Đến hạn trình phương án cải cách tiền lương, giáo viên chịu ảnh hưởng thế nào?
Ngày 16/9/2023 là hạn cuối để Bộ Nội vụ hoàn thành phương án cải cách tiền lương, báo cáo Chính phủ, vậy viên chức giáo viên chịu ảnh hưởng thế nào?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Nội vụ đã gấp rút hoàn thiện Đề án cải cách tiền lương. Hạn chót để hoàn thiện là ngày 16/9/2023.
Trước đó, năm 2018, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Việc cải cách được thực hiện đồng bộ từ tiền lương khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tới tiền lương của khu vực doanh nghiệp, người lao động. Mục tiêu là xây dựng một chính sách tiền lương có sự đồng bộ, hài hòa giữa khu vực công và khu vực tư.
Giáo viên là viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không còn được hưởng một số khoản phụ cấp khi cải cách tiền lương.
Các khoản phụ cấp sẽ không còn khi cải cách tiền lương
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, tổng quỹ phụ cấp bảo đảm chiếm tối đa 30% so với tổng quỹ lương.
Theo đó, bãi bỏ các loại phụ cấp sau (trích):
1. Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức);
Mức phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định 77/2021/NĐ-CP được tính như sau: Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Mức tiền phụ cấp thâm niên = Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng nhân cho mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ nhân cho mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.
2. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ);
Theo quy định tại Thông tư 33/2005/TT-BGD&ĐT, chế độ phụ cấp chức vụ được áp dụng đối vơi cán bộ, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ sở giáo dục công lập, bao gồm:
Hiệu trưởng, hiệu phó trường mầm non. Hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ phó tổ chuyên môn của trường tiểu học, trung học học cơ sở và trung học phổ thông. Hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng khoa, phó khoa… của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề.
Ví dụ, hiệu trưởng trường chuyên biệt tỉnh, hiệu trưởng trường hạng 1 trường trung học phổ thông có hệ số phụ cấp chức vụ là 0,70; phó hiệu trưởng: 0,55; tổ trưởng chuyên môn: 0,25.
3. Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội. Ví dụ, giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn.
4. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (vì đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Ví dụ, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 113/2015/NĐ-CP thì giáo viên được hưởng phụ cấp độc hại khi dạy thực hành, dạy tích hợp tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Bên cạnh đó, gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề.
Phụ cấp theo nghề được áp dụng với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước như giáo dục và đào tạo, y tế, kiểm toán…
Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Các khoản phụ cấp tiếp tục áp dụng sau cải cách tiền lương
Theo Nghị quyết 27 thì 7 khoản phụ cấp được tiếp tục áp dụng gồm:
1. Phụ cấp kiêm nhiệm. Áp dụng đối với các đối tượng đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị, đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.
Ví dụ, giáo viên làm kiêm nhiệm công tác tổ trưởng hoặc tổ phó chuyên môn.
2. Phụ cấp thâm niên vượt khung. Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có đủ điều kiện thời gian và tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định.
Ví dụ, tại tiểu mục 1.1 Mục III Thông tư 04/2005/TT-BNV, được bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BNV có quy định thâm niên vượt khung nhà giáo như sau:
Giảng viên Đại học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông: hưởng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó nếu sau 03 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng, từ năm thứ 4 trở đi được tính thêm 1%.
Giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non: hưởng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch sau 02 năm (đủ 24 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch. Từ năm thứ 3, mỗi năm tính thêm 1%.
3. Phụ cấp khu vực. Loại phụ cấp này thực hiện áp dụng với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và có khí hậu xấu.
Xem thêm Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT/BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT quy định về việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực.
4. Phụ cấp lưu động. Áp dụng với cán bộ, công viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.
Ví dụ, tại tiểu mục 2 Mục II Thông tư 06/2005/TT-BNV quy định về mức và đối tượng hưởng phụ cấp lưu động như sau: Phụ cấp lưu động được áp dụng cho giáo viên đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn, bản.
Mức hưởng phụ cấp lưu động của giáo viên là 0,2 so với mức lương cơ sở. Hiện nay, lương cơ sở là 1.800.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Do đó, mức hưởng phụ cấp lưu động của giáo viên là 360.000 đồng.
5. Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Áp dụng với người có đủ thời gian công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.
Xem thêm Thông tư liên tịch số 35/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Nghị quyết còn 27 còn bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo...
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/den-han-trinh-phuong-an-cai-cach-tien-luong-giao-vien-chiu-anh-huong-the-nao-179230917181455617.htm