Địa phương đề nghị có thêm nhiều hỗ trợ cho giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn
Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ký hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên...
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành Giáo dục, ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết, năm học 2023-2024, tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cơ bản theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ và sách giáo khoa mới...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Bằng cho hay, tỉnh Điện Biên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đội ngũ giáo viên còn thiếu khá nhiều so với định mức quy định; thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Sau khi kết thúc năm học, đội ngũ có biến động khá lớn do giáo viên chuyển công tác về miền xuôi.
Ông Bằng nhận định, việc thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối cho các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường.
Ngoài ra, cơ sở vật chất trường lớp học tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu khá nhiều, nhất là nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên; một số phòng học đã xuống cấp cần được thay thế.
Chế độ chính sách dành cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên còn nhiều bất cập. Đời sống của đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn khó khăn.
Từ những thực trạng trên, tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và các bộ, ngành liên quan 8 vấn đề:
Thứ nhất, không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này.
Thứ hai, giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương.
Thứ ba, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cho tỉnh Điện Biên, đặc biệt là nguồn vốn từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp học.
Thứ tư, nâng mức hỗ trợ cho trẻ mầm non, học sinh nội trú, học sinh bán trú... Có chế độ hỗ trợ cho các trường phổ thông có học sinh bán trú nhưng không phải là trường bán trú.
Thứ năm, kéo dài thời gian được hưởng các chính sách hỗ trợ tại các xã đặc biệt khó khăn khi các xã này được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Thứ sáu, áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên. Hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, như: tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa.
Thứ bảy, có chính sách hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong đào tạo giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ Trường Đại học Điện Biên Phủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập.
Thứ tám, sớm trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cũng chia sẻ một số điểm khó về vấn đề biên chế giáo viên. Đồng thời kiến nghị Chính phủ rà soát đánh giá lại việc bổ sung biên chế giáo viên cho phù hợp với thực tiễn.
Bà Hà cho biết, theo Luật Giáo dục Đại học quy định phân cấp quản lý cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, hiện thành phố Hà Nội có hơn 120 trường đại học, cao đẳng với khoảng 1 triệu sinh viên. Do đó, Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của địa phương quản lý để phù hợp với thực tế.