Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở huyện miền núi Bình Liêu
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/HU về phát triển Giáo dục đào tạo của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện ngành này.
Theo đó, cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/HU ngày 16/7/2021 về phát triển Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Có thể nói, đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong tình hình mới.
Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Liêu, Nghị quyết 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện được cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở xác định là nhiệm vụ trọng tâm và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, gắn với các chủ trương, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của huyện và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương, của ngành giáo dục. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện 4 khâu đột phá là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; nâng cao chất lượng đầu vào các cấp học, nhất là chất lượng đầu vào lớp 10 Trung học phổ thông; quan tâm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh; tập trung bồi dưỡng học sinh mũi nhọn, học sinh năng khiếu.
Bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, các chi, đảng bộ cơ sở, nhất là đảng bộ các xã, thị trấn quan tâm phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn trong việc duy trì sĩ số lớp học, nhất là duy trì tốt việc đưa học sinh lớp 4, lớp 5 ở các điểm trường lẻ về học tập trung tại điểm trường chính theo mô hình bán trú. Đồng thời, triển khai hiệu quả mô hình trường, lớp chất lượng cao tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Bình Liêu.
Chỉ đạo bám sát thực tế giáo dục đào tạo của địa phương
Cùng với đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng tập trung đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học của học sinh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và giáo dục thông minh. Trong đó, tập trung phát triển các chủ đề dạy học, giáo dục gắn với đặc thù kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương để tiếp tục thực hiện việc chuyển giáo dục từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, trong 2 năm qua huyện Bình Liêu còn chỉ đạo tăng cường thành lập và duy trì sinh hoạt các Câu lạc bộ văn nghệ dân gian, dạy đàn tính - hát then, giáo dục vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình, thôn, bản, khu dân cư văn minh cho học sinh, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Công tác bồi dưỡng đội ngũ cũng được quan tâm thực hiện. Huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện rà soát, nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên, nhân viên chưa đạt chuẩn trên địa bàn theo Luật Giáo dục 2019. Hiện nay, toàn ngành giáo dục huyện có 27 giáo viên, nhân viên đang theo học nâng chuẩn trình độ đào tạo. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng hè nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên cốt cán mầm non, phổ thông của huyện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/HU, đến nay chất lượng Giáo dục và Đào tạo của Bình Liêu đã có sự chuyển biến tích cực ở tất cả các cấp học theo định hướng đánh giá đúng năng lực, phẩm chất người học. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có gần 88% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn; 100% cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, lý luận chính trị; chất lượng giáo dục các cấp học năm học sau tăng so với năm học trước. Các trường học trên địa bàn có đủ lớp học đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và nhu cầu nội trú, bán trú của học sinh.
Đến năm 2022, Bình Liêu đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 luôn duy trì trên 99%, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học luôn duy trì trên 95%. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố, duy trì bền vững và nâng cao chất lượng. Cũng trong năm 2022, huyện đã đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2 với 100% xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Có 23/24 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia, chiếm trên 95%, trong đó có 5 trường đạt chuẩn mức độ 2, chiếm trên 20%.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-o-huyen-mien-nui-binh-lieu-179231206111028413.htm