Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu xuống 15 năm

PV
13:19 - 04/03/2023

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có tờ trình dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ, trong đó có đề xuất lao động thôi việc và đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu thay vì 20 năm như quy định hiện hành.

Trong tờ trình dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 1/3/2023, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận định việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho lao động tham gia hệ thống muộn hoặc đóng không liên tục, đóng thời gian ngắn vẫn được hưởng lương hưu.

Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Ảnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Tuy nhiên, để được hưởng lương hưu thì người lao động cũng phải đảm bảo điều kiện về độ tuổi bắt đầu hưởng lương hưu. Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), lao động nam đủ 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ 56 tuổi 8 tháng, tương ứng với tuổi nghỉ hưu. Mỗi năm sau đó, tuổi hưởng lương hưu tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Luật hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng.

Để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, dự thảo lần này cũng bổ sung nhóm bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội gồm chủ hộ kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã, lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Trước đó, tại nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhiều lần nhắc đến việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm, thậm chí lộ trình xuống 10 năm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên đề xuất này được thể hiện bằng văn bản gửi Chính phủ và đăng công khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trên Cổng thông tin của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội .

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội gồm 9 chương, 133 điều (Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm 9 chương, 125 điều). Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất một số nội dung như: Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội và quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện….

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-xuat-giam-so-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-huong-luong-huu-xuong-15-nam-17923030411225957.htm