Di tích Hỏa Lò - vết thương chiến tranh và khát vọng hòa bình

06:01 - 07/01/2023

Dưới những mái ngói thâm nâu và hàng cây cổ thụ của Hà Nội, Hỏa Lò giờ đây là chuyến du lịch tươi xanh khát vọng hòa bình.

img
Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 1.

Khách tham quan dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Ngọc Ánh.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 2.

Dòng người trải nghiệm chuyến du lịch thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Ngọc Ánh.

Nhà tù Hoả Lò - vết thương chiến tranh và khát vọng hoà bình. Thực hiện: Huy Hải, Thành Văn, Trần Sơn.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 3.

Ông William Fuessler, du khách người Mỹ thể hiện sự thân thiện, cởi mở khi chúng tôi đề xuất một cuộc phỏng vấn ngắn ngay tại sân Di tích Nhà tù Hỏa Lò khi ông đang chăm chú tham quan các chứng tích chiến tranh.

Ông thốt lên: “Thế giới đã chịu nhiều đau thương chiến tranh, và bây giờ nhân loại vẫn còn liên miên những cuộc chiến mới chưa kết thúc. Phải tới Hỏa Lò để thấy rằng, hòa bình là điều quý giá với bất cứ dân tộc nào. Bài học đó cần được truyền đi nhiều thế hệ. Chúng ta đã phải trải qua đau thương, điều chúng ta cần cho tương lai là hòa bình”.

“Thăm tù cuối tuần”, “đi chơi tù” - câu nói vui của công dân Thủ đô và khách du lịch mỗi khi tới Hỏa Lò khiến những người làm du lịch phấn chấn. Việc “thăm tù” trở thành một lựa chọn không tồi khi các gia đình muốn đưa trẻ em tới gần hơn với lịch sử dân tộc.

Người nước ngoài muốn giải mã khát vọng tự do, độc lập dân tộc của người Việt Nam cũng có thể tới đây. Thế hệ trẻ cũng muốn tới, cơ bản vì Di tích Nhà tù Hỏa Lò bây giờ không hề giống với bất cứ chứng tích chiến tranh nào còn lại trên đất Việt.

Di tích đã được số hóa trong bảo tồn, khai thác du lịch, là sản phẩm khác biệt được khoác lên tư duy làm du lịch kiểu mới, hiểu mong muốn của người trẻ, đáp ứng được nhu cầu dung nạp lịch sử với nhiều cung bậc cảm xúc.

Tận cùng cảm xúc, tận cùng nỗi đau chiến tranh để bật lên khát vọng hòa bình. Ảnh: Ngọc Ánh. 

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 5.

Việc dạy và học lịch sử luôn là chủ đề được công chúng quan tâm, nhưng chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ quốc gia nào ở mọi thời điểm. Giáo dục lịch sử cho người trẻ ngày nay cần sự đóng góp quan trọng của những bảo tàng, khu di tích lịch sử - minh chứng “sống” của ký ức dân tộc.

Trên thực tế, việc thu hút người trẻ đến bảo tàng, di tích lịch sử gặp không ít thách thức. Tại nhiều di tích, các tài liệu, hiện vật trưng bày khuôn sáo, tẻ nhạt, trong khi đa số giới trẻ thích sự trực quan, sinh động, có yếu tố thẩm mỹ, nghệ thuật hơn là đơn thuần tính lịch sử. Điều này đặt ra yêu cầu các di tích lịch sử phải đổi mới trong cách thức truyền tải, thu hút công chúng trẻ.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã dẫn đầu xu hướng này. Đầu tiên phải kể đến sự đầu tư bài bản, nghiêm túc về cách thức tổ chức, xây dựng các chuyến tham quan, đặc biệt là phương thức truyền thông gần gũi, ấn tượng.

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khiến địa điểm này, giờ đây, không chỉ là nơi dừng chân của người lớn tuổi, mà còn “kéo” các bạn trẻ đến gần hơn với những giá trị lịch sử thiêng liêng của đất nước.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 5.

