Đổi mới công nghệ và chuyển đổi số là yếu tố "sống còn" để doanh nghiệp phát triển bền vững
Ngày 2/6, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và Phát triển doanh nghiệp thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Diễn đàn Phát triển kinh tế năm 2023 với chủ đề "Đổi mới công nghệ, Chuyển đổi số, Bảo vệ tài nguyên và môi trường".
Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số doanh nghiệp để tiết kiệm tài nguyên
Diễn đàn Phát triển kinh tế năm 2023 là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm tài nguyên; chung tay xây dựng một môi trường sống xanh, một thị trường sạch, an toàn và bền vững trong tương lai.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, doanh nghiệp là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nguồn thu này tăng nhanh trong những năm qua là điều kiện để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các hoạt động xã hội công (y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo,...).
Trong thời gian qua, các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đảng và Nhà nước đã chủ động chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời, nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, duy trì tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động; giảm đáng kể áp lực chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Mặc dù vậy, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường. Cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột quân sự Nga - Ukraine có thể kéo dài; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia có khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn; giá xăng dầu, nhiên liệu, nguyên vật liệu còn ở mức cao;...
Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Cùng với đó, các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26); vấn đề thuế carbon, công cụ kiểm chứng carbon được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới... đang đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh này, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số là yếu tố "sống còn" giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan trọng hơn cả, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số sẽ góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, hướng tới một mục tiêu rất quan trọng đó là phát triển bền vững.
Thông qua diễn đàn, ông Phan Xuân Dũng kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhau chia sẻ, thảo luận để thúc đẩy các cơ chế, chính sách khuyến khích được doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhằm đổi mới công nghệ, quan tâm và thực hiện có hiệu quả chuyển đối số trong doanh nghiệp, đồng thời cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Doanh nghiệp phải tiên phong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để bảo vệ môi trường
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận để thúc đẩy các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhằm đổi mới công nghệ, quan tâm và thực hiện có hiệu quả chuyển đối số trong doanh nghiệp, đồng thời cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Theo VGP, phát biểu tại Diễn đàn, Tiến sĩ Lê Công Lương - Trưởng Ban Khoa học, công nghệ và Môi trường (VUSTA) nhấn mạnh, cần có sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và mỗi người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Bởi nếu không chú ý đến môi trường, cho dù tăng trưởng bao nhiêu thì hậu quả của sự tàn phá môi trường để lại có chi phí khắc phục thậm chí còn tốn kém hơn.
Bên cạnh công tác tuyên truyền về pháp luật, tăng cường giám sát, xử phạt vi phạm về môi trường, các doanh nghiệp phải thực sự tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, cần loại bỏ những công nghệ lạc hậu, gây hậu quả về môi trường, sức khỏe.
Theo ông Đỗ Ngọc Minh - chuyên gia công nghệ, Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số với những trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Để xây dựng những trụ cột đó, các công nghệ dẫn dắt như: trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, Big Data, Internet vạn vật (IoT)… được ưu tiên phát triển. Một công nghệ khi bắt đầu hình thành và phát triển luôn cần bảo đảm yếu tố hướng đến người dùng, sự thuận tiện, thân thiện môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững.