Đề cương về văn hóa Việt Nam - nền tảng tinh thần của quốc gia, dân tộc
Cách đây tròn 80 năm, Đảng ta ban hành bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023). Đây là văn kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đề cương đã vạch ra phương hướng phát triển cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật - nền tảng tinh thần của quốc gia.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Năm 2023 tròn 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng là năm kỷ niệm 25 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (tháng 7/1998); tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW (năm 2008) của Bộ Chính trị "về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"; chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI, 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Những dấu mốc lịch sử nói trên khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng một sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo chính trị liên tục, sát sao. Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước, sự quan tâm và lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng ngày càng mạnh mẽ, cụ thể hơn.
Đảng ta đã khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đồng thời cũng là một nguồn lực nội sinh trọng yếu cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; phát triển văn hóa gắn bó mật thiết với phát triển con người Việt Nam; phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...".
Cần một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, văn học nghệ thuật
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, với tất cả trách nhiệm và sự trung thực, cầu thị, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa – văn học nghệ thuật những năm gần đây còn chưa thực sự tương xứng với những kỳ tích của dân tộc, chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước. Trong đó có thể nói đến sự vắng bóng của những công trình, những tác phẩm có tầm vóc, được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao; hay sự lúng túng, sa sút nghiêm trọng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian và bác học.
Xu thế "nghiệp dư" hóa trong sáng tác và biểu diễn, sự "lên ngôi" của những loại hình, những tác phẩm bị dư luận gọi là "thị trường" nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng.
Cùng với đó là các sản phẩm văn hóa ngoại lai, chất lượng thấp, không phù hợp, thậm chí phản cảm lại tràn ngập, chiếm lĩnh phần lớn các phân khúc thị trường văn hóa, từ thành thị tới nông thôn, từ sân khấu, màn ảnh đến báo hình, báo mạng cho tới cả hoạt động lễ hội.
Là những người trực tiếp công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ, trí thức hết sức trăn trở, thấy rõ trách nhiệm của mình trong đó và nỗ lực tìm kiếm giải pháp để cải thiện tình hình. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đó là cần chăm lo phát triển để đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà có đủ năng lực và điều kiện cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Các tài năng nghệ thuật cần được phát hiện sớm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản, được tôi luyện và trọng dụng.
Về cơ chế, cần đặt toàn bộ sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến sự phát triển của công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo, coi đó như một xu thế phát triển không thể đảo ngược của quá trình toàn cầu hóa về văn hóa và là một trong những giải pháp chiến lược để tăng cường sức mạnh mềm, đưa Việt Nam ra thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Tuy nhiên, trong các văn bản chiến lược và kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, văn học nghệ thuật chưa có vị trí tương xứng. Vì vậy, đã đến lúc cần thiết có một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, văn học nghệ thuật.
Những loại hình văn hóa nghệ thuật trực tiếp liên quan đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng, chủ quyền, thống nhất quốc gia – dân tộc, đến các giá trị cốt lõi của văn hóa – con người Việt Nam thì Nhà nước cần tập trung đầu tư, hỗ trợ tối đa để đảm bảo có những tác phẩm chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật. Ngoài ra, cần đổi mới chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ. Phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn học nghệ thuật.
Tăng cường năng lực hưởng thụ tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách thụ hưởng văn hóa của người dân thuộc các vùng miền, các nhóm xã hội khác nhau.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Mỗi văn nghệ sĩ, bằng những tác phẩm của mình phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ – nhân văn, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một nguồn năng lượng tinh thần, làm giàu có thêm nđời sống tinh thần của nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển bền vững, giàu có phồn vinh và hạnh phúc.
Trên dặm dài gian nan đó, giới văn nghệ sĩ nguyện là những cánh chim nhỏ như trong bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ Thanh Hải: "... Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời.../Ta làm con chim hót, ta làm một nhành hoa..." nhằm góp phần đưa nền văn hóa Việt Nam xứng tầm với vị thế đất nước.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-nen-tang-tinh-than-cua-quoc-gia-dan-toc-17923022508572546.htm