Đoàn kết quốc tế, chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển thịnh vượng của nhân loại
Chiều ngày 2/12 (giờ địa phương), tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu nhân dịp Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP28).
Thủ tướng đề xuất 3 định hướng hợp tác trong G77 để ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu - thách thức không biên giới này, trong năm 2023 đã vượt mọi dự báo và kịch bản ứng phó. Kỷ lục về mức nhiệt trung bình toàn cầu bị phá vỡ. Biến đổi khí hậu đang khiến các nước G77 ngày càng gặp nhiều thách thức trên chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Nhằm giảm thiểu dấu chân "carbon" trên con đường phát triển, đồng thời thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 3 định hướng hợp tác trong G77 như sau:
Thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu là thách thức không có đường biên giới nên chỉ có thể ứng phó thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương, bảo đảm không ai hay nước nào bị bỏ lại phía sau. Đây là một quá trình lâu dài, cần có lộ trình, ưu tiên, bước đi phù hợp, hiệu quả; cần trách nhiệm chung nhưng tính tới điều kiện khác biệt giữa các nước; cần bảo đảm công bằng, hợp lý giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu, giữa nhu cầu phát triển và chuyển đổi xanh.
Thứ hai, cần đưa nội hàm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong G77. Đây là giải pháp đột phá, căn cốt, dẫn dắt quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ nâu sang xanh, tuần hoàn, bền vững. Các nước G77 cần phối hợp với các nước phát triển thiết lập các cơ chế hợp tác bao trùm, toàn diện, bảo đảm sự tham gia hiệu quả của tất cả các bên, phối hợp nhịp nhàng trong phát triển và ứng dụng công nghệ cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Các nước phát triển, với ưu thế về vốn và công nghệ, cần đi đầu sáng chế các sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường. Các nước đang phát triển, với thế mạnh về quy mô thị trường, lao động, tài nguyên đa dạng cần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng xanh, nhân rộng quá trình chuyển các mô hình, sản phẩm, năng lượng… từ nâu sang xanh và bền vững.
Thứ ba, thúc đẩy tài chính ưu đãi cho khí hậu để làm đòn bẩy, giúp mở khóa các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Các nước phát triển cần đi đầu thực hiện các cam kết tài chính cho khí hậu, trong đó có mục tiêu huy động 100 tỷ USD, tăng gấp đôi tài chính cho thích ứng năm 2025 cũng như đóng góp vào Quỹ Khí hậu Xanh và Quỹ Tổn thất và Thiệt hại. Với các nước G77, tài chính khí hậu cần dễ tiếp cận hơn, không làm gia tăng gánh nặng nợ công và không đánh đổi nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển khác. Việt Nam đánh giá rất cao vai trò dẫn dắt của Cuba trên cương vị Chủ tịch Nhóm G77 trong thúc đẩy các thỏa thuận chung và ủng hộ quan điểm chung của Nhóm đối với các vấn đề này.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không chỉ và không thể là nỗ lực đơn lẻ của một quốc gia mà đòi hỏi sự chuyển biến về nhận thức, tư duy, cách làm, nhất là sự xây dựng chính sách và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của mọi chủ thể. Trong nỗ lực chung đó, Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ, quyết tâm đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết đó đã được cụ thể hóa bằng các hành động quyết liệt với các quy hoạch, chiến lược và các nhiệm vụ tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, xây dựng thể chế và đào tạo nguồn nhân lực, quản lý thông minh…
Thủ tướng cũng khẳng định, là 1 trong 3 quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hình mẫu về quan hệ đối tác Bắc - Nam trong chuyển đổi năng lượng, cũng như thúc đẩy các cơ chế hợp tác Nam - Nam và 3 bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu với các nước G77.
Tăng cường đoàn kết, hành động quyết liệt vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại
Trước đó, trưa ngày 2/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP28).
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lo ngại trước các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, hệ thống khí hậu gần đến giới hạn đỏ, trong khi khoảng cách giữa cam kết và hành động khí hậu còn xa, nguồn lực cho biến đổi khí hậu bị phân tán do sự cạnh tranh, phân tách, chiến tranh, xung đột. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phương châm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện" là chìa khóa để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định biến đổi khí hậu là vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến toàn cầu và là vấn đề của toàn dân. Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần có nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, chủ động, tích cực, thiết thực và hiệu quả hơn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý, thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh của dân tộc, kết hợp với đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định; hợp tác, đoàn kết quốc tế là quan trọng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề cao chủ nghĩa đa phương, cho rằng cần lấy người dân, lợi ích chung toàn cầu là trung tâm, chủ thể, không để bất cứ quốc gia nào, người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ cần đa dạng hóa huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp công và tư, trong và ngoài, song phương và đa phương và các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là nguồn lực tư nhân.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển và chậm phát triển, nhất là về vốn, công nghệ, quản trị, thể chế; ngược lại, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển phải nỗ lực hơn nữa với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính mình.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề cao công bằng, công lý khí hậu và nhấn mạnh cần bảo đảm tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm khả năng tiếp cận năng lượng sạch cho mọi doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kể từ Hội nghị COP26 đến nay, với trách nhiệm đối với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai toàn diện hàng loạt biện pháp theo 3 nhóm giải pháp:
Thứ nhất là về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện như ban hành Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch Điện VIII, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo.
Thứ hai là thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), thành lập Ban Thư ký và công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thứ ba là về xây dựng thể chế, như việc xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo, cũng như đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng quốc tế tăng cường đoàn kết, nỗ lực, hành động quyết liệt, hiệu quả và cố gắng hơn nữa vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại, sự mát lành của Trái Đất và vì hạnh phúc, ấm no của mọi người dân trên thế giới.
Lãnh đạo cấp cao nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12/2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự sự kiện quan trọng này.
Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP28 gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế, tầm vóc của Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực và quốc tế; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.