Đổi mới môn Ngữ văn nhìn từ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông
Với cách ra đề như hiện nay, phương pháp cũ và sử dụng ngữ liệu cũ, được ôn thi quá nhiều, rất khó tránh được văn mẫu. Nhìn tổng thể đề Ngữ văn 2 cuộc thi năm nay không có nhiều yếu tố mới và cũng không tạo được "đất" cho học sinh phát triển "năng lực" của mình.
Đầu năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH vào ngày 21/7/2022 nhằm hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Lúc đó, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đã nhận được sự đồng tình của dư luận vì nhiều người cho rằng với hướng dẫn mới này sẽ khắc phục được tình trạng văn mẫu, bài mẫu đã tồn tại hàng chục năm qua ở các trường phổ thông.
Tuy nhiên, sau khi ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH chưa lâu, đến ngày 22/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023. Trong đó, yêu cầu đối với môn Ngữ văn thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT nhưng chỉ khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12.
Vì thế, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương vừa qua, chỉ có một số rất ít địa phương dám mạnh dạn đổi mới trong việc ra đề thi Ngữ văn, còn lại chủ yếu vẫn là cấu trúc cũ, ngữ liệu cũ trong sách giáo khoa. Ngay cả đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 năm nay cấu trúc, ngữ liệu, cách đặt câu hỏi đề thi môn Ngữ văn cũng không có gì mới so với những năm gần đây.
Cấu trúc đề thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông quá quen, quá dễ đoán
Thực ra, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi môn Ngữ văn theo đúng hướng dẫn Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 sẽ khiến cho nhiều giáo viên và học sinh lúng túng, bị động vì xuyên suốt cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì thầy và trò đã quen với cấu trúc, hình thức đề kiểm tra, đề thi cũ.
Tuy nhiên, nhìn vào đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 này, nhiều người vẫn cảm nhận thấy việc đổi mới môn Ngữ văn vẫn còn khá chậm trễ. Tình trạng đoán đề, tủ đề và văn mẫu vẫn có thể được vận dụng trong quá trình ôn tập và làm bài thi vì mọi thứ đã trở nên quen thuộc.
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn năm nay, nhiều câu hỏi cho học sinh lớp 12 nhưng học sinh lớp 6 vẫn có thể làm được.
Đó là: câu 1 yêu cầu "xác định thể thơ của đoạn trích" thì học sinh chỉ vận dụng cách đơn giản nhất là đếm từ trong các câu thơ. Khi mà các câu thơ có số từ khác nhau thì đương nhiên là thể thơ tự do rồi. Hàng chục năm qua học chương trình 2006, học sinh đã được yêu cầu "tập làm thơ" từ lớp 6 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng vậy. Cách xác định thể thơ cực dễ dàng với học sinh trung học cơ sở chứ chưa nói là học sinh phổ thông.
Sang câu hỏi 2, đề yêu cầu "chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè" trong 3 câu thơ cho sẵn thực ra quá dễ dàng với học sinh lớp 12 vì 3 câu thơ này có 21 chữ. Học sinh trung học phổ thông đương nhiên biết từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông đã cho sẵn trong ngữ liệu cụ thể.
Đến câu hỏi 3, đề yêu cầu "nêu tác dụng biện pháp tu từ so sánh" trong 4 câu thơ đã cho sẵn. Thực ra, biện pháp tu từ, từ để so sánh thì học sinh đã học từ cấp tiểu học, lên đến lớp 6 lại học kĩ về đơn vị kiến thức này. Lớp 9 lại ôn lại một lần nữa và trong quá trình phân tích thơ thì gần như bài thơ nào cũng có biện pháp tu từ so sánh nên thầy cô và các em đã quá quen thuộc. Hơn nữa, lệnh đề thi đã yêu cầu "phép tu từ so sánh" thì học sinh dễ dàng tìm ra từ "như" để so sánh các phương tiện so sánh với nhau.
Ngay cả phần làm văn, câu 5,0 điểm cũng khá nhẹ nhàng. Tên tác phẩm, tên tác giả đã được cung cấp cụ thể ngay ở dòng đầu tiên. Khi phân tích thì ngữ liệu đã có sẵn và chỉ yêu cầu nghị luận một đoạn ngữ liệu ngắn trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Cũng đề này, cũng đoạn ngữ liệu này, vấn đề nghị luận yêu cầu tương tự hiện nay trên mạng internet không hiếm và những giáo viên ôn thi lớp 12 có lẽ cũng quá quen thuộc và đã từng cho học sinh làm thử.
Bởi vậy, cấu trúc, hình thức, nội dung đề thi môn Ngữ văn năm nay quen thuộc, đúng yêu cầu nội dung kiến thức nhưng không mới và học sinh dễ dàng đạt điểm trung bình đến mức điểm khá trở lên - nếu học sinh lớp 12 chỉ tập trung chú ý một chút trong quá trình ôn luyện.
Chưa có những thay đổi lớn trong đề thi môn Ngữ văn
Cùng với việc ra đời của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông mà Bộ ban hành vào ngày 21/7/2022 thì những năm qua, bộ phận chuyên môn cũng nói nhiều đến việc đổi mới trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá môn học này.
Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tế vẫn đang còn rất xa nhau. Lãnh đạo ngành, bộ phận chuyên môn của các cấp nói nhiều đến việc dạy "phát triển phẩm chất, năng lực" cho học sinh từ nhiều năm qua nhưng rõ ràng đề Ngữ văn năm nay vẫn chủ yếu là tái hiện kiến thức đã học và học sinh vẫn có thể sử dụng được văn mẫu - nếu các em có thói quen học văn mẫu. Và thực tế, với đề bài này, nhất là câu 2 của phần làm văn thì học sinh học dễ dàng sử dụng văn mẫu vẫn có thể đạt được điểm cao.
Có lẽ vì vậy mà ngày 21/7/2022, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH yêu cầu:"Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".
Thế nhưng, chỉ trong vòng 1 tháng sau thì Bộ lại ban hành Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH và hướng dẫn: "việc đánh giá môn Ngữ văn theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12" mà thôi.
Rõ ràng, việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông những năm qua còn manh mún, chậm chạp, chưa có những đột phá rõ ràng như kỳ vọng.