Đề thi tuyển sinh vào lớp 10: Câu hỏi khó để phân hóa thí sinh

10:00 - 11/06/2023

Mức độ khó của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 thường phụ thuộc vào tỉ lệ chọi của địa phương tổ chức kỳ thi này. Điều ít người biết là việc nhiều thí sinh không làm hết các câu hỏi trong đề đã nằm trong dự đoán và ý đồ của người ra đề thi.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10: Câu hỏi khó để phân hóa thí sinh - Ảnh 1.

Thí sinh Hà Nội làm xong bài thi tuyển sinh vào lớp 10 ra khỏi điểm thi. Ảnh: Ngọc Ánh

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 có mức độ khó như thế nào?

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ có những thí sinh thi vào các trường trung học phổ thông chuyên thì các môn chuyên sẽ khó, thậm chí rất khó nhằm tìm ra những thí sinh ưu tú nhất để tuyển đầu vào. Cấu trúc, hình thức đề cũng khác với đề không chuyên và thời gian thi bao giờ cũng dài hơn.

Tuy nhiên, đối với những thí sinh thi vào các trường trung học phổ thông không chuyên thì thường là có nhiều câu hỏi trong đề thi vừa sức. Tuy nhiên, đề thi luôn có những câu hỏi khó phân hóa trong mỗi đề thi nhằm hướng tới một mục đích rõ ràng trong tuyển sinh.

Nếu đề dễ quá, xảy ra tình trạng "mưa điểm 9, điểm 10" thì việc tuyển sinh sẽ gặp khó khăn và tiếc nuối cho nhiều phụ huynh và thí sinh dự thi. Vì vậy, chủ trương ra đề thi tuyển sinh 10 là đảm bảo thí sinh ở các địa bàn trong tỉnh (thành phố) đều có những điểm số chấp nhận được.

Đối với những trường khó khăn phải đảm bảo điểm chuẩn tuyển đầu vào không quá thấp, còn những trường có điều kiện thì đương nhiên điểm sẽ cao hơn vì đề thi đã có những câu hỏi khó. Vì thế, đối với những cán bộ, giáo viên khi ra đề thi bao giờ cũng được lãnh đạo sở sinh hoạt khá kĩ lưỡng về tính phân hóa trong mỗi đề thi.

Theo chủ trương chung của ngành giáo dục hiện nay, đề thi và ngay cả đề kiểm tra định kỳ ở các nhà trường được chia làm 4 mức độ kiến thức khác nhau, đó là: phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.

Phần nhận biết và thông hiểu (thường dao động 5,0-6,0 điểm/ đề thi) là phần đề thi hướng tới những thí sinh không bị điểm liệt, hoặc điểm quá thấp vì có những câu hỏi cực dễ, ít nhất thí sinh có học lực trung bình thực sự sẽ lấy được khoảng 60-80% tổng điểm cho 2 phần này.

Đối với phần vận dụng thấp sẽ có khoảng 2,0-3,0 điểm là phần hướng tới những học sinh có học lực khá. Vì thế, nếu học sinh làm tốt được 3 phần đầu tiên của đề thi, các em sẽ có khoảng 6,0-8,0 điểm và những em làm chưa tốt thì cũng thường đạt ở ngưỡng điểm 5,0 hoặc cận kề với ngưỡng điểm này. Tuy nhiên, thực tế các địa phương vẫn có rất nhiều em có điểm thi dưới trung bình.

Phần vận dụng cao thường có 2 điểm, phần này là hướng tới mức độ phân hóa cho học sinh, đây là phần dành cho những học sinh giỏi thực sự mới làm được. Vì thế, nhiều thí sinh khi làm bài thi môn Toán, tiếng Anh, hoặc những môn tự nhiên khác thường phải bỏ 1, 2 câu không làm được là bởi đó là dụng ý của người ra đề.

Thí sinh không được làm vài câu trong đề là việc bình thường

Riêng với môn Ngữ văn thì khác. Đề khó hay dễ thì gần như thí sinh nào cũng đều nói làm được hết nhưng… đúng được đáp án hay không lại là chuyện khác vì môn thi này không phải là môn học, môn thi định lượng. Tuy nhiên, trong thực tế đề Ngữ văn cũng như các đề thi khác đều có tính phân hóa rõ ràng.

