Đề xuất mở rộng tổ hợp nhà ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua Hà Nội

PV
15:18 - 02/02/2023

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc rà soát hướng tuyến, vị trí nhà ga dự kiến của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đề xuất bỏ Depot tại huyện Thường tín, tích hợp vào tổ hợp nhà ga Ngọc Hồi

Theo đó, về hướng tuyến qua địa phận thành phố Hà Nội, liên ngành (gồm Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch kiến trúc và Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra) của thành phố Hà Nội thống nhất giữ nguyên phương án hướng tuyến đã được thành phố Hà Nội thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 12/2018 (phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam thống nhất).

Đề xuất mở rộng tổ hợp nhà ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua Hà Nội - Ảnh 1.

Hà Nội đề xuất mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, depot của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và hình thành trong tương lai tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia. Ảnh minh họa: Alstom

Về vị trí nhà ga, theo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội góp ý trước đây, dự kiến bố trí Depot đầu tuyến tại huyện Thường Tin (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6km về phía Nam, quy mô diện tích đất dự kiến 85ha).

Tuy nhiên, qua rà soát quy hoạch vị trí nhà ga của các loại hình đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị), đơn vị tư vấn thẩm tra đề xuất tư vấn thiết kế thống nhất nên mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, depot của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và hình thành trong tương lai tổ hợp công nghiệp đường sắt quốc gia.

Liên ngành nhận thấy nội dung đề xuất của đơn vị tư vấn thẩm tra là phù hợp, tuy nhiên cần tính toán diện tích đất cần bổ sung tại tổ hợp ga Ngọc Hồi làm cơ sở để thành phố Hà Nội rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan; thống nhất đề xuất bỏ vị trí Depot tại huyện Thường tín (cách ga Ngọc Hồi khoảng 3,6km) và tích hợp Depot này vào tổ hợp ga Ngọc Hồi, để tăng diện tích phát triển đô thị hai bên Vành đai 4.

Bên cạnh đó, liên ngành cũng thống nhất với đề xuất của Tư vấn thẩm tra, trên địa bàn thành phố Hà Nội xem xét bố trí một vị trí nhà ga dự phòng cho việc kết nối với sân bay Hà Nội 2 trong tương lai.

Trên cơ sở tổng hợp các nội dung liên quan đến hướng tuyến, vị trí nhà ga Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam qua địa bàn Hà Nội được Liên ngành rà soát, Sở Giao thông Vận tải đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giữ nguyên theo phương án đã được thành phố Hà Nội có ý kiến thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải vào năm 2018.

Đối với nội dung đơn vị tư vấn thẩm tra đề xuất nên mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, Depot của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và đường sắt tốc độ cao (trong đó có có Depot của tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam) là có thể xem xét chấp thuận, tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần rà soát, tính toán diện tích đất cần bổ sung tại tổ hợp ga Ngọc Hồi làm cơ sở để thành phố Hà Nội rà soát, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cũng như các quy hoạch có liên quan.

Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với đề xuất của Tư vấn thẩm tra, trên địa bàn thành phố Hà Nội xem xét bố trí một vị trí nhà ga dự phòng cho việc kết nối với sân bay Hà Nội 2.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một trong những dự án chiến lược của Đường sắt Việt Nam.

Tháng 11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Giao thông Vận tải thống nhất nghiên cứu đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ thiết kế 250 km/giờ, khai thác 180 - 225 km/giờ.

Cụ thể hóa chủ trương và chính sách của Đảng về phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ đã giao các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trình Hội đồng thẩm định nhà nước và các cấp để sớm triển khai theo quy hoạch, trong đó, nghiên cứu triển khai trước đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Cùng với đó, Chính phủ đã phê duyệt và bố trí khoảng 3.100 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh.



Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-xuat-mo-rong-to-hop-nha-ga-duong-sat-cao-toc-bac-nam-qua-ha-noi-179230202150801007.htm