Đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng khó khăn
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng khó khăn mở rộng diện bao phủ.
Ngày 12/7, ông Trần Quốc Túy, Phó ban Quản lý thu - Sổ thẻ thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cơ quan này đã góp ý sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế.
Theo đó, tính đến ngày 32/12/2021, số người tham gia bảo hiểm y tế là 88,837 triệu người tăng 794.000 người (0,9%) so với năm 2020; đạt tỷ lệ khoảng 91,01% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Số người tham gia bảo hiểm y tế từ năm 2017 đến năm 2020 hằng năm đều tăng khoảng trên 2 triệu người, bình quân tăng khoảng 3% một năm.
Tuy nhiên, từ năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và chính sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân sinh sống tại các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và người dân sinh sống tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 353 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ đã làm sụt giảm số người tham gia bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế với đồng bào thiểu số, người dân sinh sống vùng đặc biệt khó khăn. Theo quy định, nhóm này được nhà nước hỗ trợ 100% mua thẻ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, một số nhóm lao động được đề nghị bổ sung đóng bảo hiểm y tế bắt buộc gồm: Quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh cá thể; lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhà nước cần có quy định tham gia bảo hiểm y tế với nhóm lao động đang tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; trẻ dưới 6 tuổi có bố hoặc mẹ quốc tịch Việt Nam sinh ra ở nước ngoài sau đó về nước sống; người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập... trên lãnh thổ Việt Nam.
Tại quyết định số 861/QĐ-TTg còn có một số bất cập, gây ảnh hưởng đến 3,1 triệu người, trong đó còn khoảng 2,65 triệu người chưa tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, về lâu dài, Bảo hiểm xã hội đang đề xuất sửa luật.
Cơ quan này cũng chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để có chính sách hỗ trợ.
Hiện nay, nhiều địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho người dân đóng bảo hiểm y tế khi phải chuyển đổi khu vực bằng ngân sách địa phương.
Bảo hiểm xã hội cũng tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về chính sách này. Tuy nhiên, những đối tượng ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, bãi ngang, ven biển hải đảo vẫn còn tương đối khó khăn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-xuat-nang-muc-ho-tro-dong-bao-hiem-y-te-cho-mot-so-nhom-doi-tuong-kho-khan-179220712215313367.htm