Đổi mới giáo dục - góc nhìn từ thực tiễn giảng dạy và quản lý
Việc đổi mới giáo dục cần sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành và sự chung tay, đồng thuận của toàn xã hội, hướng tới xây dựng một nền giáo dục thực sự đáp ứng yêu cầu của hiện tại và tương lai.
Qua thực tiễn nhiều năm giảng dạy và quản lý tại các cơ sở giáo dục, tác giả bài viết nêu ra một số vấn đề nổi bật, cần quan tâm trong đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra và tổ chức các kỳ thi, … đồng thời chia sẻ quan điểm, đề xuất giải pháp nhằm đóng góp thêm một góc nhìn nhỏ để các nhà quản lý và đồng nghiệp cùng tham khảo, xây dựng những giải pháp thiết thực, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.
Đổi mới chương trình sách giáo khoa: Cần thống nhất chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu
Mục tiêu “chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang giáo dục nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất người học” là một định hướng quan trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra, phản ánh xu hướng đổi mới giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển toàn diện. Các chương trình học của các khối lớp đều thể hiện được các mục tiêu phải đạt về kiến thức, năng lực và phẩm chất đối với học sinh.
Việc biên soạn sách giáo khoa hiện nay rất mở, rất đa dạng và phong phú. Song, sự đa dạng đó cũng gây ra không ít những khó khăn, lúng túng cho các cơ sở giáo dục và giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa, đặc biệt là xác định các yêu cầu tối thiểu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cụ thể trong từng bài giảng.
Sách giáo khoa được biên soạn theo cấu trúc và nội dung tổng hợp bao gồm cả kiến thức kỹ năng và cả phương pháp dạy học nên không rõ chuẩn về kiến thức tối thiểu phải đạt và năng lực phẩm chất cần nâng cao. Một số bộ sách vẫn còn tranh cãi về chuẩn kiến thức. Nội dung phương pháp dạy học cũng có nhiều ý kiến khác biệt về tính phù hợp với điều kiện vùng miền, trường học và đối tượng học sinh khác nhau. Phương pháp dạy ở mỗi nhà trường theo một loại sách giáo khoa cũng làm giảm khả năng sáng tạo của giáo viên.
Một đề xuất rất đáng được quan tâm là Bộ Giáo dục có thể cân nhắc biên soạn một bộ sách giáo khoa thống nhất, thể hiện rõ chuẩn kiến thức tối thiểu phải đạt và các chuẩn về năng lực, phẩm chất cần nâng cao. Về phương pháp dạy học thì biên soạn riêng và biên soạn thật nhiều loại sách để giáo viên tham khảo và vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở giáo dục.
Như vậy, nội dung sách giáo khoa vừa đạt được những quy chuẩn tối thiểu về kiến thức kỹ năng, phẩm chất; đồng thời không hạn chế việc nâng cao đối với các trường, lớp có nhu cầu, có điều kiện như các trường chuyên, lớp chọn, trường ở các vùng đô thị… Cùng với đó là hệ thống sách về phương pháp dạy học và phương pháp học tập riêng. Đây là những bộ sách rất quan trọng giúp các các cơ sở giáo dục và giáo viên tiếp cận, học hỏi để vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp nhất trong việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất học sinh, nâng cao hiệu quả giáo dục. Đối với các sách này thì cần có sự đa dạng, bao gồm cả sự tham gia biên soạn của các nhà khoa học, nhà giáo trong và ngoài nước theo một quy chuẩn chung.
Điểm quan trọng nữa là khi biên soạn sách giáo khoa cần có sự đóng góp ý kiến của cộng đồng xã hội, đảm bảo rằng bộ sách thực sự phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu phát triển giáo dục bền vững. Sách giáo khoa cũng cần có sự điều chỉnh bổ sung thường xuyên cho phù hợp với xu thế và thực tiễn, có thể sau vài ba năm điều chỉnh lại một lần. Điều này không chỉ nâng cao tính khả thi của bộ sách giáo khoa mà còn tăng cường tính cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội đối với quá trình đổi mới giáo dục và vẫn đảm bảo được xu thế đổi mới thường xuyên, phù hợp với thực tiễn.
Đổi mới phương pháp dạy học: Cần nắm rõ bản chất cốt lõi
Trong những năm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông vừa qua, đội ngũ giáo viên đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong việc chú trọng nâng cao năng lực và phẩm chất cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số khó khăn trong việc triển khai các phương pháp dạy học mới tại các cơ sở giáo dục.
