Địa danh Huế nổi tiếng qua phim "Em và Trịnh"
Xuất hiện trong phim "Em và Trịnh", những địa danh ở Huế bỗng nhiên được du khách tìm kiếm và ở những địa danh được sử dụng làm bối cảnh phim, lượng khách tham quan đột biến trong các tour du lịch.
Địa danh đặc biệt ở thành phố Huế được lấy làm bối cảnh phim là Nhà vườn An Hiên, một ngôi nhà rường cổ đặc trưng của văn hóa kiến trúc Huế, cách Chùa Thiên Mụ không xa.
An Hiên vốn là nếp nhà rường thanh tịnh, giàu truyền thống của người xưa còn lưu truyền đến ngày nay gồm di sản kiến trúc nhà rường cổ, với xung quanh quần thể cây trái xanh tươi được trồng theo phong thủy.
Ngôi nhà này nằm ở vùng đất Kim Long lịch sử bên bờ Bắc sông Hương, nằm bên ngoài và không xa kinh thành xưa. Đây vốn là cơ ngơi của một công chúa con vua Dục Đức xây dựng năm 1883 và thăng trầm cũng trao tay theo từng thân phận các gia chủ. Tuy vậy, cho đến nay, ngôi nhà được xác nhận là mang đậm dấu ấn vun vén, gìn giữ của bà Đào Thị Xuân Yến, vợ một quan Tuần phủ Hà Tĩnh tên là Nguyễn Đình Chi.
Bà Xuân Yến được biết đến là một nhân sĩ trí thức có tấm lòng thủy chung, son sắt với cách mạng Việt Nam. Bà là một nhà hoạt động chính trị yêu nước, có nhiều công lao đóng góp với Huế. Từ khi là nữ sinh Đồng Khánh, bà đã cầm đầu cuộc bãi khóa chống thực dân Pháp. 24 tuổi, bà trở thành người phụ nữ Trung kỳ đầu tiên đậu tú tài và sau này là Hiệu trưởng trường nữ sinh trung học Đồng Khánh. Sau ngày giải phóng (1975), bà là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới và là đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bà mất năm 1997.
Từ đó, khu nhà vườn An Hiên của bà là một vưu vật của Huế.
Nhà vườn An Hiên có khu vườn rộng xum xuê cây trái bốn mùa và đặc trưng của 3 miền Trung-Nam-Bắc. Ảnh TTH
Phim "Em và Trịnh" trong phân đoạn ở Huế xuất hiện cây cầu An Cựu hướng nhìn nhà thờ Phủ Cam. Đây là ngôi nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Huế tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế.
Khoảng thế kỷ 17, Phủ Cam là nơi ở dành cho con trai của các chúa Nguyễn nằm ven bờ sông đào An Cựu. Đến thời Nguyễn, nhiều hoàng thân triều Nguyễn lựa chọn nơi này để xây dựng phủ đệ. Ngôi nhà thờ này đã nhiều lần được tu sửa và có diện mạo như ngày nay.
Nhà thờ Phủ Cam, bối cảnh phim và cảnh sắc ngày nay
Một phân cảnh khác của phim "Em và Trịnh" tái hiện cuộc sống của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn những năm 1960 -1970 ở chính căn nhà cũ của ông ở Huế. Hiện nay, nơi này trở thành quán cà phê Gác Trịnh, nằm bình yên trên phố Nguyễn Trường Tộ, nằm không xa Nhà thờ Phủ Cam và là nơi ra đời rất nhiều nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ như: Lời buồn thánh, Phúc âm buồn...
Phố Nguyễn Trường Tộ ở thành phố Huế hiện nay, nơi có căn "Gác Trịnh". Ảnh TTH
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dia-danh-hue-noi-tieng-qua-phim-em-va-trinh-17922062415560412.htm