Người trẻ đến Hỏa Lò để ôn lại những kiến thức lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh: Ngọc Ánh.

Di tích Hỏa Lò - vết thương chiến tranh và khát vọng hòa bình - Ảnh 8.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 6.

Chị Nguyễn Hồng Nhung thu được nhiều cảm xúc khi tới tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: NVCC.

Biết về Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã lâu, cũng theo dõi qua Fanpage với nhiều nội dung chất lượng đã thôi thúc chị Nguyễn Hồng Nhung (23 tuổi, Bắc Giang) đến với di tích lịch sử đặc biệt này.

Theo chị Hồng Nhung, các bài đăng trên Fanpage của Di tích Nhà tù Hoả Lò dung hoà được sự vui vẻ và xúc động, mọi thứ đều ở mức độ vừa đủ, vừa đảm bảo truyền thông được giá trị cốt lõi của di tích, vừa phổ cập thêm kiến thức lịch sử cho người theo dõi. Rõ ràng, nhóm làm truyền thông rất thông thạo kỹ thuật số, có thể làm nội dung mang tính khởi tạo xu hướng.

“Chưa cần đề cập đến tỷ lệ chuyển đổi, tương tác mà Fanpage của Di tích Nhà tù Hoả Lò tạo ra trên mạng xã hội, chỉ xét về mặt hưởng ứng thì đội ngũ truyền thông phía di tích đã tạo được thành công khi các bạn trẻ rủ nhau “đi tù” rất nhiều”, chị Hồng Nhung khẳng định.

Tham gia chuyến tham quan Đêm thiêng liêng của Di tích Nhà tù Hoả Lò - đêm tri ân những nữ tù cách mạng, điều khiến chị Hồng Nhung ấn tượng nhất là những hoạt cảnh tái hiện lại cuộc sống bị địch bắt, tù đày của các nữ chiến sĩ cách mạng.

Đó là những dòng tâm sự của chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Hồng về cuộc sống kham khổ trong ngục giam. Hay sự gan dạ của bà Nguyễn Thị Băng Tâm - người được Quận ủy Nội thành giao nhiệm vụ vận chuyển acid, lưỡi cưa, bản đồ đường cống ngầm cho các tù nhân vượt ngục.

“Tôi đặc biệt thích hoạt cảnh dựa trên câu chuyện về bà Hoàng Thị Ái vì nhiệm vụ cách mạng, phải gửi con gái mới sinh đi xa, sau đó con mất vì khát sữa. Chồng của bà là nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc cũng hy sinh thời điểm đó. Tôi đã khóc rất nhiều ở hoạt cảnh này khi cảm nhận được tận cùng nỗi đau của những người vợ, người mẹ trong thời chiến.

Tham quan Di tích Nhà tù Hoả Lò là một trải nghiệm khác biệt hoàn toàn so với các bảo tàng, di tích lịch sử khác. Tôi như được trải qua những cảm xúc chân thật nhất, những giây phút sinh tử nhất khi nỗi đau thương của mỗi cá nhân đối diện với khát vọng lớn lao hơn về tự do, hòa bình dân tộc.

Tôi đã “không thở được”, rất khó để có thể gọi tên chính xác cảm xúc bi hùng ấy. Nhưng tôi hiểu rằng vết thương chiến tranh có thể lành, nhà tù trước đây có thể trở thành điểm đến tham quan cho du khách, nhưng khát vọng hòa bình thì thời nào cũng thế, luôn thấm thía”, chị Hồng Nhung bày tỏ.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 7.

Anh Đỗ Việt Anh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Còn anh Đỗ Việt Anh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, những người biến nhà tù thành nơi tham quan, giáo dục truyền thống đã “thổi” một làn gió mới trong việc quảng bá hình ảnh di tích lịch sử tại Việt Nam.

