Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường

14:53 - 23/06/2022

Có một thực tế đáng lo ngại là số ca nhiễm mới COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều nước. Vì thế bên cạnh một số quốc gia bắt đầu nới lỏng, dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống sự lây lan của dịch COVID-19 thì có những quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn yêu cầu phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp này.

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường - Ảnh 1.

Pháp dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. Ảnh: VOV

Dỡ bỏ một số quy định bắt buộc liên quan đến dịch COVID-19 

Chính phủ Australia ngày 14/6 cho biết, Ủy ban Bảo vệ Sức khỏe nước này (AHPPC) đã ra khuyến nghị bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong các nhà ga sân bay kể từ ngày 18/6. Tuy nhiên, hành khách sẽ vẫn phải đeo khẩu trang trên tất cả các chuyến bay. Bộ trưởng Y tế Mark Butler và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Catherine King của Australia cho biết, AHPPC đã đưa ra khuyến nghị trên sau khi xem xét tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay và xác định rằng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong các nhà ga sân bay là không còn phù hợp. Tất cả các bang và vùng lãnh thổ ở Australia hiện đã nới lỏng yêu cầu đeo khẩu trang tại hầu hết các địa điểm công cộng.

Tại Canada, từ ngày 14/6, nước này tạm dừng quy định tiêm chủng bắt buộc đối với những người đi du lịch trong nước và công chức sau khi các tỉnh đã dỡ bỏ phần lớn các hạn chế phòng dịch địa phương. Ontario - tỉnh đông dân nhất Canada, việc đeo khẩu trang được dỡ bỏ tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe và phương tiện công cộng, nhưng vẫn tiếp tục được duy trì ở các cơ sở chăm sóc dài hạn và nhà dưỡng lão.  

Liên minh châu Âu (EU) cũng bỏ quy định đeo khẩu trang khi đi máy bay từ ngày 16/5. Giám đốc điều hành EASA Patrick Ky xác nhận, hành khách sẽ không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi lại bằng đường hàng không trong mọi trường hợp.

Nhật Bản cho phép người dân bỏ khẩu trang khi ở ngoài trời, miễn là duy trì khoảng cách đủ lớn, nhất là vào những ngày có nhiệt độ và độ ẩm cao.  

Chính phủ Saudi Arabia quyết định nới lỏng quy định đeo khẩu trang tại hầu hết khu vực công cộng, chỉ vài tuần trước khi nước này chuẩn bị tiếp đón 850.000 tín đồ Hồi giáo tham gia lễ hành hương đến Thánh địa Mecca vào tháng 7 tới.

Tại Nam Phi, tối 22/6, Chính phủ nước này cũng thông báo bãi bỏ các quy định liên quan đến dịch bệnh COVID-19 bao gồm quy định đeo khẩu trang, các giới hạn tụ tập đông người và kiểm soát tại cửa khẩu xuất nhập cảnh. Các quy định này có thể được áp đặt trở lại sau này nếu thấy phù hợp và cần thiết.

Tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch  

Ngày 22/6, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận thêm 1.447 ca mắc COVID-19, trong đó có 124 ca nhập cảnh. Đây là ngày thứ tám liên tiếp, Hong Kong ghi nhận trên 1.000 ca/ngày. Bà Trương Trúc Quân, Giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong, dự đoán trong thời gian ngắn tới, số ca mắc mới có thể sẽ vượt trên 2.000 ca/ngày.

Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) sẽ tiến hành xét nghiệm bắt buộc lần thứ hai đối với toàn bộ người dân sau khi phát hiện 71 ca mắc COVID-19 tính đến ngày 22/6. Theo đó, từ 9 giờ ngày 23/6 đến 12 giờ ngày 24/6, toàn bộ người dân Macau và những người đang có mặt ở Macau đều phải thực hiện xét nghiệm axit nucleic lần thứ hai tại các trung tâm xét nghiệm cộng đồng.

Trung tâm điều phối và ứng phó với dịch COVID-19 của Macau cũng kêu gọi người dân nên giảm bớt tất cả các hoạt động không cần thiết và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 22/6 đã điều chỉnh các biện pháp quản lý sức khỏe đối với những người đến từ Macau và có hiệu lực ngay lập tức. Theo đó, tất cả những người đến từ Macau sẽ phải thực hiện cách ly tự trả phí bảy ngày tại khách sạn và tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong bảy ngày.

Nguy cơ của một làn sóng dịch COVID-19 mới

Sự gia tăng trở lại các ca lây nhiễm được cho là xuất phát từ các yếu tố:

Một là, việc gỡ bỏ gần như toàn bộ các biện pháp phòng dịch, nhất là loại bỏ quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng hay các lễ hội được phép tổ chức trở lại.

Hai là, khả năng miễn dịch và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 đang giảm dần theo thời gian, sau từ 3 đến 4 tháng.

Ba là, các biến thể BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Omicron gốc. Dự báo BA.4 và BA.5 sẽ trở thành biến thể chiếm ưu thế ở châu Âu, thúc đẩy sự gia tăng các ca COVID-19 trong thời gian tới.

Theo thông báo của CDC Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này (tính đến ngày 11/6) là 105.615 ca, tăng 6,7% so với một tuần trước đó.

Tại Đức, các chính trị gia và chuyên gia Đức cảnh báo nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới sẽ bùng phát vào mùa hè này, nhất là tại các viện dưỡng lão, trong bối cảnh các biến thể phụ của Omicron đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Đức trong khi hầu hết các biện pháp phòng dịch đã được dỡ bỏ. Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm chủng cũng như tiêm mũi tăng cường thứ hai với nhóm đối tượng dễ tổn thương để bảo vệ bản thân trước những làn sóng lây nhiễm mới.

Ngày 22/6, Giám đốc trung tâm tiêm chủng quốc gia Pháp Alain Fischer nhận định: Pháp đang đối mặt với một làn sóng mới của dịch COVID-19 do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra. Số ca mắc mới COVID-19 tại nước này ngày 21/6 tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua, với hơn 95.000 ca.  

Ông Fischer cho biết cá nhân ông ủng hộ việc tái áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là mức độ nghiêm trọng của làn sóng lần này sẽ ra sao.  

Bồ Đào Nha cũng đang chứng kiến làn sóng dịch gia tăng do hai dòng phụ của biến thể Omicron gồm BA.4 và BA.5 gây ra. Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho rằng hai dòng phụ này nhiều khả năng sẽ trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo tại khu vực.

Theo ECDC, các dòng phụ này không gây nguy cơ bệnh nặng cao hơn những dòng phụ khác của biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn và có thể dẫn tới tình trạng gia tăng số ca nhập viện và tử vong. Thông thường, khoảng hai tuần sau khi số ca mắc mới tăng mạnh thì số ca nhập viện bắt đầu tăng và tiếp sau đó hai tuần là số ca tử vong tăng.  

Italy quan ngại về một đợt bùng phát COVID-19 trong mùa hè năm nay. Số ca nhiễm COVID-19 mới hàng tuần tại Italy đã tăng trong tuần thứ ba liên tiếp sau tám tuần giảm. Tuy nhiên số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất là hơn 200.000 ca/ngày hồi tháng 1/2022.

Theo số liệu chính thức do chính phủ công bố ngày 22/6, trong 24 giờ qua, Italy có gần 54.000 ca nhiễm mới, so với 62.704 ca nhiễm mới ngày 21/6, số ca nhiễm mới cao nhất kể từ cuối tháng 4/2022, và có 50 ca tử vong, so với 62 ca ngày 21/6.

Tại Đan Mạch, mặc dù số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức thấp, nhưng số ca mắc mới đang gia tăng sau khi biến chủng phụ BA.5 của biến thể Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo tại quốc gia Bắc Âu này. Đan Mạch sẽ tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho những người trên 50 tuổi. Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết :"Chúng ta không ngạc nhiên khi các biến thể mới xuất hiện và số ca mắc mới gia tăng. Tuy nhiên, điều này xảy ra sớm hơn dự kiến. Và đó là lý do tại sao chúng ta cần phản ứng và chúng ta đang hành động". 

Hàn Quốc có số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại gần 10.000 ca vào ngày 14/6.  

Tại Trung Đông, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khuyến cáo người dân thận trọng do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Số ca mắc mới theo ngày đã tăng lên 1.356 ca, tuy vẫn thấp hơn mức đỉnh 3.116 ca ghi nhận hồi tháng 1. Giới chức Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cảnh báo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19, trong đó có việc đeo khẩu trang trong không gian kín, sau khi số ca mắc mới đã tăng hai lần chỉ trong một tuần. Người phát ngôn Cơ quan quản lý thiên tai và khủng hoảng khẩn cấp quốc gia Taher Al Ameri cảnh báo những người không đeo khẩu trang trong không gian kín có thể chịu mức phạt lên tới 3.000 dirhans (816 USD).

Số ca mắc mới COVID-19 cũng có dấu hiệu gia tăng tại một số quốc gia vùng Vịnh. Tại Saudi Arabia, số ca mắc mới đã tăng mạnh so với hồi đầu tháng 5. Tuy nhiên,

Ở Nam bán cầu, Bộ Y tế New Zealand thông báo ghi nhận 6.133 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng.

Sự gia tăng trở lại các ca lây nhiễm được cho là bắt nguồn từ các yếu tố: 

Một là, việc gỡ bỏ gần như toàn bộ các biện pháp phòng dịch, nhất là loại bỏ quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng hay các lễ hội được phép tổ chức trở lại. 

Hai là, khả năng miễn dịch và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 đang giảm dần theo thời gian, sau từ 3 đến 4 tháng. 

Ba là, các biến thể BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Omicron gốc. Dự báo BA.4 và BA.5 sẽ trở thành biến thể chiếm ưu thế ở châu Âu, thúc đẩy sự gia tăng các ca COVID-19 trong thời gian tới.

Nguồn: PV (tổng hợp)

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dich-covid-19-van-dien-bien-phuc-tap-va-kho-luong-179220623143804557.htm