Đề án "Thu phí vào nội đô" nhằm giảm ùn tắc giao thông tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của công dân
Hà Nội đang hoàn thiện Đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố với mục tiêu thông qua thu phí sẽ giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đề án này hiện đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của công dân.
Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" (đề án thu phí xe ô tô vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội lần thứ 3.
Đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng cho 87 trạm thu phí vào nội đô
Thông tin tại Dự thảo “Đề án thu phí vào nội đô” do Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội đệ trình Sở Giao thông vận tải, tổng mức đầu tư cho 87 cổng thu phí tại 68 vị trí khoảng hơn 2.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư xây dựng và thiết bị trung tâm điều hành, chi phí đầu tư thiết bị và lắp đặt các cổng thu phí. Việc thu phí sẽ được thực hiện bên trong đường Vành đai 3.
Giai đoạn 1 thực hiện thí điểm thu phí theo điểm (theo vị trí) nhằm giảm lưu lượng xe ô tô từ xa, từ đó giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên một số trục chính. Cụ thể bố trí các cổng thu phí nằm trên một số trục chính hướng vào nội đô có lưu lượng giao thông cao có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vị trí các cổng thu phí nằm ngoài vành đai 3.
Giai đoạn 1: Dự kiến xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các đường Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự cũng như trên các trục giao thông như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương.
Giai đoạn 2: Sau khi thí điểm, đánh giá việc thu phí mang lại hiệu quả, tiếp tục đầu tư xây dựng 59 cổng thu phí tại 46 vị trí nhằm mở rộng khu phí toàn bộ vành đai 3 phía bờ nam sông Hồng.
Giai đoạn 3: Tiếp tục đầu tư xây dựng 13 cổng thu phí tại 13 vị trí nhằm mở rộng khu vực thu phí sang bờ Bắc sông Hồng.
Sau giai đoạn 3, dự kiến có 68 vị trí với 87 cổng thu phí. Vị trí các cổng thu phí đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí (bố trí trên các đường hướng tâm từ bên ngoài vào trung tâm thành phố) để các phương tiện quá cảnh lưu thông trên vành đai không phải trả phí.
Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.
Chính quyền thủ đô cho biết, quá trình xây dựng đề án, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) và đơn vị tư vấn đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực liên quan. Đề án đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, việc lắng nghe và tiếp thu phản biện xã hội, ý kiến đa chiều là cần thiết.
Bất ngờ về cách khảo sát thu phí vào nội đô Hà Nội
Tại Hà Nội, hiện nay có gần 9 triệu công dân đang sinh sống và làm việc nhưng lại đánh giá dựa trên kết quả khảo sát sơ bộ của 1.028 phiếu online do đơn vị tư vấn đề án thực hiện. Cụ thể, kết quả sơ bộ từ 1.028 phiếu khảo sát online (tính đến ngày 10/10/2022), có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo; 27,1% không ủng hộ.
Hà Nội hiện có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ô tô, gần 6,5 triệu môtô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Con số này chưa bao gồm phương tiện của lực lượng vũ trang, xe biển ngoại giao, biển quốc tế và của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố.
Trái lại, trên một số phương tiện truyền thông từ ngày 20/10 đến nay, có tới 74% số người không ủng hộ việc thu phí; 12% số người ủng hộ và 14% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo.
Việc khảo sát chỉ dựa trên 0,01% dân số để đánh giá. Điều này đặt ra câu hỏi cho tính chính xác của các tác động xã hội đến chính sách, cũng như tính chính xác của thông tin.
Liệu giải pháp thu phí lúc này có thực sự giải quyết được vấn đề?
Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội) cho biết, giao thông Thủ đô thường xuyên ùn tắc, do đó, giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân đi vào nội đô là cần thiết và thu phí nội đô cũng nhằm mục đích này. Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân phải song song với phát triển phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay thế, nếu chỉ riêng thu phí nội đô thì không giải quyết được.
