Đi nhiều nhà sách vẫn chưa mua đủ sách giáo khoa
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" nên việc phụ huynh đi mua cho con mình một bộ sách giáo khoa hiện nay khá gian nan, nhất là ở cấp Trung học phổ thông có nhiều môn học lựa chọn và chuyên đề học tập khác nhau.
Để tìm đủ một bộ sách giáo khoa cho con mình ở các nhà sách, phụ huynh phải cẩn thận dò tìm. Vì mỗi môn học có đến 3 bộ sách, thậm chí môn Tiếng Anh có đến 9 bộ sách giáo khoa khác nhau. Vì thế, mỗi lớp, mỗi trường có nhiều cuốn sách giáo khoa khác nhau.
Phụ huynh phải kiên nhẫn tìm kiếm hoặc phải nhờ nhân viên nhà sách tìm kiếm nhưng cũng rất khó mua đủ một bộ sách giáo khoa cho con em mình tại một nhà sách. Đôi khi phải đi nhiều nhà sách mua gom mới đủ bộ.
Lựa chọn đủ bộ sách giáo khoa trung học phổ thông hiện nay không đơn giản
Đối với cấp Tiểu học hoặc Trung học cơ sở dạy chương trình 2018 dù có thể nhà trường lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau nhưng vì 2 cấp học này chưa có môn học lựa chọn và chuyên đề học tập nên việc cung ứng sách giáo khoa ở các nhà sách lân cận các nhà trường cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, đối với cấp Trung học phổ thông có phần phức tạp hơn.
Hướng dẫn của Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/ 2018 (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với nội dung điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình tổng thể và Chương trình giáo dục phổ thông có những điểm mới.
Hiện nay, học sinh học sinh cấp trung học phổ thông sẽ có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.
Theo Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT, số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật. Như vậy, học sinh sẽ không phải chọn ít nhất một môn lựa chọn trong mỗi nhóm môn như yêu cầu trước đó.
Bên cạnh các môn học bắt buộc, lựa chọn sẽ có các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học.
Căn cứ vào hướng dẫn, nhân sự thực tế tại đơn vị, kinh phí hoạt động được phê duyệt hằng năm, các nhà trường sẽ xếp tổ hợp cho các lớp và các chuyên đề học tập khác nhau. Vì thế, dù là học sinh học cùng khóa, cùng trường với nhau nhưng sách giáo khoa chỉ có các môn bắt buộc là giống nhau, còn các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập thì khác nhau hoàn toàn.
Đầu năm học, nhà trường sẽ tổ chức buổi họp phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm sẽ đưa ra danh mục sách giáo khoa từng môn cho lớp. Có trường sẽ cho phụ huynh đăng ký mua tại trường nhưng cũng có trường yêu cầu phụ huynh mua ở các nhà sách theo danh mục đã liệt kê sẵn. Việc phụ huynh đi mua một bộ sách giáo khoa cấp trung học phổ thông cho con em mình bây giờ không đơn giản như trước đây vì có thể các môn học sẽ lựa chọn từ các bộ sách giáo khoa khác nhau.Vì thế, đi tìm mua một bộ sách giáo khoa bây giờ cũng khá phức tạp và đòi hỏi sự kiên trì của phụ huynh khi đi mua và tìm kiếm những cuốn sách giáo khoa còn thiếu.
Đi gần chục nhà sách không mua đủ bộ sách giáo khoa lớp 10
Một phụ huynh ở một thành phố phía Nam chia sẻ: "năm nay con vào lớp 10 nên những ngày vừa qua đi tìm mua đủ một bộ sách giáo khoa khá gian nan. Môn Ngữ văn; Toán; Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp; Vật lí; Hóa học; Sinh học; chuyên đề Toán, Vật lí; Hóa học (bộ Chân trời sáng tạo). Môn Công nghệ thiết kế (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) và phải đi 3 nhà sách lớn ở thành phố mới mua được. Riêng sách Tiếng Anh Discovery thì đi gần chục nhà sách vẫn không không có hoặc hết hàng, cuối cùng phải mua online với giá 172.000 theo giá bìa, chưa kể giá cước vận chuyển.
Một bộ sách lớp 10 dù các nhà xuất bản chỉ công bố trên 300 ngàn nhưng khi mua cả các môn lựa chọn, chuyên đề học tập, tiếng Anh đã có giá gần 600 ngàn. Đó là chưa kể môn Nội dung địa phương sẽ mua sau tại nhà trường và chưa biết có sách bài tập, sách bổ trợ gì thêm nữa không".
Chiều 14/8, tại phiên họp 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đoàn giám sát, mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%. Giá chiết khấu này đẩy giá sách giáo khoa, sách bài tập, sách bổ trợ có giá thành lên cao và vì thế giá sách giáo khoa luôn là vấn đề nóng trong dư luận.
Chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" là điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng rõ ràng cũng đang thể hiện những bất cập nhất định. Bất cập không chỉ là chuyện giá sách giáo khoa cao gấp 2-3 lần sách giáo khoa chương trình 2006 mà việc tìm, lựa mua đủ một bộ sách giáo khoa cấp Trung học phổ thông hiện nay cũng khiến cho phụ huynh khá vất vả vào thời điểm đầu năm học.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/di-nhieu-nha-sach-van-chua-mua-du-sach-giao-khoa-179230815081413014.htm