Đề xuất đổi tên dự án Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, làm rõ khái niệm "người gốc Việt Nam"
Cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ đổi tên Luật thành Luật Căn cước cũng như Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước như tờ trình của Chính phủ. Đại biểu cũng đề nghị cần giải thích rõ về khái niệm "người gốc Việt Nam".
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, ngày 28/8, tại Nhà Quốc hội, báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân (sửa đổi); đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, hiện còn 2 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của Luật.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với căn cước điện tử, một số ý kiến băn khoăn về sự cần thiết cấp và quản lý căn cước điện tử; đề nghị làm rõ cơ sở thực tiễn để kiểm chứng hiệu quả áp dụng quy định căn cước điện tử trong dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho giữ các quy định về căn cước điện tử như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Liên quan đến giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (Điều 7 dự thảo Luật Chính phủ trình), tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chuyển Điều này về Chương III (Điều 30), đổi tên Chương III thành "Thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước" và bổ sung, chỉnh lý Điều 5, chỉnh sửa toàn diện Điều 30 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý nhằm quy định cụ thể, rõ hơn về người gốc Việt Nam; điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước, việc cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước; thông tin được thu thập, cập nhật, lưu trữ và việc khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam; việc quản lý người gốc Việt Nam; bổ sung đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam.
Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình) và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16 dự thảo Luật Chính phủ trình), để có căn cứ thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, bảo mật cơ sở dữ liệu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực về chuyên môn và kỹ thuật, bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ an toàn ở mức tối đa.
Nên đổi tên dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước
Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, về vấn đề tên gọi, hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về việc giữ tên Luật Căn cước công dân, hay nên đổi thành Luật Căn cước, đại biểu nhất trí với phương án đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước.
Theo đại biểu, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc.
Đại biểu cho rằng, các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, nhưng đang hiện hữu, sinh sống, là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa… Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội.
Đại biểu nhấn mạnh, việc mở rộng cấp căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất với việc đặt tên là thẻ căn cước. Theo đại biểu, trên thực tế, đặt tên là thẻ căn cước sẽ đảm bảo gọn gàng của tên gọi....
Mặc dù, một số đại biểu cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, tuy nhiên, dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ. Đại biểu cho rằng việc này sẽ không gây tốn kém như lo lắng của các đại biểu. Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch. Đây là vấn đề mới, phù hợp và cần thiết. Do đó, đại biểu cho rằng, việc đổi tên là thẻ căn cước hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng bày tỏ thống nhất với việc cần thiết cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch.
Về thông tin trong cơ sở dữ liệu, đại biểu bày tỏ nhất trí với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đại biểu, những dữ liệu bắt buộc ghi trong thẻ căn cước thì bắt buộc phải có như họ tên, năm sinh, quê quán, quốc tịch… Đây là thông tin bắt buộc, còn những dữ liệu chỉ lưu trữ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cân nhắc việc bổ sung nhiều trường thông tin trong dữ liệu căn cước
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng bày tỏ tán thành cao với các nội dung sửa đổi, chỉnh lý của dự thảo Luật, cho rằng các nội dung dự thảo Luật đã hướng tới sửa đổi, khắc phục các vấn đề bất cập của Luật hiện hành, đảm bảo cải cách hành chính, chuyển đổi số, đảm bảo quyền và lợi ích của công dân…
Liên quan đến nội dung cụ thể tại Điều 9 quy định về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Điều 15 quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần cân nhắc việc bổ sung quá nhiều thông tin vào dữ liệu căn cước. Bởi dự thảo Luật lần này yêu cầu bổ sung rất nhiều thông tin của công dân, trong đó có cả thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói... Theo đại biểu đây là những thông tin có tính bảo mật cao nhất của công dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị xem xét lại nội dung quy định chuyển tiếp và thời điểm hiệu lực thi hành của dự thảo Luật. Theo đó, cần bổ sung nội dung về lộ trình và nguồn lực thực hiện (nguồn lực con người, kinh tế, hạ tầng kỹ thuật...) để đảm bảo tính khả thi.
Góp ý về quy định tại Điều 24 về các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại khoản 1 quy định: Thẻ căn cước được cấp đổi trong các trường hợp (Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; Thay đổi nhân dạng, xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; Có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước; Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính; Xác lập lại số định danh cá nhân; Khi người được cấp thẻ có yêu cầu), Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về nội dung này.
Đại biểu phân tích, quy định điểm bổ sung: Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính cần được nghiên cứu kỹ hơn, bởi việc bắt buộc cấp đổi các loại thẻ trong những trường hợp này chỉ được quy định cho nơi sinh hay quy định cho cả nơi cư trú ở nơi cấp hoặc có nên quy định đây là trường hợp bắt buộc phải cấp đổi cấp lại thẻ hay không hay chỉ nên quy định trong những trường hợp mà công dân có yêu cầu. Việc cấp đổi cấp lại thẻ ở phạm vi rộng sẽ phát sinh những chi phí tuân thủ cho người dân cũng như là các cơ quan nhà nước.
Đại biểu đề nghị quy định thống nhất về thông tin của công dân về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh; cân nhắc thông tin nào cần cho sự quản lý của nhà nước về công dân. Theo đại biểu nên quy định như hiện hành là nơi đăng ký khai sinh, không phải trường hợp nào nơi sinh cũng cần phải quản lý…
Cần giải thích rõ về khái niệm "người gốc Việt Nam"
Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án luật tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung, đến nay dự thảo luật đã tương đối hoàn thiện.
Bàn thêm một số nội dung liên quan đến vấn đề tên luật còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu thống nhất gọi tên luật là Luật Căn cước, bởi các đối tượng điều chỉnh trong dự thảo luật này gồm có người gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Đại biểu cho rằng, cần giải thích rõ về khái niệm "người gốc Việt Nam" trong phần giải thích từ ngữ. Tại khu vực biên giới, có những trường hợp không phải người gốc Việt, mà là cư dân của các nước lân cận sang, ta có nên cấp giấy chứng nhận, căn cước cho họ hay không? Đại biểu cho rằng vấn đề này cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Về quy định tại Điều 29 về thu hồi, giữ thẻ căn cước, trong dự thảo có quy định Chính phủ sẽ quy định chi tiết, hướng dẫn nội dung này. Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam, hoặc bị hủy quyết định trao quốc tịch Việt Nam. Đại biểu cho rằng, về thời gian, khi Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao thu hồi, thì quy định bao nhiêu thời gian để nộp lại thẻ đó cho cơ quan quản lý về căn cước... cần phân định rõ, trong trường hợp nào thì thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tư pháp, trong trường hợp nào thì thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Ngoại giao để đảm bảo rõ ràng, nhất quán.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực tế khái niệm "người gốc Việt" đã được bổ sung vào khoản 17 Điều 3. Theo đó, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là người đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ là công dân Việt Nam hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ gây ngộ nhận, vì vậy, cần bổ sung, sửa đổi để thể hiện rõ ràng hơn nội dung về quan hệ thân tộc đối với khái niệm này.