Điều chỉnh các môn tích hợp càng sớm càng tốt
Đổi mới giáo dục cần kiên trì nhưng cũng cần khoa học, cụ thể, không đơn thuần là đem ghép cơ học các môn học độc lập vào một sách giáo khoa rồi gọi là "tích hợp" và giao "quyền tự chủ cho nhà trường" như các năm học vừa qua.
Các môn tích hợp chỉ là ghép môn
Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở gồm có nhiều môn học được gọi là "tích hợp" đó là: Khoa học tự nhiên (Hóa học; Sinh học; Vật lí); Lịch sử và Địa lí (Lịch sử; Địa lí); Nghệ thuật (Âm nhạc; Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương (Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Giáo dục công dân; Mĩ thuật; Âm nhạc).
Nếu so về số lượng môn học thì chương trình 2018 giảm số môn hơn chương trình 2006 vì các môn Hóa học; Sinh học; Vật lý; Lịch sử; Địa lí; Âm nhạc; Mĩ thuật trước đây giờ chỉ còn lại 3 môn là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật. Nhưng, trong thực tế thì tính phức tạp nhiều hơn trước vì cơ bản các trường vẫn đang bố trí giáo viên phân môn nào dạy theo môn đó. Chỉ có chung bìa sách giáo khoa, chung đề kiểm tra định kỳ, chung điểm số 1 môn học mà thôi.
Tuy nhiên, môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí còn được "tích hợp" chung 1 cuốn sách giáo khoa, riêng môn nghệ thuật đang được tách bạch riêng lẻ giữa sách giáo khoa Âm nhạc và Mĩ thuật và bố trí dạy độc lập. Chỉ có đề định kỳ, cột điểm, nhận xét phẩm chất năng lực là chung môn… Nghệ thuật.
Các phân môn trong môn nội dung giáo dục địa phương hiện nay khá phức tạp. Trước đây, được bố trí dạy chung với môn học chính của từng môn học nên việc phân công, sắp xếp, bố trí giáo viên dạy dễ dàng và đồng nhất giữa các lớp với nhau. Chẳng hạn, môn Ngữ văn 6,7,8 mỗi năm có 140 tiết thì bố trí 132 tiết cho môn học này theo sách giáo khoa của Bộ, 8 tiết còn lại sẽ dạy văn học địa phương và chia đều cho các kỳ. Vì thế, giáo viên dạy lớp nào là có cả Ngữ văn địa phương trong "gói" chung đó.
Bây giờ, đem 6 phân môn địa phương trước đây của các môn học gộp vào môn Nội dung giáo dục địa phương, thành ra nó liên quan đến nhiều tổ chuyên môn rất rắc rối trong việc phân công, phân bổ giảng dạy, làm chung đề, chấm kiểm tra chung cho môn học này.
Trong các môn "tích hợp" môn khoa học tự nhiên là khó nhất vì nó liên quan đến 3 môn học độc lập của chương trình 2006 với rất nhiều công thức, ký hiệu, khái niệm và các dạng toán khác nhau. Giáo viên Vật lí mà đi học lại tất cả các tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh, ký hiệu, khối lượng nguyên tử, hóa trị... đã là một quá trình dài chứ chưa nói đến cân bằng phương trình, giải các bài toán. Các phân môn khác cũng vậy.
Vì thế, cho dù các địa phương có bồi dưỡng xong giáo viên theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT của Bộ ban hành ngày 21/7/2021 thì cũng khó mang lại hiệu quả. Hơn nữa, chương trình, sách giáo khoa, nội dung tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cũng có tích hợp đâu mà đòi giáo viên dạy tích hợp?
Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm điều chỉnh các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở
Tại cuộc gặp gỡ với đội ngũ giáo viên cả nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Môn tích hợp là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục".
Từ chia sẻ của Bộ trưởng, đội ngũ giáo viên hy vọng sẽ có những điều chỉnh phù hợp với nguyện vọng của giáo viên, bên cạnh đó có phương án để các môn học hiệu quả.
Thứ nhất: Cần trả lại đúng tên các môn học và dạy độc lập cho tốt môn học đó. Trong năm học tới đây thì chưa thể thay đổi được sách giáo khoa lớp 6,7, 8 vì các nhà xuất bản đã in ấn, phát hành và phụ huynh cơ bản cũng đã mua. Nhưng, từ năm học sau thì nên in lại theo từng phân môn, việc in lại theo phân môn cũng chỉ tốn thêm 3 cái bìa sách giáo khoa mà thôi. Mọi thứ gần như không có gì thay đổi vì cơ bản các phân môn đang được trình bày riêng lẻ.
Thứ hai: Việc dạy "tích hợp" đòi hỏi các địa phương cần bồi dưỡng xong cho giáo viên và giáo viên phải có đủ kiến thức "ôm trọn" các phân môn. Giải pháp cho vấn đề này là một vài năm học tới vẫn dạy đơn môn, khi bồi dưỡng xong đội ngũ và có lớp sinh viên tích hợp ra trường sẽ triển khai tích hợp. Lúc đó, giáo viên nào trẻ, nắm vững kiến thức thì dạy môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Những giáo viên nào không thể dạy được tất cả các phân môn có thể bố trí dạy các môn công nghệ 7,8 9 (giáo viên Khoa học tự nhiên) và các phân trong nội dung giáo dục địa phương (giáo viên Lịch sử; Địa lí).
Thứ ba: Bộ Giáo dục và Đào tạo và hội đồng cốt cán các tỉnh (thành phố) cần lập ra tổ tư vấn, hỗ trợ giáo viên tích hợp để cùng gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy.
Thứ tư: Công tác truyền thông của Bộ cần vào cuộc để truyền thông, tư vấn cho giáo viên và làm cho phụ huynh, học sinh hiểu được việc đổi mới giáo dục hiện nay để tránh những thị phi, bàn lùi, gây nhiễu loạn thông tin.
Đổi mới giáo dục cần kiên trì nhưng cũng cần khoa học, cụ thể, không đơn thuần là đem ghép cơ học các môn học độc lập vào một sách giáo khoa rồi gọi là "tích hợp" và giao "quyền tự chủ cho nhà trường" như các năm học vừa qua. Hiệu quả các môn học tích hợp không như mong muốn mà khổ cả thầy và trò. Bên cạnh đó là tốn kém tiền bạc, thời gian của ngân sách nhà nước và đội ngũ nhà giáo khi đi bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dieu-chinh-cac-mon-tich-hop-cang-som-cang-tot-179230819221203054.htm