“Trước kia, tôi đã từng nghe nhiều về các thủ đoạn tra tấn tàn bạo trong nhà tù giam các nhà cách mạng yêu nước. Nhưng chỉ đến khi được tham quan trực tiếp, tôi mới cảm nhận được nỗi gian khổ mà những người tù phải chịu đựng cũng như sự dã man của quân thù.

Từ những khu nhà giam, ngục tối (cachot) cho đến chiếc máy chém... tất cả hiện vật ở đây đều khiến tôi hiểu rõ hơn về cái giá mà cha ông đã phải đánh đổi để có được hòa bình hôm nay”, anh Việt Anh chia sẻ thêm.

Sau hành trình đầy cảm xúc tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, anh Việt Anh muốn giới thiệu cho tất cả bạn bè và người thân đến nơi đây trải nghiệm để hiểu hơn về lịch sử dân tộc.

Chị Nguyễn Trà My, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng bị thu hút bởi những nội dung truyền thông “độc - lạ” của Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

“Tôi đã đi khá nhiều di tích lịch sử và thấy rằng đa phần người đến nơi này chủ yếu là người lớn tuổi hoặc du khách nước ngoài, rất ít các bạn trẻ. Thế nhưng, khi đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tôi bất ngờ vì có nhiều bạn trẻ tới đây để tham quan”, chị Trà My nói.

Chị Trà My cho rằng, mỗi người trẻ cũng là một cầu nối truyền thông. Sau những chuyến tham quan, rất nhiều bạn đăng bài, video giới thiệu về di tích trên các nền tảng mạng xã hội… từ đó số người biết và đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày một nhiều hơn.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 8.

Sức cảm hóa, lay động từ chuyến tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Ngọc Ánh.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 11.

Theo Thạc sĩ Đinh Hồng Anh, giảng viên truyền thông tại Đại học Nghệ thuật London (Anh) nhận định, cách làm truyền thông của Di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện nay rất “bắt trend” (hợp xu hướng) nhắm tới công chúng trẻ.

Nhiều người giờ đây thường nói vui rằng nội dung trên Fanpage của Nhà tù Hỏa Lò thú vị đến mức khiến cộng đồng “ai cũng muốn đi… tù”. Đội ngũ quản trị của Fanpage này sáng tạo nội dung ngách về lịch sử, tưởng chừng như khô khan nhưng lại thu hút lượng tương tác rất lớn, đạt hiệu quả truyền thông.

“Những câu chuyện lịch sử được kể theo lối hóm hỉnh với nhiều chi tiết và dòng trạng thái được bình luận là “đỉnh”, “chất”, “mặn” - theo đánh giá của chính các bạn trẻ - thu hút công chúng hơn bao giờ hết.

Nó đúng là nên được tham khảo và áp dụng nếu như các khu di tích lịch sử khác cũng nhắm đến đối tượng công chúng trẻ như Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Quan trọng là ta cần hiểu nhóm khán giả mục tiêu mà ta hướng tới để làm nội dung đúng và trúng”, Thạc sĩ Đinh Hồng Anh cho hay.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 9.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh NVCC.

Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, vài năm trở lại đây, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã có những bước đột phá trong khâu tổ chức và các hoạt động truyền thông, với sự đầu tư bài bản, nghiêm túc.

“Những thông điệp mà Di tích Nhà tù Hỏa Lò mang lại thông qua các bài viết trên Fanpage đã chạm trái tim của giới trẻ.

Tần suất đăng bài truyền thông cũng như những nội dung truyền thông đều khá phù hợp, không bị đẩy lên một cách quá đà, lấy giá trị về lịch sử văn hóa làm nền tảng nhưng được thể hiện dưới hình thức rất đa dạng. Ngôn ngữ đủ độ hấp dẫn giới trẻ nhưng trong sáng và có chừng mực”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Đỗ Thị Thu Hằng nêu quan điểm.

