Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn quốc gia: Tạo màng lọc thông tin cho chính mình
Câu nghị luận xã hội đề thi chọn học sinh giỏi văn hoá lớp 12 trung học phổ thông và chọn đội tuyển quốc gia môn Ngữ văn tỉnh Quảng Trị yêu cầu học sinh bàn về chủ đề "Tạo màng lọc thông tin cho chính mình".
Gợi ý đáp án nghị luận xã hội
Giải thích: "Màng lọc" là vật có khả năng giúp gạn lọc những tạp chất, giữ lại những thứ hữu ích, phục vụ cho mục đích sử dụng. "Màng lọc thông tin" là kỹ năng chọn lọc, xử lý thông tin của con người, trong thế giới thông tin đa dạng phức tạp.
Bàn luận: Nắm bắt thông tin là nhu cầu bức thiết của con người. Trong thời đại công nghệ số, thông tin luôn được cập nhật, lan truyền nhanh chóng. Việc nắm bắt và chọn lọc thông tin vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với mỗi cá nhân.
Vì sao con người cần tạo màng lọc thông tin cho chính mình? Do tính chất tiện dụng và sự đa dạng của thiết bị số nên ai cũng có thể dễ dàng cập nhật thông tin lên mạng xã hội, vì vậy những nguồn thông tin này có được kiểm soát, kiểm chứng tính minh xác.
Hiện tượng "loạn" thông tin khiến người tiếp nhận dễ bị lạc lối, không phân biệt được thật giả, đúng sai…
Biết sàng lọc thông tin giúp hoạt động của con người đạt được hiệu quả, tránh được việc bị rơi vào trạng thái nhiễu loạn mất phương hướng, mất niềm tin, thậm chí bị lừa lọc…
Làm thế nào để tạo màng lọc thông tin cho chính mình? Cần làm giàu nền tảng tri thức của mình để có thể phân biệt được tính thật/giả, phải/trái, đúng/sai của thông tin và có sự lựa chọn, xử lý thông tin phù hợp.
Cần rèn luyện kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin một cách đa chiều. Luôn giữ sự tỉnh táo, thận trọng khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào.
Mở rộng nâng cao: Tạo màng lọc thông tin cho chính mình không có nghĩa thờ ơ hay cẩn trọng quá mức khi tiếp nhận thông tin dẫn đến việc có thể sẽ để tuột mất cơ hội mà bản thân có được nhờ thông tin ấy.
Không chỉ tạo cho mình "màng lọc thông tin" mà chúng ta cần biết tạo rất nhiều những "màng lọc" khác nữa để có cơ chế tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội.
Câu nghị luận văn học
Giải thích: "Mỹ cảm" là rung cảm cảm xúc có tính thẩm mỹ. "Khám phá một vùng đất, thấu hiểu một quốc gia và cảm mến một dân tộc": diễn tả quá trình vận động về nhận thức và tình cảm trong bạn đọc (khám phá, thấu hiểu, cảm mến) về một đất nước (vùng đất, quốc gia, dân tộc) khi tiếp cận một tác phẩm văn chương.
Nguyễn Nhật Ánh đề cập đến vai trò của văn chương trong việc mang đến cho người đọc những xúc cảm có tính thẩm mỹ và làm giàu vốn hiểu biết, tình cảm yêu mến những vùng đất khác nhau.
Bình luận: Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề: Bản chất của văn học là cái đẹp thể hiện trong nội dung và hình thức nghệ thuật mang tính thẩm mỹ nên tác phẩm văn học có khả năng mang đến mỹ cảm cho người đọc.
Văn học không chỉ phản ánh hiện thực rộng lớn mà còn là sự giải bày tình cảm chân thành của người nghệ sĩ. Bởi vậy, một mặt tác phẩm có khả năng giúp bạn đọc khám phá đời sống làm giàu vốn hiểu biết của mình, mặt khác tạo sự kết nối giữa con người với con người và sự kết nối này không bị giới hạn bởi ranh giới quốc gia, dân tộc.
Tính dân tộc là thuộc tính tất yếu của văn học. Vì lẽ đó, trong sáng tác của mỗi nhà văn đều in bóng dáng thời đại và dấu ấn văn hóa, lịch sử của quốc gia nơi họ thuộc về. Điều này được thể hiện ở cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
Chứng minh: Thí sinh chọn phân tích một vài tác phẩm văn học trong và ngoài nước để làm rõ vấn đề.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-chon-hoc-sinh-gioi-ngu-van-quoc-gia-tao-mang-loc-thong-tin-cho-chinh-minh-179240928122019234.htm