Đi Bình Liêu xem phụ nữ mặc váy đá bóng
Sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2022 diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/11 đã khiến cả vùng biên cương Bình Liêu (Quảng Ninh) rực rỡ, náo nhiệt. Du khách hứng thú với những màn trình diễn đặc biệt chưa từng có: các cầu thủ nữ đều mặc váy đá bóng.
Ở miền núi cao này, phụ nữ mặc váy đá bóng, trồng hoa và chăm sóc lúa trên những thửa ruộng bậc thang, làm du lịch. Dù mô hình du lịch cộng đồng mới chỉ mới xuất hiện trên cả vùng biên giới Bình Liêu hoang sơ còn chưa được nhiều người biết đến.
Lễ hội mùa vàng không mới và đã tổ chức nhiều lần ở các vùng canh tác lúa ruộng bậc thang miền Bắc, nhưng Bình Liêu luôn hút khách bởi nét đặc biệt không nơi nào có đó là các giải đấu bóng đá nghiệp dư dành cho phụ nữ trẻ dân tộc Sán Chỉ. Họ mặc váy, giao đấu bóng đá với vẻ đẹp sơn cước say đắm, không kém phần chuyên nghiệp khiến khách du lịch phải "tròn mắt" ngạc nhiên.
Trong khuôn khổ Hội Mùa vàng Bình Liêu diễn ra từ ngày 4 đến 6/11, khá nhiều các hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn, độc đáo đã diễn ra. Chung kết hội thi "Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất Bình Liêu năm 2022", Giải bóng đá nữ các dân tộc huyện Bình Liêu và các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, trải nghiệm gặt lúa trên ruộng bậc thang. Chương trình còn tái hiện nét văn hóa truyền thống trong đám cưới của người Sán Chỉ tại thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn, lễ mừng cơm mới tại đình Lục Nà...
Đặc biệt, festival dù lượn "Bay trên mùa vàng Bình Liêu 2022" diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/11 tại xã Lục Hồn lần đầu tiên được tổ chức. Du khách có mặt để bay dù lượn khá đông trong điều kiện thời tiết tốt và đúng vào thời điểm lúa chín rộ.
Quảng Ninh thực hiện chiến lược xây dựng huyện biên giới Bình Liêu thành huyện du lịch của tỉnh này bằng cách đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch và khai thác thêm một mảng tài nguyên khác lạ, phong phú ở vùng biên giới Bình Liêu. Đó là mảng màu sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số đặc sắc Sán Chỉ, Cao Lan, Dao, Tày... đầy chất hoang sơ, quyến rũ và huyền bí của miền rừng. Trong đó, nét đẹp khoẻ mạnh và niềm yêu thích bóng đá của phụ nữ Sán Chỉ được phát hiện ra. Nếu không có lễ hội, họ vẫn cứ tập luyện hằng ngày và thi đấu bóng đá trên các chân ruộng bậc thang mỗi mùa gặt lúa xong.
Để xây dựng thành giải đấu quy mô, phong trào phụ nữ đá bóng được nhân rộng ra nhiều bản làng. Nét đặc sắc trong phong tục tập quán của các dân tộc bản địa được khai thác triệt để. Khách du lịch ngỡ ngàng thấy một Bình Liêu thanh xuân, tươi trẻ trong ánh cười, mái tóc, dáng vóc của các cô gái Sán Chỉ.
Xuất phát từ sở thích du lịch bụi, khám phá các cung đường đẹp và các mốc quốc giới, những người trẻ tìm thấy ở Bình Liêu mùa cỏ lau, nơi chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp. Từ đó, họ phát hiện thêm những thung lũng nhỏ xen giữa đồi núi có rất nhiều các chân ruộng bậc thang xếp lớp, mà ở đó mùa lúa chín vàng mang đến một khung cảnh rực rỡ. Các cung đường tuần tra biên giới nở rộ hoa sở thơm ngát cả cánh rừng. Một nơi dường như dành riêng cho câu hát đi vào ký ức nhiều thế hệ: "Em ơi có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới, khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, chiều tỏa ngát hương bay...".
Chính từ thực tế đó đã khơi gợi những ý tưởng để Bình Liêu dựng lên Hội mùa vàng và Hội hoa Sở Bình Liêu. Địa phương đã cho ra mắt một sản phẩm du lịch hoàn thiện, bắt đầu bằng Tuần Văn hóa, Du lịch Bình Liêu đúng mùa lúa chín năm 2020; Hội Hoa sở đúng lúc hoa sở nở rộ nhất đi kèm với lễ kiêng gió của đồng bào Dao.
Việc phụ nữ đá bóng có thể nói đã trở thành nếp sinh hoạt thường niên của người dân tộc Sán Chỉ ở Bình Liêu. Có những cô gái nhiều năm liền tham gia các giải đấu từ khi mới 15-16 tuổi.
Trước đây, phụ nữ Sán Chỉ chỉ học hát soóng cọ, làm ruộng bậc thang, nấu ăn. Cả đời gắn bó với núi rừng, trèo đèo lội suối lao động chân tay nên các cô gái đều có thể lực tốt, ham thích thể thao, biết thổi sáo và làm nghề nông rất giỏi. Nếp khăn vấn tóc của họ xưa kia được buộc chặt trên đầu, vừa giữ tóc, vừa giữ phẩm giá đoan chính. Giữ nếp khăn gọn ghẽ, nghiêm ngắn cũng là giữ mình có khoảng cách với đàn ông, không để ai chọc ghẹo.
Ngày nay, nhiều cô gái Sán Chỉ vẫn nguyên vành khăn tua đỏ trên đầu, nhưng thích thú chạy theo quả bóng mướt mải mồ hôi. Có khi sân bóng mà các cô tập luyện chỉ là những chân ruộng bậc thang, hay là những sân bãi tự nhiên. Những khuôn mặt rạng ngời niềm vui, bờ vai thanh xuân và những bắp chân tròn lẳn theo mỗi đường bóng là điều hấp dẫn hơn cả đối với các giải bóng đá nữ như thế.
Cô gái Sán Chỉ ở xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu Tằng Thị Mai nói với tôi: "Muốn làm du lịch, phụ nữ chúng em phải mạnh dạn hơn từ khâu tổ chức cuộc sống cho gia đình mình, để dành thời gian tham gia sinh hoạt cộng đồng. Chúng em tiếp xúc với nhiều người hơn, biết giữ gìn vệ sinh môi trường, bản làng sạch sẽ, trồng hoa thành vườn quanh làng, quanh xóm, làm ruộng bậc thang vừa đẹp, vừa đúng thời điểm mới có thể làm du lịch cộng đồng. Phụ nữ Sán Chỉ hiện nay đã biết tự chủ vươn lên trong cuộc sống, không như các bà, các mẹ mình ngày xưa chỉ biết ngồi tựa cửa chờ chồng đi rừng về".
Hiếm có nơi nào như huyện biên giới Bình Liêu, phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán và ham thích thể thao, ham sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tham gia học hát dân ca như người dân tộc Sán Chỉ nơi đây. Đó chính là những hoạt động mang tính kết nối cộng đồng rất cao, giúp họ tự chủ trong cuộc sống và dựa vào cộng đồng để phát triển sinh kế.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/di-binh-lieu-xem-phu-nu-mac-vay-da-bong-179221106162851959.htm