Mở rộng vấn đề, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Đỗ Thị Thu Hằng, việc học lịch sử và khai thác du lịch các di tích lịch sử chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Khi làm truyền thông liên quan đến lịch sử và đối tượng hướng tới lại là giới trẻ thì rõ ràng khó khăn, thách thức sẽ lớn hơn rất nhiều.

Đa số giới trẻ hiện nay thích tìm hiểu những lĩnh vực mang tính nghệ thuật quần chúng hơn là lịch sử. Do đó, những nội dung về lịch sử thường không mấy hấp dẫn người trẻ. Để tiếp cận nhóm công chúng này, rất cần sự đầu tư về mặt nội dung, thông điệp…

“Muốn làm truyền thông các vấn đề liên quan tới lịch sử tốt thì cần nghĩ đến việc nghệ thuật hóa những câu chuyện lịch sử và điều này không chỉ đòi hỏi thời gian mà còn là thách thức rất lớn về trí tuệ, tâm huyết của những người làm truyền thông”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Đỗ Thị Thu Hằng cũng đánh giá cao khả năng phân khúc nhóm công chúng mà Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhắm tới.

Ở mỗi nhóm công chúng như nhóm trẻ tuổi (học sinh phổ thông, sinh viên trong các nhà trường), nhóm người cao tuổi, nhóm người nước ngoài, ban quản lý đều có những kết nối hợp tác, thiết kế truyền thông và tổ chức các chuyến tham quan khác nhau.

Việc phân khúc công chúng này đã huy động nguồn lực tốt nhất cho hoạt động truyền thông di tích.

"Những thành công ban đầu về truyền thông cũng đặt ra thách thức lớn cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò trong việc duy trì phát triển thành quả, bởi giới trẻ thường có xu hướng tiếp cận theo thị hiếu.

Vì vậy, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cần hoạch định, có tầm nhìn xa hơn, mở rộng được phân khúc công chúng, thường xuyên đổi mới về những thông điệp truyền tải", Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Đỗ Thị Thu Hằng nói.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 10.

Dòng thời gian vẫn hướng về tương lai qua những chứng tích chiến tranh ngưng đọng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Ngọc Ánh.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 14.

Là một người đam mê lịch sử nhưng anh Việt Anh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhiều khi cũng cảm thấy đây là một chủ đề khá khô khan, không dễ tiếp nhận đối với các bạn trẻ.

Tuy nhiên, anh Việt Anh cho rằng, người trẻ vốn không quay lưng với các giá trị truyền thống, mà chủ yếu là do họ bị thu hút bởi những luồng văn hóa ngoại nhập mới lạ, trẻ trung và hấp dẫn hơn.

Vì vậy, điều quan trọng nhất của việc bảo tồn lịch sử hiện nay là phải đổi mới cách làm truyền thông để tiếp cận thế hệ trẻ.

Khi người trẻ hiểu được giá trị của lịch sử, họ hoàn toàn có thể bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống bằng sự nhiệt tình và sức sáng tạo, nhạy bén của mình.

Đồng tình với nhận định trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, khi giáo dục những giá trị lịch sử thông qua các hoạt động về du lịch lịch sử, người làm công việc này cần phải tìm ra những cách thức tác động đến công chúng của mình.

“Bản thân sinh viên khi được giới thiệu những câu chuyện hấp dẫn, gây được tò mò thì sẽ nuôi dưỡng niềm đam mê của các em. Biết đâu đấy, đây có thể là điểm bắt đầu của một sử gia trong tương lai”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng cười.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 11.

Chạm vào ký ức của dân tộc, của cha ông và cảm nhận nỗi buồn chiến tranh, khát vọng hòa bình. Ảnh: Ngọc Ánh.

Chia sẻ về vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy truyền thông, đưa các di tích lịch sử đến gần hơn với công chúng, Thạc sĩ Đinh Hồng Anh nhận định, điểm đặc biệt là các bạn trẻ lan tỏa thông tin, nội dung thú vị trên môi trường mạng xã hội rất nhanh.