Không ít giáo viên vẫn mơ hồ, lúng túng, thậm chí còn ngại, sợ, không dám mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học. Việc tổ chức dạy học trên lớp cũng còn khá nhiều bất cập, vẫn chủ yếu là truyền đạt kiến thức. Việc tổ chức cho học sinh hoạt động và sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học tuy nhiều nhưng lại chưa hiệu quả trong việc hình thành kiến thức kỹ năng và phẩm chất, chưa phát huy được vai trò chủ động của học sinh.
Nguyên nhân chủ yếu là do giáo viên chưa nhận thức rõ về bản chất của phương pháp dạy học mới. Nhiều giáo viên vẫn cho rằng phương pháp mới khó thực hiện và phụ thuộc nhiều vào thiết bị, đồ dùng giảng dạy. Tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng tuy nhiều nhưng việc tiếp cận của giáo viên còn hạn chế nên không nắm được bản chất cốt lõi về đổi mới phương pháp dạy học.
Thực chất việc đổi mới phương pháp dạy học là sự thay đổi mang tính đảo ngược với phương pháp dạy học truyền thống trước đây. Nếu phương pháp dạy học trước đây chủ yếu do giáo viên truyền thụ, học sinh tiếp thu kiến thức thì với phương pháp dạy học mới, giáo viên sẽ tập trung vào công tác tổ chức, hướng dẫn cho học sinh hoạt động. Nếu trong dạy học truyền thống, kiến thức, năng lực, phẩm chất của học sinh được hình thành chủ yếu qua việc truyền đạt của giáo viên thì trong dạy học mới sẽ được hình thành chủ yếu qua hoạt động của học sinh. Từ đó giúp học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng và cũng chính từ việc tự thực hiện các hoạt động một cách tích cực mà năng lực phẩm chất của học sinh được nâng cao, đem lại hiệu quả giáo dục tốt hơn.
Bản chất cốt lõi của phương pháp dạy học mới là học sinh được chủ động và tích cực hoạt động, đọc, học, nghiên cứu, tìm tòi, quan sát, thực hành, trải nghiệm, thảo luận để hình thành kiến thức, kỹ năng. Cơ sở để cho học sinh hoạt động là tài liệu, thiết bị đồ dùng và các mô hình có trong thực tiễn.
Các mô hình dạy học đổi mới như: phương pháp “Dạy học thực nghiệm”, “Bàn tay nặn bột” trước đây và phương pháp “Giáo dục STEM”, “Dạy học trải nghiệm” hiện nay đều là những phương pháp rất tích cực, thể hiện bản chất cốt lõi trong đổi mới dạy học. Khi nắm rõ điều này, giáo viên sẽ dễ dàng vận dụng vào các bài dạy của mình một cách linh hoạt, sáng tạo. Nếu có đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học thì việc tổ chức sẽ rất thuận lợi, nhưng ngay cả khi chưa có đủ điều kiện, giáo viên vẫn có thể tổ chức cho học sinh tự đọc, tự tìm tòi trong tài liệu hoặc thông qua trải nghiệm thực tế và thảo luận để đạt được hiệu quả cao.
Trong quá trình dạy học đổi mới, mặc dù vai trò chính của giáo viên là hướng dẫn và tổ chức hoạt động học tập, nhưng vẫn cần chú trọng đến mục tiêu giúp học sinh đạt được các chuẩn kiến thức và kỹ năng cơ bản. Thực tế hiện nay, nhiều học sinh tham gia rất nhiều hoạt động, nhưng sau mỗi bài học và khi kết thúc năm học lại không nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản. Do đó, để đạt được kết quả tích cực, giáo viên cần chỉ rõ mục tiêu khi tổ chức cho học sinh hoạt động. Sau các hoạt động, giáo viên cần hoàn thiện khắc sâu và yêu cầu học sinh ghi nhớ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để đảm bảo hiệu quả thực sự trong việc học tập của học sinh.
Quá trình đổi mới phương pháp dạy học hiện nay cũng đang gặp phải một khó khăn lớn cần được quan tâm tháo gỡ, đó là chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn tích hợp, liên môn. Phần lớn cán bộ quản lý và giáo viên dạy liên môn đều phản ánh rằng việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn, chất lượng còn hạn chế do giáo viên chỉ được đào tạo chuyên sâu về một môn học, nay phải dạy cả các môn học khác. Vì vậy, cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên liên môn ngay từ trong các trường sư phạm.
