Đề xuất chi 3.500 tỉ đồng để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn có khả thi?
Đề xuất mua sách giáo khoa cho học sinh mượn đã đến lúc tính toán và triển khai, tuy nhiên việc này có thể giải quyết những bất cấp về sách giáo khoa hiện nay hay không?
Tại Hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày 29/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, bộ này đã giao Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với vụ chuyên môn tính toán, đề xuất Chính phủ phương án nhà nước mua sách giáo khoa và cung cấp cho các thư viện trường học để cho học sinh mượn.
Có 3 phương án được đưa ra: Thứ nhất là nhà nước mua 100%; Thứ hai là nhà nước mua 70% số sách giáo khoa theo nhu cầu và cuối cùng là mua sách giáo khoa cho học sinh nghèo mượn như hiện nay.
Qua phân tích, đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn phương án 2 là nhà nước mua sách giáo khoa cho 70% số học sinh, bởi vì có những em gia đình có điều kiện và có nhu cầu mua sách giáo khoa sử dụng riêng. Cũng theo ông Thưởng, qua tính toán, số tiền bỏ ra mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn lần đầu tiên này sẽ khoảng 3.500 tỷ đồng, hàng năm bổ sung khoảng 20%.
Sách giáo khoa không đáng bàn bằng các loại sách bài tập, sách bổ trợ đi kèm
Từ những thông tin mà Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại Hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông thực ra chỉ giải quyết được "cái ngọn" của vấn đề.
Cũng theo ông Thưởng "nếu thực hiện được thì sẽ giải quyết được những bức xúc về giá sách giáo khoa" nhưng chúng tôi cho rằng vấn đề bức xúc nhất hiện nay của phụ huynh là những sách bài tập, sách bổ trợ đi kèm chứ sách giáo khoa không phải là điều quá lớn đối với phụ huynh.
Bởi lẽ, nếu chỉ mình sách giáo khoa thì giá mỗi một bộ cũng chỉ dao động từ 200-350 ngàn đồng - số tiền này đa phần phụ huynh không ngán ngại. Vấn đề nằm ở chỗ là các nhà xuất bản chia nhỏ ra rất nhiều sản phẩm khác nhau, có sự dích dắc, móc xích với nhau để lồng ghép theo kiểu "bia kèm lạc" nên dẫn đến giá mỗi bộ sách lên gấp đôi, gấp ba lần bộ sách giáo khoa mà nhà xuất bản niêm yết giá.
Giá sách giáo khoa hiện nay mà các nhà xuất bản công bố chưa thực sự làm cho phụ huynh yên tâm. Họ chỉ công bố sách giáo khoa giá rẻ, còn riêng sách giáo khoa tiếng Anh thì không nhà xuất bản nào công bố giá. Mình sách tiếng Anh cũng có giá gần bằng tất cả các môn học mà nhà xuất bản thông tin trên website của mình.
Sách bài tập, sách bổ trợ, đồ dùng học tập (đặc biệt là cấp tiểu học) đang là nỗi ám ảnh cho phụ huynh. Nhiều đồ dùng mua nhưng rất hiếm được sử dụng, các loại sách bài tập thì môn học nào cũng có nhưng chỉ có sách bài tập tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt là được sử dụng. Các loại bài tập và bổ trợ khác chỉ mua về rồi cất vào giá sách. Trong khi, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị biên soạn và xuất bản nhiều sách giáo khoa, sách bài tập, sách bổ trợ là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì thế, mấu chốt sự bức xúc của phụ huynh vào thời điểm đầu năm học là những sản phẩm đi kèm sách giáo khoa chứ không chỉ đơn thuần là sách giáo khoa.
Chừng nào Bộ chưa quản được sách bài tập, sách giáo khoa bán kiểu "bia kèm lạc"; chừng nào lãnh đạo Sở và Phòng Giáo dục còn "thọc tay" vào chuyện mua bán sách giáo khoa ở các nhà trường thì những bức xúc của phụ huynh sẽ còn. Không chỉ sách giáo khoa chính khóa mà ngay cả sách tuyển sinh 10, sách Nội dung giáo dục địa phương hiện nay Sở vẫn lập lờ để bán cho học sinh càng nhiều càng tốt.
Đề xuất chi 3.500 tỉ đồng để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn sẽ lãng phí
Trong điều kiện kinh tế hiện nay, phần lớn phụ huynh sẽ không mượn sách giáo khoa của nhà trường - cho dù là mượn không, với các lý do sau đây:
Thứ nhất: đa phần phụ huynh ngày nay chỉ có 1-2 đứa con nên họ sẽ đầu tư tốt nhất cho con mình dù kinh tế chưa thực sự dư dả. Mua sách giáo khoa mới sẽ thuận lợi cho con em mình học tập bởi lẽ sách còn mới, không bị rách, nhàu, không bị vẽ bậy. Thứ hai: khi đi mượn, chắc gì học sinh mượn đủ sách cả bộ mà mượn của nhà trường phải qua nhiều thủ tục phức tạp, phải chờ đợi.
Thứ ba: sách giáo khoa hiện nay có rất nhiều bài học đang được thiết kế phiếu học tập, hoặc dạng bài tập điền khuyết trên sách nên học sinh khóa trước thường làm sẵn trên sách, dẫn đến khóa sau rất khó học. Thứ tư: sách giáo khoa hiện nay dù được thiết kế 4 màu đẹp, bắt mắt nhưng kỹ thuật đóng không tốt, sử dụng 1 năm cơ bản đã hư hỏng khá nhiều. Giá trị sử dụng khó được lâu dài.
Vì thế, nếu nhà nước đầu tư chỉ nên đầu tư cho học sinh ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi đặc biệt khó khăn. Những vùng có điều kiện thì nhà nước không nên đầu tư bởi nó sẽ dẫn đến lãng phí. Rất nhiều sách giáo khoa chương trình 2006 ở các thư viện nhà trường nằm mốc rồi bây giờ thanh lý khi thực hiện chương trình 2018. Mặc dù nhà trường đều khuyến khích học sinh mượn nhưng cực hiếm có học sinh mượn vì nhiều lý do khác nhau. Hơn nữa, đa phần các thư viện trường học hiện nay không được đầu tư kiên cố mà nhiều vùng hiện nay thường xuyên có mưa, bão, lũ. Nếu không may bị mưa bão sẽ hư hại hết, lãng phí sẽ chồng lãng phí.
Thay vì đề xuất nhà nước chi 3.500 tỉ đồng để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, Bộ cần có chỉ đạo các nhà xuất bản không được thiết kế bài tập sẵn trên sách giáo khoa, các cấp Sở, Phòng không được can thiệp vào chuyện mua bán sách giáo khoa. Các trường niêm yết danh mục những loại sách giáo khoa và phụ huynh tự mua tại các nhà sách và nhà trường không gợi ý phụ huynh mua sách bài tập, sách bổ trợ. Chỉ cần như vậy thôi là quý lắm rồi, còn chuyện sách giáo khoa hãy để phụ huynh tự mua cho con em mình.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-xuat-chi-3500-ti-dong-de-mua-sach-giao-khoa-cho-hoc-sinh-muon-co-kha-thi-179221001085635281.htm