Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Sáng ngày 14/6, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ Ba về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, xin ý kiến sơ bộ lãnh đạo Quốc hội trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2023.
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, dự và chỉ đạo Phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Tham dự hội nghị còn có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kiểm toán nhà nước…
Một trong bốn chuyên đề giám sát năm 2023 của Quốc hội
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" là một trong bốn chuyên đề giám sát năm 2023 của Quốc hội, là một trong hai chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, Đoàn giám sát chuyên đề giám sát Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2023.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Đoàn giám sát đã thực hiện kế hoạch giám sát công phu, nghiêm túc, lãnh đạo Đoàn giám sát đã chỉ đạo sát sao, cho ý kiến nhiều lần bằng văn bản. Đã có 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và 48 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố gửi báo cáo nội dung này tới Đoàn giám sát.
Khác với các đoàn giám sát khác, theo kế hoạch ban đầu có 10 chuyên đề, nhưng do yêu cầu từ thực tiễn, ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn giám sát đã bổ sung thêm 3 chuyên đề giám sát: Việc thực hiện nhiệm vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa được giao trong Nghị quyết 88; giá sách giáo khoa và vấn đề chiết khấu phát hành sách giáo khoa cơ cấu chi phí hình thành giá sách giáo khoa.
Tại Phiên họp này, Đoàn giám sát xin ý kiến sơ bộ lãnh đạo Quốc hội trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2023, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự tham gia của đại diện lãnh đạo 8 bộ, cho thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm trong chuyên đề giám sát này.
Tại Phiên họp, lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến sơ bộ về dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, bởi sản phẩm cuối cùng của hoạt động giám sát là nghị quyết giám sát, trong đó đánh giá rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các kiến nghị của Đoàn giám sát.