Cho dù phần làm văn, đề yêu cầu phân tích, cảm nhận một bài thơ, đoạn thơ, một nhân vật văn học nào đó thì trong hướng dẫn chấm đều có phần phân hóa đối tượng học trò cụ thể. Vì thế, chuyện học sinh làm được hết đề thi môn Văn nhưng khi biết điểm thì lại thấp là chuyện rất bình thường.

Nếu theo dõi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của các địa phương trong nhiều năm, sẽ thấy những trường lấy điểm chuẩn 7,0 điểm/ môn thi chỉ tính trên đầu bàn tay. Phần nhiều các trường trung học phổ thông không chuyên chỉ lấy điểm chuẩn ở mức điểm trung bình, hoặc trung bình khá (5,0-6,5 điểm/1 môn thi). Đối với các trường ở khu vực nông thông, miền núi chỉ lấy ở ngưỡng điểm chuẩn 4,0 đến gần 5,0 điểm/ môn. Thậm chí còn thấp hơn.

Điều dễ thấy nhất là gần hết các địa phương đều vận dụng nhân điểm hệ số 2 đối với môn 2 môn thi là Ngữ văn và Toán nhưng đa số các trường trung học phổ thông không chuyên lấy điểm chuẩn đầu vào ở mức 20-25 điểm. Tốp điểm chuẩn từ 25-30 điểm không nhiều, kể cả một số trường ở khu vực thành thị. Những trường trên 30 điểm hiếm dần…

Điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 những trường trung học phổ thông không chuyên thường thấp

Thực tế, điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 cao hay thấp không hẳn phản ánh đầy đủ chất lượng học tập ở các trường trung học cơ sở vì đề thi của cả 1 tỉnh, thành phố đều thi đề chung nên mức độ khó là điều dễ hiểu.

Có những địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh có tới 96.000 thí sinh; Thành phố Hà Nội có hơn 110.000 thí sinh dự thi. Tất nhiên, có những thí sinh thuộc khu vực nội đô và cũng có những thí sinh thuộc khu vực ngoại thành nên khi ra đề thi, sở cũng phải tính toán, cân đối cho phù hợp với từng đối tượng.

Vì vậy, khi thí sinh gặp những câu hỏi, bài toán khó trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 (nhất là ở khu vực ngoại ô, nông thôn, miền núi) thì các em hãy xem đây là chuyện rất bình thường vì đề thi bao giờ cũng có sự phân hóa rõ ràng.

Song, cũng không phải vì đề khó mà các em quá lo lắng vì khó hay dễ, điểm cao hay thấp thì các trường trung học phổ thông cũng sẽ tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu thì thôi. Chỉ tiêu tuyển sinh đã được sở ấn định, số lượng thí sinh đăng ký dự thi thì cũng đã thực hiện từ khi kỳ thi chưa diễn ra nên đề khó hay dễ, điểm thi thấp hay cao không ảnh hưởng đến số chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi nhà trường.             

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành. Những địa phương chưa thi sẽ tổ chức trong những ngày tới đây để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn có phòng giáo dục trung học của Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương và đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường trung học phổ thông là lực lượng nòng cốt. Thông thường kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ được tổ chức trước, công bố điểm thì mới đến thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương tổ chức nên mọi khâu thực hiện đều được thực hiện khá cẩn thận và sát với tình hình thực tế của địa phương mình. Nếu tỉ lệ chọi của địa phương cao, bao giờ mức độ đề thi cũng sẽ khó hơn, nếu tỉ lệ chọi thấp, số lượng thí sinh ít thì mức độ khó của đề thi sẽ giảm bớt để tăng câu hỏi dễ. 

Vì vậy, chuyện đề thi dễ hay khó cũng rất bình thường đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Nhiều thí sinh không làm hết các câu hỏi trong đề thi là chuyện đã nằm trong dự tính của người ra đề thi.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-tuyen-sinh-vao-lop-10-cau-hoi-kho-de-phan-hoa-thi-sinh-179230611095730898.htm