Đổi mới công tác kiểm tra và tổ chức các kỳ thi: Cần cân bằng giữa chất lượng và động lực học tập
Việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá và tổ chức các kỳ thi trong thời gian qua đã mang lại nhiều thay đổi tích cực, hướng tới việc giảm áp lực cho học sinh và hạn chế tình trạng chạy theo thành tích. Tuy nhiên, nếu thực hiện thái quá, có thể làm mất đi động lực thi đua và phấn đấu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Vì vậy, quá trình học tập và rèn luyện của học sinh vẫn cần được giám sát chặt chẽ thông qua việc tăng cường kiểm tra và đánh giá xếp loại cụ thể. Đồng thời, các hình thức kỷ luật phù hợp cũng cần được duy trì trong nhà trường.
Việc không tổ chức các kỳ thi sát hạch chung sau cấp học có thể khiến các trường giảm chú trọng tới chất lượng thực chất, giáo viên ít quan tâm đến hiệu quả giảng dạy, còn học sinh thiếu động lực học tập hoặc chỉ tập trung vào các môn học liên quan đến kỳ thi chuyển cấp. Hiện nay, tại nhiều trường trung học cơ sở, sự chú trọng chủ yếu dành cho các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, do liên quan trực tiếp đến thi vào trung học phổ thông.
Do đó, việc điều chỉnh trong tổ chức các kỳ thi là cần thiết. Đối với bậc trung học cơ sở, nên tổ chức một kỳ thi cuối cấp ở cấp địa phương (cấp tỉnh), bao gồm cả các môn tổ hợp tự nhiên và xã hội, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Kết quả của kỳ thi này có thể được sử dụng để xét tuyển vào trung học phổ thông mà không cần tổ chức thêm kỳ thi tuyển sinh riêng. Riêng đối với các trường trung học phổ thông chuyên, việc duy trì kỳ thi tuyển riêng như hiện nay là hợp lý.
Dạy thêm ngoài nhà trường: Lợi ích, hạn chế và hướng đi tích cực
Việc dạy thêm ngoài nhà trường lâu nay luôn là một vấn đề phức tạp, đặc biệt phổ biến tại các thành phố và đô thị lớn. Xét ở khía cạnh tích cực, việc giáo viên giỏi mong muốn dạy thêm và phụ huynh mong muốn con em mình được học thêm là điều đáng hoan nghênh, cần được tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, khi hoạt động dạy thêm bị lợi dụng vì mục đích vụ lợi hoặc diễn ra một cách thiếu minh bạch, nó trở thành vấn đề tiêu cực, cần phải ngăn chặn.
Thực tế cho thấy, một số giáo viên hiện nay tìm cách gây áp lực hoặc lôi kéo học sinh tham gia học thêm, thậm chí từ cấp tiểu học. Nhiều trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà hoặc trung tâm nhưng học sinh đi học thêm chủ yếu là học sinh trên lớp của giáo viên đó. Học phí học thêm nhiều nơi thu rất cao, và có giáo viên tổ chức dạy tới 4, 5 ca trong một ngày. Tâm lý phổ biến của phụ huynh là lo ngại việc không cho con tham gia học thêm với giáo viên trên lớp sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Để giải quyết vấn đề này, cần có một giải pháp đột phá nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế tiêu cực của việc dạy thêm. Giải pháp hiệu quả nhất là nghiêm cấm triệt để giáo viên dạy thêm cho học sinh mà họ đang trực tiếp giảng dạy trên lớp. Việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm này là khả thi nếu có sự quản lý chặt chẽ.
Khi áp dụng giải pháp này, một số ý kiến có thể cho rằng giáo viên dạy trên lớp là người hiểu rõ học sinh nhất, nên việc dạy thêm sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giáo viên giỏi vẫn có thể dạy thêm cho các học sinh ở lớp khác hoặc trong cùng khu vực. Đồng thời, phụ huynh vẫn có thể tìm những giáo viên chất lượng khác để gửi con em đến học thêm, đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc dạy thêm.
Chế độ tiền lương đối với giáo viên: Cần sự điều chỉnh công bằng
Chế độ tiền lương đối với giáo viên hiện nay tuy đã được quan tâm khá nhiều nhưng vẫn tồn tại những bất cập, bất hợp lý, điển hình là sự chênh lệch lớn giữa giáo viên có thâm niên công tác lâu năm và giáo viên mới. Mặc dù đều đứng lớp, có thời lượng công việc và trách nhiệm như nhau, nhưng mức lương của giáo viên lâu năm có thể cao gấp 3, 4 lần so với giáo viên mới, do họ có lương thâm niên cao và được tăng lương định kỳ.
