Đề xuất quy định về học kỳ quân đội, lính cứu hỏa, khóa tu cho trẻ em
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình và ngoài cơ sở giáo dục.
Tổ chức hoạt động cho trẻ em ngoài gia đình, cơ sở giáo dục phải phù hợp độ tuổi
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong thời gian gần đây, một số hoạt động, khóa học được tổ chức ngoài gia đình và ngoài nhà trường đã thu hút nhiều trẻ em tham gia như: học kỳ quân đội, học kỳ công an, học kỳ cảnh sát, trại hè lính cứu hỏa, trại hè thiếu niên siêu đẳng, trại hè quốc tế, khóa tập tu mùa hè với hàng nghìn trẻ em tham gia.
Về số lượng trẻ em: mỗi loại hình, học kỳ với quy mô khác nhau, học kỳ quân đội từ 100 đến 600 em, học kỳ công an từ 100 đến 150 em, khóa tập tu mùa hè từ 300 đến hàng nghìn em tham gia.
Về điều kiện đối với trẻ em tham gia khác nhau (quy định về độ tuổi, cơ sở vật chất, tài chính, đồ dùng mang theo…).
Về thời gian, khung chương trình: Học kỳ quân đội từ 10-15 ngày, Học kỳ cảnh sát từ 7-10 ngày, Học kỳ nhân ái từ 5-7 ngày, Trại hè lính cứu hỏa từ 7-10 ngày, Trại hè thiếu niên siêu đẳng 4 ngày, Trại hè quốc tế từ 10-30 ngày…
Về độ tuổi: mỗi khóa học/học kỳ quy định độ tuổi khác nhau như Học kỳ quân đội trẻ em tham gia từ 11 đến 17 tuổi, Học kỳ công an trẻ em tham gia từ 09 tuổi đến 15 tuổi, Trại hè lính cứu hỏa trẻ em tham gia từ 08-17 tuổi, khóa tập tu mùa hè trẻ em tham gia dưới 16 tuổi...
Về kinh phí: mỗi khóa học/học kỳ thu mức khác nhau như Học kỳ quân đội, học kỳ nhân ái… khoảng từ 4 - 7 triệu đồng, Trại hè lính cứu hỏa khoảng từ 3 - 6 triệu đồng. Trại hè Singapore khoảng 50 triệu đồng, trại hè Úc khoảng 65 triệu đồng, Trại hè Mỹ khoảng 120 - 200 triệu đồng.
Mỗi lần tổ chức không quá 15 ngày
Theo dự thảo thông tư, thời gian tổ chức một lần cho một chương trình không quá 15 ngày (bao gồm cả thứ bẩy và chủ nhật). Thời gian hoạt động trong một ngày không quá 6 giờ.
Chương trình, nội dung hoạt động phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và quá trình phát triển của trẻ em; không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và dành ít nhất 20% thời lượng tổ chức hoạt động bổ trợ, vui chơi giải trí dành cho trẻ em.
Đối với khóa học Học kỳ quân đội, học kỳ cảnh sát, lính cứu hỏa, học kỳ nhân ái, nội dung học tập về chuyên môn ít nhất phải đảm bảo 50% thời lượng của Chương trình. Nội dung học tập kỹ năng chiếm khoảng 30% thời lượng của Chương trình. Nội dung hoạt động bổ trợ, vui chơi giải trí chiếm khoảng 20% thời lượng của Chương trình.
Đối với khóa tập tu tại các cơ sở tôn giáo, nội dung học tập về chuyên môn ít nhất phải bảo đảm 50% thời lượng của Chương trình. Nội dung học tập bổ trợ và vui chơi giải trí chiếm 50 % thời lượng của Chương trình.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, đặc điểm của trẻ em tham gia khóa học để điều chỉnh bổ sung nội dung chương trình cho phù hợp, nhưng phải bảo đảm tối thiểu 75% các nội dung trong chương trình khung nêu trên.
Căn cứ điều kiện cơ sở vật chất lựa chọn quy mô tổ chức cho phù hợp và phải chia nhóm, tổ, đội. Mỗi nhóm, tổ, đội không quá 60 em.
Tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện với trẻ em
Nhìn lại việc tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình và ngoài cơ sở giáo dục thời gian gần đây, Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thấy cần thiết phải đề xuất thông tư hướng dẫn nhằm ngăn chặn những hệ lụy xấu từ việc tổ chức các khóa tu, học kỳ ngoại khóa vào mùa hè cho trẻ em.
Tháng 8/2019, bà Võ Thị Hương (48 tuổi, Bình Thuận) gửi đơn tố cáo ông Lương Việt Đức (26 tuổi, pháp danh Thiện Lam, chủ tịnh thất ở xã Hàm Chính) lên Công an huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) về việc hành hạ, đánh đập và xâm hại tình dục con trai bà (11 tuổi). Được biết, gần hai tháng trước, bà gửi con trai tham gia khóa tu hè ở tịnh thất của ông Đức.
Tháng 3/2021, ông N.V.T (40 tuổi, ngụ ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước) đến Công an xã Đông Hưng trình báo việc con gái của ông là bé N.N.N. (15 tuổi) bị người quản lý khóa tu mùa hè giao cấu nhiều lần dẫn đến mang thai.
Làm việc với cơ quan chức năng, cháu N.N.N. trình bày, tháng 6/2020, N.N.N. tham dự khóa tu mùa hè tại chùa T.T. (xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, Cà Mau). Trong thời gian này, cháu N. quen biết với Đ.D.P. (thường gọi là chú Th.) ở chùa P.T. (Quận 9 cũ, nay là thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) xuống chùa T.T. quản lý khóa tu mùa hè.
Kết thúc khóa tu học, P. chở cháu N. đi chơi tại thị trấn Cái Nước và thực hiện hành vi giao cấu với N. nhiều lần. Hiện cháu N.N.N. mang thai hơn 30 tuần (theo chẩn đoán của bác sĩ). Sau khi phát hiện sự việc, gia đình N. trình báo với Công an xã Đông Hưng.
Như vậy, Thông tư hướng dẫn tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình và ngoài cơ sở giáo dục được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện với trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định, phát triển toàn diện trẻ em, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-xuat-quy-dinh-ve-hoc-ky-quan-doi-linh-cuu-hoa-khoa-tu-cho-tre-em-179220711180233858.htm