Diễn đàn "Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí"
Chiều 29/9, tại thành phố Hạ Long, trong khuôn khổ Gala báo chí lần thứ 5 năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề "Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí".
Tham dự Diễn đàn có các ông: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.
Về phía tỉnh Quảng Ninh có Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Tường Huy, cùng gần 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương, đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương.
Theo Ban tổ chức Diễn đàn, mỗi năm một lần, trong khuôn khổ Gala Báo chí, báo Nhà báo & Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với mong muốn là nơi để lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cũng như những áp lực, thách thức mà các toà soạn đang và sẽ phải đối mặt trong dòng chảy biến động không ngừng của đời sống báo chí, truyền thông, từ đó cùng nhau kiến nghị, đề xuất những giải pháp tháo gỡ.
Công tác truyền thông chính sách hiện vẫn còn nhiều bất cập, nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Thời gian qua, không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.
Ban tổ chức mong muốn Diễn đàn sẽ đón nhận những ý kiến chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, những đề xuất, giải pháp giàu tâm huyết góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức cũng như tìm giải đáp cho những hạn chế còn tồn tại trong công tác truyền thông chính sách.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Quảng Ninh có được vị thế và uy tín ngày càng nâng cao, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc một phần nhờ sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền.
Ông Cao Tường Huy mong muốn, các ý kiến tham luận, chia sẻ, kinh nghiệm của các đại biểu tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục có nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong công tác truyền thông chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2023 với chủ đề "Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí" gồm 2 phiên thảo luận. Chủ đề Phiên thứ nhất: Báo chí - Cánh tay nối dài của truyền thông chính sách; Chủ đề Phiên thứ hai: Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách.
Các đại biểu cùng thảo luận làm rõ các vấn đề như: Hiểu cho đúng về nội hàm "truyền thông chính sách", thực trạng công tác truyền thông chính sách thời gian qua; những giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong bối cảnh hiện nay; vai trò, tính cần thiết của báo chí trong thực hiện truyền thông chính sách, vì sao cần sự tham gia của báo chí...; nâng cao chất lượng truyền thông chính sách trên báo chí...
Cũng tại diễn đàn, các vấn đề được các đại biểu thẳng thắn chia sẻ, trao đổi như: Những thách thức, lực cản lớn nhất mà báo chí đang phải đối mặt trong việc trở thành nguồn lực quan trọng về chính sách; các cơ quan báo chí cần phải được hỗ trợ những gì để thực hiện tốt truyền thông chính sách; cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí trong việc truyền thông chính sách hay không; cơ chế này phải được thực hiện như thế nào từ trung ương tới địa phương;... Có ý kiến cho rằng, cơ chế đặt hàng báo chí bằng nguồn ngân sách nhà nước được xem là một trong hình thức truyền thông chính sách, tuy nhiên để Nhà nước và báo chí là đối tác chặt chẽ, từ góc nhìn báo chí thì những tồn tại nào cần khắc phục để hiệu quả...
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, có thể khẳng định lực lượng báo chí là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Báo chí đã làm rất tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, báo chí đang bị truyền thông xã hội giành giật người xem, người nghe, mất thị phần quảng cáo, đồng nghĩa với việc báo chí đang giảm sức lan tỏa chính sách tới công chúng, không còn là cầu nối duy nhất.
Ông Phúc cho rằng, hiện số lượng 800- 900 cơ quan báo chí trên cả nước thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, cơ quan làm truyền thông chính sách chỉ chiếm khoảng 0,56%. Vẫn có tình trạng những chính sách của địa phương khi đưa ra chưa có sự khảo sát đánh giá kỹ lưỡng, dẫn đến thông tin được lan truyền trên mạng xã hội trái ngược với thông tin chính thống do người dân chưa được tiếp cận thông tin, thiếu thông tin.