Chính vì vậy, cần có sự cải cách và điều chỉnh về chế độ lương sao cho công bằng hơn. Mặc dù việc giáo viên công tác lâu năm được hưởng lương thâm niên cao là hợp lý, nhưng các giáo viên khác cũng cần được chi trả hoặc thưởng theo mức độ công việc và hiệu quả công việc hoặc theo vị trí việc làm một cách công bằng và hợp lý hơn.
Đảm bảo môi trường học tập tích cực: Cần quản lý việc sử dụng thiết bị công nghệ trong trường học
Hiện nay, việc học sinh sử dụng thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động là cần thiết bởi những lợi ích do công nghệ mang lại như dễ dàng tra cứu thông tin, tìm kiếm tài liệu, học trực tuyến, … Tuy nhiên, không ít học sinh có xu hướng sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều cho mục đích giải trí, không liên quan đến học tập.
Ngoài hậu quả lãng phí thời gian vô ích, các trò chơi điện tử, mạng xã hội, … là nguyên nhân gây xao nhãng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tập trung, thậm chí gây ảo giác, gây nghiện, tạo ra những căn bệnh về tâm lý không thể chữa khỏi trong thời gian ngắn. Hơn nữa, việc dễ dàng tiếp cận những nội dung không phù hợp trên Internet còn tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến phẩm chất đạo đức của học sinh.
Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý giáo dục cần có biện pháp kiểm soát việc sử dụng thiết bị điện tử trong trường học một cách nghiêm khắc và hợp lý. Cần có các quy định rõ ràng về việc hạn chế hoặc nghiêm cấm học sinh bậc phổ thông sử dụng điện thoại di động trong trường học nhằm duy trì một môi trường học tập lành mạnh và hiệu quả. Nếu có điều kiện, nhà trường có thể cung cấp các thiết bị điện tử hỗ trợ việc học tập khi cần thiết, đồng thời khuyến khích học sinh sử dụng công nghệ một cách có ích như tham gia các lớp học trực tuyến, tìm kiếm tài liệu, … thay vì sử dụng cho các hoạt động giải trí.
Hướng tới xã hội hóa giáo dục: Cần khuyến khích phát triển trường tư thục
Hiện nay, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là việc phát triển hệ thống các trường tư thục, đang diễn ra khá chậm và còn nhiều hạn chế. Các trường tư thục hiện nay đã có nhiều đóng góp tích cực cho ngành giáo dục và xã hội, góp phần giảm bớt tình trạng thiếu trường lớp công lập, đặc biệt ở các vùng đô thị đông dân. Các trường tư thục cũng tạo thêm cơ hội học tập cho học sinh và giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Hơn nữa, các trường tư thục còn đóng góp vào việc giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, phần lớn các trường tư thục hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, nhiều trường phải thuê đất, thuê địa điểm nên chất lượng giáo dục còn rất hạn chế. Do đó, cần có sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo. Cần có các chủ trương, chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát triển các trường tư thục, bao gồm việc ưu tiên về đất đai để xây dựng trường học và hỗ trợ ngân sách nhà nước cho các trường này theo số lượng học sinh hàng năm.
Trong tương lai lâu dài, hy vọng hệ thống trường học sẽ thay đổi theo hướng giảm tối đa chế độ bao cấp và tăng cường chế độ tự chủ. Mạng lưới các trường học sẽ chủ yếu là các trường tư thục và các trường thực hiện mô hình tự chủ toàn phần. Các trường công sẽ chuyển sang mô hình tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính. Nhà nước sẽ chi ngân sách trực tiếp cho các cơ quan quản lý giáo dục và trực tiếp cho người dân có con em đi học với tỷ lệ ưu tiên hơn và ngày càng cao hơn.
Thực tiễn cho thấy, quá trình đổi mới giáo dục còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và không ít bất cập phát sinh cần có giải pháp, hướng đi phù hợp. Những ý kiến và đề xuất trong bài viết chỉ là một góc nhìn nhỏ, mang tính tham khảo, tham vấn nhằm đóng góp cho sự phát triển tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/doi-moi-giao-duc-goc-nhin-tu-thuc-tien-giang-day-va-quan-ly-179241119111841148.htm