Đề thi thử tốt nghiệp Ngữ văn Bình Phước: Ai sẽ khóc khi bạn lìa xa?
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước vừa tổ chức kì thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông (lần 2). Môn Ngữ văn với câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc chấp nhận thực tế được trích từ tác phẩm "Ai sẽ khóc khi bạn lìa xa" (Robin Sharma).
Gợi ý đọc hiểu trích đoạn trích "Ai sẽ khóc khi bạn lìa xa" (Robin Sharma)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích "Ai sẽ khóc khi bạn lìa xa" của Robin Sharma: nghị luận.
Câu 2. Theo đoạn trích, tác giả lại cho rằng câu trả lời của ngôi sao điện ảnh Kevin Costner rất sâu sắc bởi vì ông đã theo quan điểm trung lập và đơn giản là quyết định chấp nhận thực tế là một phần tất yếu của con đường ông đang đi.
Câu 3. Tác giả cho rằng hãy vừa cảm nhận nỗi đau vừa tận hưởng hạnh phúc vì nỗi đau là sự đau khổ về thể xác hoặc tinh thần. Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó.
Ý kiến khẳng định: Nỗi đau và hạnh phúc là hai mặt song song cùng tồn tại của đời sống, không thể không có cái này mà lại có cái kia. Có cảm nhận nỗi đau mới biết trân quý hạnh phúc mình đang có. Vì vậy, cảm nhận cả niềm đau và hạnh phúc sẽ giúp ta sống sâu sắc, lạc quan, bình tâm trước biến động của đời.
Câu 4. Đồng tình: Cuộc sống vốn không xuôi chiều mà sẽ có những ngang trái, nghịch cảnh xảy ra thử thách lòng người. Đôi khi những nghịch cảnh ấy khiến ta lâm vào tình cảnh khổ đau, bế tắc, tuyệt vọng. Nhưng ở đời không có đường cùng, mỗi trải nghiệm trong đời là một bài học quý giá để tiếp thêm sức mạnh, giúp con người vượt qua thử thách. Sự tôi luyện trong gian khó ấy sẽ giúp ta chạm đến đích mà mình mong muốn.
Không đồng tình: Có những khó khăn, thách thức trong cuộc đời quá lớn so với năng lực của con người. Đôi khi chúng ta mải miết chạy theo ảo vọng rồi lâm vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng. Những cú vấp ngã, những nỗi đau quá lớn mà không thể vực dậy, con người bị chìm nghỉm giữa cuộc đời.
Ý nghĩa của việc chấp nhận thực tế
Giải thích: Chấp nhận thực tế là không có thái độ phản kháng, hoàn toàn đón nhận tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời mình. Đây là thái độ sống cần thiết đối với con người.
Việc chấp nhận thực tế mang lại những ý nghĩa lớn lao cho con người: Cuộc sống phức tạp, biến động không ngừng, con người không thể kiểm soát được hoàn cảnh khách quan mà chỉ có thể thay đổi suy nghĩ chủ quan.
Chấp nhận thực tế giúp ta loại bỏ cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ phản kháng, tâm hồn trở lắng dịu bình an. Chỉ trong sự tĩnh lặng đó, chúng ta mới tìm ra giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất đối với mọi vấn đề đang xảy ra.
Chấp nhận thực tế cuộc sống như một lẽ tự nhiên sẽ giúp ta linh hoạt, kiên cường hơn để thích ứng với bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Chấp nhận thực tế cuộc sống còn giúp cho ta trau dồi trí tuệ, nhìn lại bản thân để cố gắng và thay đổi…. Chấp nhận thực tế không đồng nghĩa với việc buông xuôi, phó mặc.
Để chấp nhận thực tế cuộc sống chúng ta phải: dũng cảm đối mặt với khó khăn, luôn vui vẻ, lạc quan trong cuộc sống, giữ sự bình tâm, sáng suốt…
Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Tràng đoạn trích tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân
Vị trí đoạn văn: Đoạn văn miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật Tràng trong buổi sáng hôm sau, khi Tràng đã "nhặt" người đàn bà về làm vợ và có một đêm tân hôn giữa tình cảnh đói khổ thê thảm.
Bối cảnh: Tràng thức dậy khi mặt trời đã lên cao. Không gian sống vẫn là túp lều rúm ró của hai mẹ con nhưng tâm trạng Tràng phấn chấn, ngỡ ngàng, không tin được tất cả những gì đang xảy ra.
Tràng nhận ra sự thay đổi của không gian sống: sự thay đổi theo chiều hướng mới mẻ tích cực. Những người thân đang thu dọn nhà cửa. Khao khát mở đầu một chặng đường mới khiến họ bắt tay vào việc sắp xếp lại mọi thứ (nghệ thuật liệt kê, ngôn ngữ sống động,…).
Ngoại cảnh tác động đến tâm tư Tràng: Từ chỗ vô tư vô lo, anh đã có ý thức trách nhiệm, suy nghĩ chín chắn, trưởng thành. Từ nhận thức chuyển sang hành động, Tràng cũng muốn bắt tay vào việc thu dọn nhà cửa.
Nghệ thuật: Cách kể chuyện tự nhiên, tả cảnh sinh động; miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, nhưng vẫn lấp lánh nét tài hoa của con người Kinh Bắc.
Chi tiết cuối tác phẩm: Khi nghe câu chuyện giữa mẹ và vợ thì trong óc Tràng hiện lên cảnh đám người đói đi trên đê, đằng trước là lá cờ đỏ thắm. Chi tiết tạo nên kết thúc mở, dự đoán Tràng có khả năng tham gia cách mạng, đưa gia đình mình thoát khỏi tình cảnh đói khổ. Cách kết thúc lạc quan nhưng không dễ dãi vì đó là xu thế tất yếu.
Tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân qua nhân vật: Đồng cảm cho tình cảnh đáng thương của Tràng, nhặt nhạnh vu vơ một người phụ nữ xa lạ về làm vợ. Tràng tiêu biểu cho biết bao số phận đau khổ của con người Việt Nam trong nạn đói.
Tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật vì đã đẩy nhân dân ta đến tình cảnh thê thảm của nạn đói 1945. Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn người nông dân, thể hiện ở Tràng là tinh thần lạc quan, tình người và đặc biệt là khát vọng sống mãnh liệt, tin tưởng ở sức mạnh vượt lên hoàn cảnh, khả năng tham gia cách mạng ở họ. Nhà văn đã tìm ra con đường giải thoát cho số phận người nông dân trong nạn đói thê thảm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-thu-tot-nghiep-ngu-van-binh-phuoc-ai-se-khoc-khi-ban-lia-xa-179230530133232498.htm