Đề thi học sinh giỏi Văn: Hai người cùng nhìn bầu trời đêm qua những chấn song

05:37 - 15/02/2023

Hai người cùng nhìn bầu trời buổi tối qua những chấn song. Một người chỉ thấy toàn một màu đen, còn người kia thì thấy những vì sao.

Câu nghị luận xã hội có nhiều "đất" sáng tạo cho học sinh 

Sở giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi vừa tổ chức kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 năm học 2022-2023, trong đó có môn Ngữ văn. Riêng câu nghị luận xã hội được nhiều giáo viên đánh giá hay, có nhiều "đất" sáng tạo cho học sinh. 

Câu nghị luận xã hội (8 điểm): "Hai người cùng nhìn bầu trời buổi tối qua những chấn song. Một người chỉ thấy toàn một màu đen, còn người kia thì thấy những vì sao". (Dẫn theo Những giá trị vĩnh hằng, Nhà xuất bản Trẻ, 2012, trang 27)

Câu nghị luận văn học (12 điểm): "Phong cách văn học là cái thống nhất trong sự đa dạng của sáng tác. Cái độc đáo, vẻ riêng phải xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, có tính chất bền vững, nhất quán. Thống nhất từ cốt lõi, nhưng triển khai phải đa dạng, đổi mới." (Ngữ văn 12, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, 2008, trang 182).

Giới thiệu vấn đề: Cách nhìn vào hiện thực đời sống, nhìn đời, nhìn người một cách tích cực. Dẫn câu nói "Hai người cùng nhìn bầu trời buổi tối qua những chấn song. Một người chỉ thấy toàn một màu đen, còn người kia thì thấy những vì sao".

Đề thi học sinh giỏi Văn: Hai người cùng nhìn bầu trời đêm qua những chấn song - Ảnh 2.

Bầu trời đầy sao ở trong cách nhìn của con người tích cực. Minh hoạ: IT/image

Giải thích câu nói: Cùng một đối tượng nhưng có những cách nhìn khác nhau: Một người chỉ thấy "toàn một màu đen" tức là chỉ thấy cái bề ngoài, bề nổi của đối tượng. Người kia lại thấy "những vì sao" tức là nhìn thấy cái bản chất, cái bên trong, cái phẩm chất tốt đẹp của đối tượng.

Bình luận: Câu nói "Hai người cùng nhìn bầu trời buổi tối qua những chấn song. Một người chỉ thấy toàn một màu đen, còn người kia thì thấy những vì sao" rất đúng đắn và sâu sắc lại giàu hình ảnh. Nó giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của cách nhìn và thái độ của chúng ta đối với hiện thực cuộc sống, đối với con người. 

Gợi ý cách nhìn vào hiện thực đời sống

Trong thực tế và trong văn học đều có những cách nhìn nông cạn, cái nhìn "một phía" và đánh giá sai lầm đối với hiện thực và con người. Có những người thường chỉ thấy mặt đen tối của đời sống, khuyết điểm, tiêu cực của người khác mà không thấy được mặt tích cực, tốt đẹp của họ. 

Nhận thức và hành động: Để nhận thức và đánh giá đúng các hiện tượng đời sống, với cuộc đời và con người, chúng ta phải có cách nhìn đúng đắn, toàn diện, sâu sắc với đối tượng.

Để có cách nhìn đúng đắn và sâu sắc đối với con người và cuộc đời. Chúng ta cần phải hòa mình vào cuộc sống hiện thực, gắn bó và hiểu biết đối với đối tượng. Phải có thái độ khách quan, phải có tấm lòng thông cảm, vị tha, có niềm tin vào cuộc sống và bản chất tốt đẹp của con người. 

Kết luận chung: cách nhìn thể hiện thái độ tích cực của chúng ta đối với cuộc sống. 

Nghị luận về phong cách văn học

Phong cách văn học là diện mạo riêng biệt của sáng tác được tạo thành bởi sự thống nhất của các phương tiện biểu hiện phù hợp với một cái nhìn độc đáo có tính phát hiện đối với đời sống. 

Cái nhìn này không chỉ thể hiện lập trường, thái độ đối với đời sống mà quan trọng hơn là bộc lộ sự hiểu biết và tình cảm của con người đối với cuộc đời.

Phong cách văn học biểu hiện trước hết ở cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá, ở giọng điệu riêng biệt của tác giả (dẫn chứng).

Sự sáng tạo các yếu tố thuộc nội dung tác phẩm cũng in đậm dấu ấn riêng của tác giả, từ việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện hình ảnh, nhân vật cho đến xác lập tứ thơ, triển khai cốt truyện,... (dẫn chứng).

Hệ thống phương thức biểu hiện, các thủ pháp kĩ thuật lưu lại đậm đặc cá tính sáng tạo của tác giả, từ việc sử dụng ngôn ngữ, tổ chức kết cấu, định vị thể loại cho đến cách kể chuyện, miêu tả ngoại hình, bộc lộ nội tâm,... (dẫn chứng).

Phong cách văn học là cái thống nhất trong sự đa dạng của sáng tác. Cái độc đáo, vẻ riêng phải xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, có tính chất bền vững, nhất quán. Thống nhất từ cốt lõi, nhưng triển khai phải đa dạng, đổi mới (dẫn chứng).

Độc đáo một cách đa dạng, bền vững mà luôn đổi mới, những phong cách còn phải có phẩm chất thẩm mĩ, nghĩa là nó phải đem lại cho người đọc một sự hưởng thụ mĩ cảm dồi dào qua những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, hay, sinh động, hấp dẫn. Chỉ khi đó dấu ấn của phong cách trong quá trình văn học mới được ghi nhớ mãi mãi, không thể phai mờ.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-hoc-sinh-gioi-van-hai-nguoi-cung-nhin-bau-troi-dem-qua-nhung-chan-song-179230214213619967.htm