Cũng theo ông Lưu Đình Phúc truyền thông chính sách cũng là nhiệm vụ chính của chính quyền nên chính quyền phải bố trí nguồn lực về con người, tài chính cho hoạt động này, phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Cùng với đó, xây dựng bộ máy vận hành, định hướng thông tin, xử lý khủng hoảng truyền thông bài bản, chuyên nghiệp, lấy báo chí làm nòng cốt. Sự phản biện của báo chí với chính sách của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương rất cần được tập hợp đầy đủ, từ đó tiếp thu, chỉ đạo xử lý, thông tin để rộng đường dư luận.
Ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay cho rằng, truyền thông chính sách vừa là thực hiện đúng tôn chỉ, vừa góp phần giải bài toán kinh tế báo chí. Theo ông Định, khi có kinh phí truyền thông chính sách, sẽ có chất lượng sâu hơn, thời lượng sẽ dày dặn hơn. Nêu thực tế ở Báo Nông thôn Ngày nay, ông Định cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả về công tác truyền thông chính sách, truyền thông toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn... nhưng do là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn, đến nay báo Nông thôn Ngày nay chưa thực hiện được nhiệm vụ đặt hàng về thông tin, truyền thông các nhiệm vụ, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Cùng với đó, thông tin, truyền thông về các lĩnh vực còn chưa được tổ chức đồng đều, thường xuyên, liên tục, thiếu liên kết, kết nối...
Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông đặt ra hàng loạt vấn đề: Khi chúng ta xây dựng chính sách phải có bộ máy làm về truyền thông chính sách. Khâu tiêu thụ chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách đó như thế nào? thực hiện có đúng không? báo chí giám sát như thế nào", rồi, báo chí lại vướng câu chuyện tôn chỉ mục đích, khen thì dễ phản biện thì khó, vậy gỡ cái này như thế nào? Tiếp nhận ra sao?...
Tại diễn đàn, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng truyền thông chính sách đối với báo chí của tỉnh Quảng Ninh. Theo bà Ngọc Hân, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định, một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành tựu của tỉnh là công tác tuyên truyền, trong đó có truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận giữa ý Đảng lòng dân, từ đó thực hiện thành công các chủ trương, chính sách đề ra. Tỉnh Quảng Ninh luôn nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác truyền thông giữa tỉnh với các cơ quan báo chí, đẩy mạnh truyền thông chủ động trước, trong và sau quá trình ban hành chính sách. Đồng thời theo dõi, tiếp nhận thông tin trên báo chí phản ánh về Quảng Ninh để nắm bắt các luồng thông tin, từ đó phát hiện kịp thời, đánh giá các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành.
Lắng nghe các ý kiến, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để có thể giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, thì hai bên cùng bắt tay nhau để cùng thực hiện một cái việc chung và cùng tìm được cái mình mong đợi. Cùng với đó, cần phải cải thiện mối quan hệ về cả cơ chế, chính sách và kinh tế giữa báo chí và cơ quan chủ quản, bởi, hầu hết cơ quan báo chí hiện tại không nhận được sự hỗ trợ về tài chính đối với cơ quan báo chí của mình.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhận định, Diễn đàn Tổng biên tập 2023 là một sự kiện rất bổ ích để giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm những chính sách và cơ chế tốt hơn, để báo chí làm tốt công tác truyền thông chính sách của mình, tuy nhiên, ông Trần Thanh Lâm cũng cho rằng báo chí cần phải nhìn lại mình khi đã thực sự làm tốt truyền thông chính sách hay chưa.
Ông Lê Quốc Minh đánh giá, Diễn đàn Tổng biên tập 2023 là một dịp rất tốt để các cơ quan báo chí nói lên tiếng nói của mình, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình là truyền thông chính sách. Ông Lê Quốc Minh cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần chủ động hơn, tận dụng chính các tổ chức báo chí của mình giúp các ban bộ ngành hiểu được những vướng mắc và khó khăn mà báo chí đang gặp phải trong nhiệm vụ truyền thông chính sách.
Ông Lê Quốc Minh cũng cho rằng, giữa nhà nước, cơ quan chức năng và báo chí cần "đồng thanh tương ứng" mới có thể truyền thông chính sách hiệu quả.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dien-dan-truyen-thong-chinh-sach-goc-nhin-tu-cac-co-quan-bao-chi-179230929210110335.htm