát tới khu vực bị ảnh hưởng tại 2 nước, Tổng Thư ký Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Jagan Chapagain cho biết: Hậu quả của trận động đất có độ lớn 7,8 độ Richter ngày 6/2 đang nhanh chóng gia tăng với cấp số nhân. Tình hình thực tế đòi hỏi công tác cứu trợ được triển khai khẩn cấp đến từng phút.
Tổng Thư ký Jagan Chapagain nhận định thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời đối với những nạn nhân sống sót sau thảm họa.
Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hơn 5.000 nhân viên và tình nguyện viên tới khu vực bị nạn, phân phát hơn 31 triệu bữa ăn cho những người dân đang phải ở ngoài trời và trong những khu tạm trú khẩn cấp.
Tại Syria, khoảng 4.000 tình nguyện viên và nhân viên đã được cử đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp cận 365.000 người.
Tuy nhiên, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nhấn mạnh, về lâu dài cần có sự hỗ trợ và đoàn kết toàn cầu để cung cấp cứu trợ nhân đạo trong nhiều tháng và nhiều năm tới cho các nạn nhân của trận động đất.
Trước đó, ngày 16/2, Liên hợp quốc đã kêu gọi viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ 1 tỷ USD để giúp đỡ trên 5 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất kinh hoàng hồi tuần trước tại nước này.
Khoản viện trợ này dự kiến được phân bổ làm 3 giai đoạn và sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức cứu trợ khẩn trương triển khai các hoạt động giúp đỡ khắc phục hậu quả trận động đất lớn nhất trong vòng 1 thế kỷ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Gói hỗ trợ sẽ tập trung vào đảm bảo an ninh lương thực, an toàn của người dân, giáo dục, nước uống và nơi ở.
Ngày 17/2, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) thông báo cơ quan này đang mở rộng các hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hai nước bị tàn phá nặng nề trong trận động đất vừa qua.
Các hoạt động chính của FAO ở cả hai quốc gia sẽ tập trung vào cung cấp đầu vào nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, hạt giống, cây giống, phân bón, nhiên liệu, công cụ, thiết bị), chăm sóc thú y (điều trị và tiêm phòng cho gia súc) và hỗ trợ tiền mặt vô điều kiện cho những người nông dân bị ảnh hưởng trong vòng 1-3 tháng để đảm bảo duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất lương thực cơ bản.
Trước mắt, theo yêu cầu khẩn cấp từ Syria gửi Liên hợp quốc, FAO đề nghị tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này dành 10 triệu USD để hỗ trợ 300.000 nông dân nước này nhanh chóng khôi phục hoạt động chăn nuôi cũng như đảm bảo vụ Hè.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, FAO cũng tìm kiếm khoản viện trợ 25 triệu USD để hỗ trợ cho khoảng 900.000 người nông dân tại 10 tỉnh chịu ảnh hưởng bởi trận động đất.