Mặt khác, với lưu lượng phương tiện rất lớn hiện nay, thu phí ô tô vào nội đô nếu không thực hiện đồng bộ với giải pháp hạn chế xe máy thì sẽ dẫn đến một tác dụng ngược là người dân chuyển sang sử dụng xe máy để đi vào nội đô và khi đó, ùn tắc sẽ càng nhiều. Đặc biệt là chính các tuyến vành đai cũng đang thường xuyên ùn tắc.
Trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc hội, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nêu ý kiến: "Đối với hệ thống giao thông, thông thường một đô thị phát triển, chưa tính đến yếu tố lịch sử, tính chất là trung tâm như Hà Nội, thì phải đảm bảo 20% - 25% diện tích đất tự nhiên dành cho hệ thống đường giao thông. Nhưng chúng ta đạt được từ 10% - 12%, như vậy là chưa bằng một nửa so với thông thường kinh nghiệm của các nước đã làm".
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: "Giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị nổi, ngầm dưới đất, là những giải pháp tốt nhất cho Hà Nội. Với những đô thị cực lớn, trên 10 triệu dân, thì dứt khoát phải có đường sắt đô thị thì mới gánh vác được câu chuyện giao thông. Đáp ứng được 50%, từ đó giảm hẳn đi được xe máy, sau đó là ô tô cá nhân. Nếu mà giao thông công cộng tốt rồi thì chắc chắn người ta sẽ sử dụng".
Theo các chuyên gia, thu phí không phải là giải pháp để giải quyết căn nguyên tình trạng tắc đường, kẹt xe của các thành phố lớn.
Trên thực tế, việc giãn dân từ nội đô ra các vùng lân cận vẫn chưa được thực hiện, quy hoạch các khu dân cư quá đông đúc, các tòa nhà cao tầng vẫn tiếp tục mọc lên san sát, khiến cho hạ tầng bị quá tải, giao thông trên nhiều trục đường bị bóp nghẹt.
Việc di dời các trường đại học ra ngoại thành để giảm áp lực hạ tầng xã hội Thủ đô sau cả chục năm vẫn chưa được thực hiện tốt.
Các dự án đường sắt đô thị đang chậm tiến độ, mạng lưới giao thông công cộng chưa đủ sâu rộng và đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân, từ đó hình thành văn hóa giao thông công cộng.
Việc thiếu tầm nhìn trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông mới là tác nhân chính đẩy các đô thị lớn vào thực trạng tắc nghẽn.
Vậy đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hệ thống trạm thu phí nhằm giảm ùn tắc tiếp tục là phương án giải quyết dồn trách nhiệm lên vai người dân!
Đề án thu phí các phương tiện vào nội đô còn quá nhiều bất cập, chưa chắc có thể giảm ùn tắc trong nội đô, thậm chí việc thu phí sẽ khiến người dân chuyển vào trong nội đô sống nhiều hơn, khiến không gian càng chật chội hơn.
Trả lời các băn khoăn và tranh luận quanh đề án thu phí nào nội đô, Hà Nội dẫn chứng lại 4 văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, là căn cứ pháp lý để xúc tiến triển khai đề án này.
Sát với vấn đề nhất là Nghị quyết 04 của Hội đồng nhân dân Thành phố, Nghị quyết 48 của Chính phủ về chiến lược đảm bảo an toàn giao thông, đây là 2 văn bản có nhắc đến giải pháp “Nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.
Nhưng nhìn chung, cả 4 văn bản đều hướng đến mục tiêu giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường trong khu vực nội đô; các văn bản này hoàn toàn không hề áp đặt một giải pháp cứng nhắc nào cho các đô thị trong việc thực hiện. Cơ chế là mở, linh động để các đô thị chủ động nghiên cứu hướng giải pháp phù hợp.
Vấn đề còn lại là các đô thị cần nghiên cứu từ thực tiễn và đưa ra giải pháp hiệu quả, giải quyết các vấn đề từ gốc rễ. Từ đó quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị một cách hợp lý, tránh quá tải đô thị.