Càng những gì là xu hướng, là “mặn mòi” và “chất” thì càng được các bạn trẻ yêu thích và tấm tắc đồng cảm. Rõ ràng giới trẻ đóng vai trò thúc đẩy truyền thông nhanh và hiệu quả. Họ là mắt xích trong chuỗi truyền thông mà Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tính đến.

Sự liên hệ giữa lịch sử và “cái đầu hóm hỉnh” cùng ngôn ngữ đậm chất Gen Z của đội ngũ sáng tạo nội dung truyền thông mang đến cho Di tích Nhà tù Hỏa Lò một cái “chất” rất riêng và rất “cuốn”.

“Tôi nghĩ công thức của xu hướng truyền thông này chính là: dùng chính người trẻ sáng tạo ra nội dung trẻ để tiếp cận những khán giả trẻ”, Thạc sĩ Đinh Hồng Anh khẳng định.

Các bảo tàng, di tích lịch sử lâu nay vẫn được khẳng định giá trị, bởi đó là cầu nối gắn kết đời sống vật chất và tinh thần của con người từ quá khứ với hiện tại, làm nền tảng cho tương lai.

Việc dạy và học môn lịch sử, mà quan trọng hơn là truyền lại những giá trị, bài học, những nét đẹp truyền thống tới học sinh, sinh viên, người trẻ tuổi sẽ dễ dàng và thuyết phục hơn rất nhiều nếu các bảo tàng, di tích lịch sử đến gần hơn với nhóm đối tượng này.

Muốn vậy, không chỉ các bậc phụ huynh, thầy cô giáo… mà chính ban quản lý các bảo tàng, di tích lịch sử cần làm mới mình trong cách tổ chức các chuyến tham quan, làm mới cách quảng bá hình ảnh, để những địa điểm, vốn mang màu sắc của quá khứ, vẫn có “hơi thở” của thời đại, gần gũi và hấp dẫn hơn.

Nhà tù Hỏa Lò - vết thương chiến tranh mang khát vọng hòa bình - Ảnh 12.

Giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường đại học, phổ thông trung học, phổ thông cơ sở rất thích chuyến hành trình trải nghiệm "đi thăm tù" tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Ngọc Ánh.

Phải khẳng định rằng, không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn việc giúp thế hệ trẻ hiểu được đất nước mình. Khi hiểu và ghi nhớ những gian khổ, đau thương nhưng anh dũng, vinh quang của dân tộc, người trẻ sẽ nhận thức rõ giá trị của cuộc sống hiện tại. Tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm gìn giữ hòa bình cũng sẽ thúc đẩy hơn trách nhiệm học tập, lao động và cống hiến.

Đối với Di tích Nhà tù Hỏa Lò, thông điệp truyền đi mỗi ngày là sợi dây kết nối liền mạch giữa lịch sử và hiện tại. Đến đây, người trẻ được chạm vào kí ức. Họ sống lại trong thời kỳ hào hùng với hiện vật thật, không gian cụ thể và xuyên không để tự mình lý giải thời cuộc; sống trong xúc cảm mạnh của những cuộc chiến để thấy giá trị của hòa bình. Tất cả gợi lên niềm thương cảm, nhắc nhớ về bạo lực, chiến tranh như một cú đánh thẳng vào tâm trí người có mặt ở đó.

Sử dụng ký ức dân tộc để làm du lịch là việc không mới ở các quốc gia, chiến tranh và ám ảnh về sự chết chóc là điều không dân tộc nào muốn. Đối mặt với chứng tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội, một thời đau thương ấy thôi thúc thế hệ trẻ hành động VÌ TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC, VÌ MỘT CUỘC SỐNG VĂN MINH, HÒA BÌNH.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/di-tich-hoa-lo-vet-thuong-chien-tranh-va-khat-vong-hoa-binh-179230105191448498.htm